Kinh tếQuản lý côngTin chuyên ngành

Vai trò của nghiên cứu phát triển

Vai trò của nghiên cứu phát triển

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng đầu tư vào nghiên cứu phát triển có ảnh hưởng nhiều nhất đến khả năng đổi mới của một doanh nghiệp (Dosi, 1998; Freeman and Soete, 1997). Theo các tác giả Guan và Ma (2003) thì năng lực R&D là một trong 7 năng lực quan trọng của đổi mới. Các doanh nghiệp đổi mới xem xét hoạt động R&D như là một hợp phần chủ yếu của phát triển doanh nghiệp nói chung bởi việc đưa ra thị trường các sản phẩm có chất lượng cao, tăng cường sự tự chủ và khả năng hấp thu công nghệ, thích nghi và nâng cấp các công nghệ nhập, từ đó dẫn đến khả năng xuất khẩu của doanh nghiệp được cải thiện, tránh nhập các công nghệ lạc hậu và tiết kiệm ngoại tệ (Sikka, 1998). Nhìn chung, hoạt động R&D có vai trò như sau:

Hoạt động nghiên cứu phát triển góp phần tăng cường năng lực công nghệ cho doanh nghiệp

Sự cạnh tranh gay gắt về thị trường sản phẩm, buộc các doanh nghiệp phải tăng cường năng lực công nghệ của mình bằng việc hình thành các trung tâm R&D, trung tâm thiết kế mới để đưa ra thị trường những sản phẩm có sức cạnh tranh cao.

Theo Cohen và Levinthal (1989), hoạt động R&D có một vai trò kép. Các doanh nghiệp đầu tư vào R&D không chỉ để đổi mới mà còn để phát triển và duy trì năng lực của mình trong việc xác định, đồng hoá và sử dụng tri thức từ môi trường bên ngoài. Nói cách khác, một trong những nguyên nhân mà doanh nghiệp tiến hành hoạt động R&D là để phát triển cái gọi là “năng lực tiếp thu”. Trong ngữ cảnh đó, R&D nội tại doanh nghiệp đóng góp cho năng lực tri thức bên trong, cho phép sử dụng một cách hiệu quả bí quyết kỹ thuật (know-how) bên ngoài (Arora and Gambardella, 1994). Tương tự như vậy, Chesbrough (2003) đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì khả năng lồng ghép giữa năng lực R&D bên trong và R&D bên ngoài. Xét theo quan điểm này, thì doanh nghiệp đổi mới với những thành tựu và năng lực R&D của mình được xem như là chiến lược hữu dụng, nhờ chiến lược này mà thành tựu thu được của các doanh nghiệp đổi mới ngày một tăng thêm bởi những nỗ lực R&D trước đó. Điều này giải thích vì sao một số doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu cơ bản – nghiên cứu mà các kết quả không trực tiếp thương mại ngay được (Dessyllas, P. and Hughes, A., 2005).

>>> Xem thêm : Khái niệm về nghiên cứu phát triển

Hoạt động nghiên cứu phát triển góp phần tăng vị thế của doanh nghiệp

Cấp phép công nghệ đang phát triển trong những năm gần đây trong các ngành công nghiệp công nghệ cao như công nghệ sinh học, hoá chất, bán dẫn và phần mềm máy tính. Đây là một phần trong sự phát triển của thị trường công nghệ. Cấp phép công nghệ thường được xem như một sự thay thế cho in-house R&D. Chẳng hạn, trong những mô hình cạnh tranh R&D, một khi doanh nghiệp chiến thắng trong cuộc đua thì các doanh nghiệp khác sẽ chấm dứt in-house R&D của họ. Như vậy các đối thủ trên thị trường cạnh tranh nhau để thay thế giấy phép công nghệ bằng các dự án in-house R&D (Gallini and Winter, 1985, Shapiro, 1985 and Katz and Shapiro, 1987).

Tuy nhiên, trên thị trường công nghệ, nếu bên mua có được thông tin tốt hơn sẽ tốt hơn. Thật vậy, rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng in-house R&D bổ sung cho việc nhận giấy phép công nghệ bằng việc tăng cường khả năng sử dụng các cơ hội công nghệ và cho phép các doanh nghiệp lựa chọn hiệu quả hơn, tập trung nhiều hơn vào những nguồn công nghệ bên ngoài có giá trị hơn (Arora and Gambardella, 1994, Rosenberg, 1990, and Cohen and Levinthal, 1990).

Gans & Stern (1999) đề xuất mối quan hệ giữa R&D và nhận giấy phép công nghệ: in-house R&D làm giảm giá của công nghệ được cấp phép bởi việc tăng cường năng lực trả giá của người nhận giấy phép công nghệ. Theo họ, in-house R&D suy cho cùng là một sự thay thế cho công nghệ được cấp phép. Tuy nhiên, đầu từ vào R&D tăng cường khả năng của người tiếp nhận công nghệ tiềm năng để phát triển đổi mới của chính họ và vì vậy cải thiện vị trí đàm phán của người nhận phép công nghệ, do đó giảm giá của công nghệ được cấp phép.

Hoạt động nghiên cứu phát triển góp phần tăng cường hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp

R&D là một hoạt động sản xuất thâm dụng tri thức trong một doanh nghiệp. Các doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động R&D có lợi thế cạnh tranh trong việc xuất khẩu sang các nơi khác không có loại sản phẩm đó. Ngoài ra, các doanh nghiệp đầu tư nhiều cho R&D có thể giữ vị trí hàng đầu trong thị trường công nghệ khi họ phát minh ra những sản phẩm mới hoặc những quy trình sản xuất mới. Các doanh nghiệp này sẽ dành được lợi thế cạnh tranh cao hơn so với các doanh nghiệp khác trong cùng một ngành công nghiệp.

Do đó việc đầu tư vào R&D thành công sẽ đưa đến những sản phẩm có sức cạnh tranh cao, và dẫn đến một chiến lược xuất khẩu của các doanh nghiệp và tất nhiên lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ tăng lên, lợi nhuận tăng thì doanh nghiệp có nhiều khả năng để tái đầu tư vào R&D trong chu kỳ tiếp theo. Cứ như vậy tạo ra một vòng xoáy xuất khẩu và hoạt động R&D của doanh nghiệp.

Hoạt động nghiên cứu phát triển góp phần tăng trưởng và phát triển nhanh

Rõ ràng việc đưa ra những sản phẩm mới hay những sản phẩm được cải tiến giúp cho doanh nghiệp chiếm lĩnh được nhiều thị phần hơn, bán được nhiều sản phẩm và thậm chí thâm nhập vào các thị trường nước ngoài như vừa đề cập ở trên. Điều này dẫn đến khả năng tăng trưởng và phát triển nhanh của doanh nghiệp.

Vai trò của nghiên cứu phát triển

Ngọc Thi

Tôi luôn muốn góp một phần nhỏ những kinh nghiệm của mình giúp các anh chị hoàn thành tốt luận án tiến sĩ

One thought on “Vai trò của nghiên cứu phát triển

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *