Khái niệm thủ tục hải quan
Khái niệm thủ tục hải quan
Thủ tục hải quan được định nghĩa là “các công việc mà người khai hải quan và công chức hải quan phải thực hiện theo quy định của Luật hải quan đối với hàng hoá, phương tiện vận tải”1.
Thủ tục hải quan được hiểu một cách cụ thể là “những công việc mà người có hàng hóa xuất, nhập khẩu phải làm theo một trình tự nhất định khi hàng hóa đi qua biên giới quốc gia của nước xuất, nhập khẩu”2. Thủ tục hải quan thường bao gồm 3 công việc chủ yếu, đó là: khai báo khải quan, xuất trình hàng hóa và thực hiện các quyết định hải quan.
Đối với việc khai báo hải quan, chủ hàng khai báo các chi tiết về hàng hóa lên tờ khai để cơ quan hải quan kiểm tra các thủ tục giấy tờ. Nội dụng của tờ khai bao gồm những mục như: loại hàng (hàng mậu dịch, hàng trao đổi tiểu ngạch biên giới, hàng tạm nhập tái xuất,…), tên hàng, số, khối lượng, giá trị hàng, tên công cụ vận tải, xuất khẩu hoặc nhập khẩu với nước nào,… tờ khai hải quan phải được xuất trình kèm theo với một số chứng từ khác, mà chủ yếu là: giấy phép xuất nhập khẩu, hóa đơn, phiếu đóng gói, bảng kê chi tiết.
Đối với việc xuất trình hàng hóa, hàng hóa xuất nhập khẩu phải được sắp xếp trật tự, thuận tiện cho việc kiểm soát. Chủ hàng phải chịu chi phí và nhân công về việc mở, đóng các kiện hàng. Yêu cầu của việc xuất trình hàng hóa cũng là sự trung thực của chủ hàng. Để thực hiện thủ tục kiểm tra và giám sát, chủ hàng phải nộp phí thủ tục hải quan.
Đối với việc thực hiện các quyết định của hải quan, sau khi kiểm soát giấy tờ và hàng hóa, hải quan sẽ ra những quyết định như: cho hàng được phép đi qua biên giới (thông quan), cho hàng đi qua một cách có điều kiện (như phải sửa chữa, phải bao bì lại…), cho hàng đi qua sau khi chủ hàng đã nộp thuế; lưu kho ngoại quan (bonded warehouse), hàng không được xuất (hoặc nhập) khẩu,… nghĩa vụ của chủ hàng là phải nghiêm túc thực hiện các quyết định đó. Việc vi phạm các quyết định đó thuộc tội hình sự.