Kinh nghiệm quản trị rủi ro của hải quan Trung Quốc
Kinh nghiệm quản trị rủi ro của hải quan Trung Quốc
1. Tình hình áp dụng quản trị rủi ro của hải quan Trung Quốc
Trong bối cảnh kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tăng nhanh (năm 2010 đạt 20% so với năm 2009), quản lý rủi ro là công cụ hữu hiệu giúp Hải quan Trung Quốc tập trung nguồn lực để triển khai kiểm tra và kiểm soát hải quan, nâng cao hiệu quả và hiệu lực quản lý.
Việc thu thập thông tin rủi ro được hỗ trợ bằng một hệ thống phần mềm chức năng mà tất cả các công chức Hải quan ở các vị trí khác nhau đều được phân quyền và có nhiệm vụ cập nhật thông tin tại chỗ. Do vậy, thông tin rủi ro trên hệ thống quản lý rủi ro của Hải quan Trung Quốc có tính toàn diện và kịp thời, giúp nâng cao hiệu quả phân tích rủi ro và có những hướng dẫn nghiệp vụ, chỉ định kiểm tra tập trung, chính xác cao
Hệ thống quản lý rủi ro được thiết kế để xác định và phân tích các điểm rủi ro ở cả ba giai đoạn thông quan, trong từng quy trình thủ tục hải quan, trong các thông tin hồ sơ hải quan của hàng hóa. Đồng thời, việc phân tích rủi ro cũng được thực hiện theo từng cấp, với từng phạm vi thông tin phù hợp là cấp Tổng cục, cấp vùng và cấp cửa khẩu. Hải quan Trung Quốc sử dụng các phương pháp phân tích khác nhau, cùng với sự hỗ trợ tối đa của các công cụ công nghệ thông tin, để đưa ra các kết quả có tính trọng điểm và đạt hiệu quả cao.
Kiểm soát rủi ro cũng là một mắt xích quan trọng trong quản lý rủi ro của Hải quan Trung Quốc. Bằng nghiệp vụ kiểm soát rủi ro, Hải quan sẽ áp dụng các biện pháp phù hợp để ngăn ngừa hoặc kiểm soát các rủi ro phát sinh trong quá trình thực hiện các thủ tục hải quan.
Nguyên tắc của kiểm soát rủi ro là: phân lớp để kiểm soát, tối thiểu hóa sự can thiệp từ bên ngoài, phù hợp với thực tế, và ứng dụng công nghệ thông tin. Do đó, Hải quan áp dụng các phương pháp kiểm soát phù hợp với từng đối tượng và từng loại rủi ro, như: loại bỏ rủi ro, chuyển giao rủi ro, ngăn ngừa rủi ro…
Thông qua kiểm soát rủi ro, Hải quan Trung Quốc xây dựng các tiêu chí rủi ro để đưa vào hệ thống thông quan điện tử (trong năm 2010, Hải quan Thượng Hải đã có 83 lần xem xét và đánh giá lại các tiêu chí rủi ro; điều chỉnh 102 nghìn tiêu chí; bổ sung 61 nghìn tiêu chí; và loại bỏ 41 nghìn tiêu chí. Trên hệ thống thủ tục hải quan, thường xuyên duy trì 22 nghìn tiêu chí rủi ro trực tuyến).
>>> Xem thêm : Kinh nghiệm quản trị rủi ro của hải quan Hoa Kỳ
Bằng cách áp dụng các tiêu chí rủi ro trên hệ thống thông quan điện tử, Hải quan Trung Quốc đã tiến hành tự động hóa nhiều nội dung kiểm tra và xây dựng các chỉ dẫn nghiệp vụ cho công chức hải quan thực hiện trong khi làm thủ tục hải quan cho doanh nghiệp. Dựa trên các chỉ dẫn, tùy trường hợp cụ thể, công chức hải quan sẽ buộc phải thực thi theo đúng quy trình đã định (nếu là chỉ dẫn bắt buộc) hoặc tự quyết định biện pháp nghiệp vụ phù hợp (nếu là chỉ dẫn định hướng).
