Cơ hội và thách thức với ngành hải quan Việt Nam
Cơ hội và thách thức với ngành hải quan Việt Nam
1 Cơ hội với ngành hải quan Việt Nam
Trong bối cảnh kinh tế quốc tế hiện nay, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, đặc biệt là việc Việt Nam trở thành thành viên chính thức thứ 150 của Tổ chức thương mại thế giới đã mở ra cho các doanh nghiệp Việt Nam và ngành hải quan Việt Nam những cơ hội lớn. Doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện thuận lợi để mở rộng xuất khẩu vào thị trường các nước thành viên của các tổ chức kinh tế quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết.
Trao đổi thương mại, lưu thông hàng hóa giữa Việt Nam với các nước sẽ tăng nhanh. Thêm vào đó, sự ra đời và phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử đã tạo ra một thị trường thương mại toàn cầu không biên giới. Đây là cơ hội để Cơ quan Hải quan điều chỉnh quy trình, thủ tục và thông lệ hải quan theo hướng hiện đại, áp dụng cơ chế một cửa để thông quan hàng hoá bằng thủ tục hải quan hài hoà hoá và cơ sở dữ liệu mở. Nhờ sự phát triển của thương mại điện tử, Hải quan và các cơ quan quản lý nhà nước có nhiều nguồn thông tin bổ sung cho cơ sở dữ liệu của mình để quản lý người và hàng hoá qua biên giới.
Nhờ sự gia tăng trao đổi thương mại quốc tế và phát triển thương mại điện tử vai trò truyền thống của Hải quan trong việc thực hiện chức năng của mình tại biên giới có thể thay đổi. Do thương mại điện tử ngày càng phát triển, thông qua mối quan hệ hợp tác với các cơ quan Hải quan nước khác, cơ quan Hải quan của một nước có thể thực hiện thủ tục hải quan trước khi hàng hoá và người đến biên giới. Mỗi bên liên quan trong dây chuyền thương mại có thể gửi thông tin tới Hải quan sớm hơn. Việc này cho phép cơ quan Hải quan thực hiện nhiệm vụ và ra quyết định thông quan nhanh hơn.
>>> Xem thên : Khái niệm quản trị rủi ro trong thủ tục hải quan điện tử
Ngày nay sự phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và sử dụng mạng internet của các nước trên thế giới cũng mang đến những cơ hội lớn cho ngành hải quan. Với một cơ sở dữ liệu thương mại đã được xử lý, Internet cung cấp cho Hải quan nguồn thông tin rất có giá trị trong việc thực hiện chức năng kiểm soát và thực thi pháp luật của mình. Nhờ hệ thống xử lý tự động hiện đại đã giúp cho cơ quan Hải quan hoạt động minh bạch, hiệu quả, đánh giá rủi ro tốt hơn và tăng cường chống tham nhũng. Quá trình này còn đem đến cho Hải quan cơ hội phối hợp tốt với các cơ quan của chính phủ và giữa các cơ quan Hải quan các nước với nhau. Internet còn tạo ra loại hình doanh nghiệp mới cho thị trường quốc tế.
Những doanh nghiệp này vốn trước đây chỉ kinh doanh trong nước. Giờ đây, nhờ có Internet, họ có điều kiện tiếp cận với thị trường quốc tế. Điều này cũng tạo ra cơ hội để Cơ quan Hải quan cung cấp các dịch vụ điện tử đơn giản và dễ tiếp cận giúp doanh nghiệp làm việc với Cơ quan Hải quan qua phương tiện điện tử. Trong tương lai, mạng Internet cho phép doanh nghiệp tạo ra một hệ thống thương mại không giới hạn và không biên giới. Kết quả của quá trình này là thông tin quản lý Hải quan và thông tin liên quan sẽ được lưu trữ tập trung tại một địa chỉ mang tính toàn cầu. Trong bối cảnh hợp tác Hải quan với doanh nghiệp ngày càng được tăng cường, Hải quan sẽ có khả năng cải thiện việc tiếp cận thông tin thương mại, các giao dịch thương mại quốc tế, quản lý rủi ro và kiểm soát hải quan.
2 Thách thức với ngành hải quan Việt Nam
Thách thức to lớn đối với ngành Hải quan Việt Nam trong thời gian tới là hoạt động trong môi trường điện tử hiện đại. Hải quan phải đối phó với những thách thức sau:
Một là, làm sao cơ quan Hải quan tận dụng được cơ hội do công nghệ thông tin, viễn thông nói chung và thương mại điện tử nói riêng mang lại, bao gồm cả việc đào tạo và xây dựng năng lực. Hải quan phải khắc phục được sự phát triển có tính biệt lập về hệ thống điện tử tự động của mình và cần tính đến thông lệ quốc tế, đặc biệt là hệ thống có nhiều chức năng trong việc xử lý các giao dịch thương mại trên toàn thế giới.
