Những quan điểm cơ bản về tăng trưởng kinh tế và phát triển kinh tế
Những quan điểm cơ bản về tăng trưởng kinh tế và phát triển kinh tế
Quan niệm nhấn mạnh vào tăng trưởng:
Quan điểm này cho rằng tăng thu nhập là quan trọng nhất, nó như đầu tàu, kéo theo việc giải quyết vấn đề cơ cấu kinh tế và xã hội. Thực tế cho thấy những nước theo quan điểm này đã đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, không ngừng tăng thu nhập. Song cũng cho thấy những hạn chế cơ bản sau:
+ Sự tăng trưởng kinh tế quá mức nhanh chóng vì những động cơ có lợi ích cục bộ trước mắt đã dẫn đến sự khai thác bừa bãi không chỉ trong phạm vi quốc gia mà còn trên phạm vi quốc tế, khiến cho nguồn tài nguyên bị kiệt quệ và môi trường sinh thái bị phá huỷ nặng nề.
+ Cùng với sự tăng trưởng là sự bất bình đẳng về kinh tế và chính trị xuất hiện, tạo ra những mâu thuẫn và xung đột găy gắt: Xung đột giữa khu vực sản xuất công nghiệp và nông nghiệp; xung đột giữa giai cấp chủ và thợ; gắn với nạn thất nghiệp tràn lan; xung đột giữa các dân tộc, sắc tộc, tôn giáo; xảy ra mâu thuẫn về lợi ích kinh tế – xã hội, do quá trình phát triển kinh tế không đều tạo nên.
Xem thêm: Khái niệm về tăng trưởng kinh tế
+Tăng trưởng đưa lại những giá trị mới, song nó cũng phá huỷ và hạ thấp một số giá trị truyền thống tốt đẹp cần phải bảo tồn và phát huy như: nền giáo dục gia đình, các giá trị tinh thần, đạo đức, thuần phong mỹ tục, chuẩn mực của dân tộc. Đồng thời với việc làm giàu bằng bất cứ giá nào thì tội ác cũng phát triển; các băng đảng lũng đoạn, sản xuất hàng giả, buôn lậu chất ma tuý với qui mô quốc tế sẽ gia tăng.
+Sự tăng trưởng và phát triển kinh tế nhanh chóng còn đưa lại những diễn biến khó lường trước, cả mặt tốt và không tốt, nên đời sống kinh tế xã hội thường bị đảo lộn, mất ổn định, khó có thể lường trước được hậu quả.
Quan điểm nhấn mạnh vào sự bình đẳng và bất bình đẳng trong xã hội:
Sự phát triển kinh tế đựợc đầu tư dàn đều cho các ngành, các vùng và sự phân phối được tiến hành theo nguyên tắc bình quân. Đại bộ phận dân cư đều được chăm sóc về văn hóa, giáo dục, y tế của Nhà nước, hạn chế tối đa sự bất bình đẳng trong xã hội.
Hạn chế của việc lựa chọn quan điểm này là nguồn lực hạn chế lại bị phân phối dàn trải nên không thể tạo ra được tốc độ tăng trưởng cao và việc phân phối đồng đều cũng không tạo ra được động lực thúc đẩy người lao động.
Quan điểm phát triển toàn diện:
Đây là sự lựa chọn trung gian giữa hai quan điểm trên, vừa nhấn mạnh về số lượng vừa chú ý về chất lượng của sự phát triển. Theo quan điểm này tuy tốc độ tăng trưởng kinh tế có hạn chế nhưng các vấn đề xã hội được quan tâm giải quyết.