Ngoài ra, Hải quan Trung Quốc quản lý trọng điểm trước hết theo đối tượng doanh nghiệp. Mỗi đối tượng doanh nghiệp được phân loại và có quy định về chế độ thủ tục hải quan hay hình thức – mức độ kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu.
Hệ thống quản lý rủi ro của Hải quan Trung Quốc thực hiện thu thập thông tin về doanh nghiệp trên mọi mặt hoạt động: thời gian và lịch sử hoạt động, lĩnh vực đầu tư, ngành hàng kinh doanh xuất nhập khẩu, địa điểm và khu vực hoạt động, quy mô đầu tư, nhân thân người sở hữu và các nhà quản lý… Từ phân tích thông tin doanh nghiệp, Hải quan Trung Quốc phân chia các doanh nghiệp thành 5 loại: Doanh nghiệp AA, doanh nghiệp A, doanh nghiệp B, doanh nghiệp C và doanh nghiệp D
Về cơ bản, các doanh nghiệp loại AA và A đều là những doanh nghiệp có quy mô đầu tư lớn, có lịch sử hoạt động tốt, kinh doanh xuất nhập khẩu các loại hàng hóa không đánh thuế, có cam kết và bảo đảm bằng tiền (ký quỹ hoặc bảo lãnh của ngân hàng) với Hải quan về tuân thủ pháp luật.
Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu cũng là đối tượng được phân tích, đánh giá trong quản lý rủi ro theo nhiều tiêu thức phân loại:
– Phân loại theo chính sách thuế bao gồm: hàng hóa có thuế, hàng miễn thuế, hàng có ân hạn thuế, hàng tạm miễn thuế, hàng không có thuế và hàng hóa có chính sách thuế đặc biệt.
– Phân loại theo chính sách thương mại bao gồm: hàng thông thường, hàng có chế độ đặc thù; hàng hóa là nguyên liệu sản xuất sản phẩm xuất khẩu, hàng tạm quản, hàng quá cảnh và hàng hóa xuất nhập khẩu theo chính sách đặc biệt.
– Phân loại theo quy trình thủ tục hải quan bao gồm: thủ tục thông thường; thủ tục thông quan nhanh – khai trước và kiểm tra sau thông quan trong thời hạn nhất định; thủ tục hải quan nhanh và thanh lý (thanh khoản) sau khi kết thúc giai đoạn quản lý; thủ tục hải quan nhanh trên cơ sở có bảo đảm và thanh lý sau khi tái xuất – tái nhập hàng hóa; thủ tục hải quan trên cơ sở thủ tục đối với phương tiện vận tải; và thủ tục hải quan đặc biệt.
Với hệ thống quản lý rủi ro như trên, Hải quan Trung Quốc đã và đang triển khai rất hiệu quả các mặt hoạt động quản lý hải quan. Các bộ phận nghiệp vụ và từng công chức hải quan được xác định rất rõ phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình và cùng hợp tác chặt chẽ với nhau để nâng cao hiệu quả hoạt động chung của Ngành.
2 Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
Từ kinh nghiệm của Hải quan Trung Quốc cho thấy muốn áp dụng có hiệu quà công tác quản trị rủi ro thì việc thu thập thông tin phải được thực hiện theo hệ thống khép kín, gồm các bước: thu thập thông tin rủi ro – phân tích rủi ro – kiểm soát rủi ro – đánh giá rủi ro – quyết định xử lý nghiệp vụ. Ngoài ra, cần phải xây dựng các tiêu chí để đánh giá để phân loại doanh nghiệp để có những biện pháp quản lý phù hợp; chọn lựa các doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật để có chế độ ưu tiên trong quá trình làm thủ tục hải quan.