Hai là, cơ quan Hải quan phải năng động hơn và có tầm nhìn trong việc phát triển các phương pháp điện tử để kiểm soát và tạo thuận lợi thương mại, đặc biệt là sử dụng công nghệ thông tin, bao gồm cả hệ thống trao đổi dữ liệu điện tử. Hoạt động trong một môi trường mở và mang tính toàn cầu, đòi hỏi Hải quan phải đáp ứng các yêu cầu: Các quy trình thủ tục hải quan phải hài hoà hoá dựa trên Công ước Kyoto sửa đổi, cũng như đưa ra các quy định về giao dịch điện tử, như chữ ký điện tử và văn bản điện tử; các yêu cầu về chuẩn hoá cơ sở dữ liệu đối với hàng xuất khẩu và nhập khẩu, được xác định trong mô hình cơ sở dữ liệu Hải quan của WCO; Hải quan cần có một chiến lược an ninh về công nghệ thông tin một cách toàn diện để giải quyết việc chứng nhận kỹ thuật số qua biên giới.
Ba là, Hải quan cũng sẽ phải sử dụng công nghệ và chuẩn mực có tính mở như Internet nhằm cải thiện quản lý công nghệ thông tin thông qua việc sử dụng tốt hơn các thông tin thương mại sẵn có đối với việc thu thuế, quản lý rủi ro và kiểm toán. Internet, bên cạnh việc cho phép các công ty lưu trữ thông tin tại một trung tâm toàn cầu, còn cho phép Hải quan tiếp cận các thông tin liên quan một cách nhanh chóng mà không cần biết các thông tin đó thực tế đang được lưu giữ ở đâu. Do đó, Hải quan sẽ phải duy trì khả năng đảm bảo tiếp cận được các thông tin tin cậy và có tính xác thực nhằm xác định được những người có trách nhiệm và có được thông tin cần thiết để thực hiện chức năng quản lý của mình. Một môi trường hoạt động như vậy đòi hỏi hệ thống luật pháp phải được áp dụng một cách đồng bộ, tăng cường hợp tác song phương, đa phương và đầu tư nguồn lực một cách thích hợp.
Bốn là, cơ quan Hải quan phải tham gia vào các thoả thuận hợp tác song phương và đa phương để phục vụ cho quản lý quản lý rủi ro và kiểm tra sau thông quan nhằm thực hiện thủ tục hải quan nhanh chóng, đơn giản và thống nhất đối với toàn bộ giao dịch quốc tế của các doanh nghiệp làm ăn hợp pháp. Việc này đòi hỏi cơ quan Hải quan áp dụng Số tham chiếu hàng hoá đơn nhất của WCO (UCR), chia xẻ thông tin tình báo vì để quản lý rủi ro và công nhận kết quả kiểm tra của nhau. Trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ xã hội, thu thuế và tạo thuận lợi cho thương mại hợp pháp, Hải quan sẽ cũng phải tập trung vào các doanh nghiệp lớn và tham gia nhiều hơn nữa vào qúa trình hoạt động thương mại và tiếp cận thông tin.
Năm là, Hải quan phải cung cấp dịch vụ trực tuyến toàn diện. Việc này cũng giúp cho Hải quan góp phần đáng kể vào việc thúc đẩy mức độ tuân thủ chung. Việc tiếp cận với các luật lệ và quy định liên quan và chỉ dẫn trực tuyến về vấn đề hải quan cũng như những kiến thức trao đổi trên trang Web Hải quan sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp tuân thủ các quy định của Hải quan.
Sáu là, đòi hỏi từ phía các doanh nghiệp đối với ngành Hải quan trong việc giảm thời gian thông quan ngày càng gia lớn do sự tăng trưởng của vận tải hàng không và đặc biệt sự gia tăng các kiện hàng do thực hiện thương mại điện tử.
Bảy là, việc gia tăng hàng hóa có giá trị nhỏ cũng ảnh hưởng tới số thu của Hải quan. Nếu như trước đây, các doanh nghiệp trung gian nhập khẩu hàng hoá có số lượng lớn, thì ngày nay, thương mại điện tử cho phép người mua có thể đặt hàng trực tiếp tới nhà sản xuất, việc đó dẫn đến nguy cơ sẽ có những lô hàng có giá trị dưới mức giá trị tối thiểu theo quy định. Việc này có thể gây ảnh hưởng bất lợi đến việc bán các hàng hoá giống hệt trong nước vì bị thu thuế tiêu thụ, trong khi đó, hàng hoá có trị giá tối thiểu không bị thu loại thuế này.
Tám là, về vấn đề cơ chế, chính sách, Hải quan cũng cần phải cân nhắc thảo luận các vấn đề này trong các tổ chức như WTO và OECD. Tại Hội nghị Bộ trưởng Doha 2001, trong Tuyên bố về thương mại điện tử, các Bộ trưởng của WTO đã tuyên bố rằng các nước thành viên của WTO sẽ tiếp tục áp dụng các thông lệ hiện hành, trong đó không áp dụng thuế hải quan đối với việc truyền dữ liệu điện tử. OECD đã kết luận rằng, do nguyên tắc trung lập, thuế tiêu dùng – trong đó có thuế giá trị gia tăng (VAT) hoặc thuế hàng hoá và dịch vụ (GST) sẽ được áp dụng đối với việc truyền các sản phẩm kỹ thuật số có giá trị thực tế tương đương (ví dụ: sách, phần mềm hoặc âm nhạc…).
Chín là, về khả năng kiểm soát của Hải quan đối với việc truyền các giao dịch điện tử. Điều quan trọng cần nhớ rằng do tính chất toàn cầu và phi biên giới của thương mại điện tử, Hải quan sẽ không có khả năng thực hiện vai trò của người gác cửa truyền thống. Trong thời gian tới, Hải quan sẽ phải dựa vào khả năng tự đánh giá của chính mình và thực hiện kiểm tra trên cơ sở kiểm toán. Thêm nữa, Hải quan sẽ phải khen thưởng thường xuyên những doanh nghiệp tuân thủ cao và phạt những doanh nghiệp không tuân thủ pháp luật. Mối quan hệ đối tác với doanh nghiệp cũng được phát triển cùng với các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) ở cấp độ quốc gia và quốc tế nhằm quy định cam kết tự nguyện duy trì hệ thống mạng luôn trong sạch trước những nội dung bất hợp pháp. Hợp tác song phương và đa phương ngày càng tăng lên, hệ thống tình báo tập trung và hợp tác trong nước cũng sẽ tăng lên.
Cuối cùng, Hải quan cũng cần cảnh giác cao hơn với các loại tội phạm do thương mại điện tử mang lại và các biện pháp để đối phó với các loại tội phạm này. Việc phát triển công nghệ mới đòi hỏi phải xây dựng hệ thống pháp luật để đối phó với các hành vi vi phạm ngày càng tăng, đồng thời đáp ứng các thoả thuận hỗ trợ lẫn nhau để xử lý giao dịch thương mại điện tử và cải thiện nội dung đào tạo nhằm kiểm soát các loại tội phạm liên quan đến máy tính và nhân viên thực thi pháp luật.
Để thực hiện tốt các nhiệm vụ của mình, Hải quan phải hoạt động hiệu quả và hiệu lực hơn. Cụ thể như sau:
Một là, đơn giản hoá các quy trình và thủ tục hải quan, đồng thời đảm bảo mức độ tuân thủ và an ninh cao, việc này sẽ làm giảm gánh nặng đối với doanh nghiệp và giúp cho chi phí tuân thủ thấp hơn.
Hai là, phát triển các giao dịch thương mại quốc tế phi biên giới, chuẩn hoá thủ tục hải quan và các luồng cơ sở dữ liệu nhằm đảm bảo rằng các cơ sở dữ liệu này được sử dụng thành công đối với tất cả các nước thành viên của WCO và cơ sở dữ liệu này được xây dựng theo mô hình cơ sở dữ liệu hải quan của WCO và Công ước Kyoto sửa đổi.
Ba là, cần phải đảm bảo rằng việc thực hiện thương mại điện tử phải tạo điều kiện cho Hải quan trong việc xác định và quản lý rủi ro với mức độ nhanh hơn và cải thiện việc tập trung nguồn lực vào những lĩnh vực có tính rủi ro cao nhất.
Bốn là, cần phải đặt sự tín nhiệm vào việc sử dụng các dữ liệu thương mại nhằm hoàn thành các yêu cầu của Hải quan.
Năm là, khai thác các tiềm năng trao đổi thông tin tình báo giữa các cơ quan Hải quan và đặc biệt là xây dựng khái niệm Số tham chiếu lô hàng đơn nhất (UCR) đối với quá trình kiểm toán các giao dịch thương mại quốc tế trọn gói.
Sáu là phát triển cơ chế làm việc chung giữa Hải quan và các cơ quan khác của chính phủ tham gia vào việc quản lý thương mại quốc tế nhằm thúc đẩy việc trao đổi phi tuyến cơ sở dữ liệu thương mại quốc tế và trao đổi thông tin tình báo rủi ro ở cả cấp độ quốc gia và quốc tế.
Bảy là, cần đảm bảo rằng tất cả các quy định về thương mại quốc tế liên quan cần được cập nhật, văn bản và chữ ký điện tử có đầy đủ cơ sở pháp lý.
Tám là, cần đảm bảo rằng tất cả nhân viên Hải quan được đào tạo để trang bị các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc thực hiện nhiệm vụ trong một môi trường điện tử hoàn toàn tự động.