Tài Chính - Ngân HàngTin chuyên ngành

Thực trạng xử lý nợ xấu

Thực trạng xử lý nợ xấu

Nợ xấu hay nợ khó đòi là các khoản nợ dưới chuẩn, đã quá hạn và bị nghi ngờ về khả năng trả nợ lẫn khả năng thu hồi vốn của chủ nợ, điều này thường xảy ra khi các con nợ đã làm ăn thua lỗ liên tục, tuyên bố phá sản hoặc đã tẩu tán tài sản. Nợ xấu gồm các khoản nợ quá hạn trả lãi và/hoặc gốc thường quá ba tháng, căn cứ vào khả năng trả nợ của khách hàng để hạch toán các khoản vay vào các nhóm nợ thích hợp.

Theo Quyết định 493/2005/QĐ-NHNN ngày 22-4- 2005 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thì “nợ xấu” được định nghĩa như sau: “Nợ xấu là các khoản nợ thuộc các nhóm 3, 4 và 5 quy định tại Điều 6 hoặc Điều 7 Quy định này. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ là tỷ lệ để đánh giá chất lượng tín dụng của tổ chức tín dụng”.

Nợ xấu là kết quả của mối quan hệ tín dụng không hoàn hảo từ đó gây nên sự đổ vỡ lòng tin. Nợ xấu luôn song hành cùng hoạt động tín dụng theo mối quan hệ giữa lợi nhuận và rủi ro. Chính vì vậy, nợ xấu và xử lý nợ xấu luôn là mối quan tâm lớn của các quốc gia trên thế giới. Khi nợ xấu gia tăng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển nền kinh tế nói chung và hiệu quả hoạt động của các NH nói riêng. Từ năm 2012 đến 2016, xử lý nợ xấu được coi là một trong những nhiệm vụ chính của ngành NH trong quá trình tái cơ cấu tài chính NHTM nói riêng và tái cơ cấu NHTM nói chung. Ngay từ đầu năm 2016, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành nhiều văn bản, quyết định, thông tư liên quan đến việc hình thành thị trường mua bán nợ xấu. Tiêu biểu như: Thông tư 08/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 19/2013/TT-NHNN quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của Công ty Quản lý Tài sản các TCTD Việt Nam (VAMC) theo cơ chế thị trường giúp tăng tính chủ động và quyền hạn cho VAMC; hay Quyết định 618/QĐ-NHNN cho phép VAMC chính thức được triển khai phương án mua bán nợ xấu theo cơ chế thị trường.

Số liệu tập hợp từ báo cáo của các TCTD cho thấy tỷ lệ nợ xấu bình quân toàn hệ thống đến cuối năm 2016 ước tính giảm nhẹ từ 2,9% năm 2015 xuống 2,8%. Trong 2016, theo số liệu của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, hệ thống các TCTD đã xử lý khoảng 95.000 tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, xử lý qua thu hồi nợ, bán tài sản bảo đảm chiếm khoảng 52,6% tổng giá trị nợ xấu được xử lý, bằng nguồn dự phòng rủi ro chiếm 26,6%, bán cho VAMC chiếm 21%. Dù tiếp tục giảm nhẹ và một lượng lớn nợ được xử lý nhưng Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia đánh giá, nợ xấu chờ xử lý (nợ bán cho VAMC) và nợ xấu tiềm ẩn trong tái cơ cấu vẫn lớn. Tổng số nợ bán cho VAMC chưa xử lý được là 224.000 tỷ đồng (chiếm 85% nợ xấu bán cho VAMC, và chiếm khoảng 4,3% tổng tín dụng).

Xử lý nợ xấu là một trong những nhiệm vụ trong tâm của hệ thống ngân hàng Việt Nam trong thời gian qua. Những giải pháp xử lý nợ xấu và hạn chế nợ xấu gia tăng đã được thực hiện trong thời gian qua như sau:

  • Về phía Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Thứ nhất, NHNN đã chỉ đạo các TCTD thực hiện đúng các quy định của pháp luật về hoạt động cho vay, tỷ lệ an toàn vốn và hạn chế cấp tín dụng, không cho vay mới để trả nợ cũ với mục đích che giấu nợ cũ.

NHNN cũng chỉ đạo các NHTM chủ động phối hợp với khách hàng vay để thực hiện việc đánh giá chất lượng và khả năng thu hồi các khoản nợ để có biện pháp xử lý phù hợp, như: cơ cấu lại nợ một cách hợp lý để giảm khó khăn tài chính tạm thời cho DN (Quyết định 780/QĐ – NHNN 23/4/2012 về phân loại nợ đối với nợ được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ), trích lập dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu theo quy định của pháp luật, thực hiện tốt việc mua bán nợ theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp NHTM có nhu cầu chào mua, bán các khoản nợ nhưng chưa tìm được bên bán nợ hoặc bên mua nợ, NHNN cũng yêu cầu các NHTM tổng hợp, báo cáo để thông tin, khuyến nghị các TCTD khác tham gia mua, bán.

Thứ hai, NHNN cùng các bộ, ngành liên quan và địa phương đã tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định về an toàn hoạt động, tình hình tài chính, nợ xấu và kết quả xử lý nợ xấu của các TCTD. Đồng thời hoàn thiện các quy định về phân loại nợ, cơ cấu lại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro, bảo đảm chặt chẽ, minh bạch và phù hợp hơn với thông lệ quốc tế.

Thứ ba, NHNN đã chỉ đạo các TCTD cắt giảm chi phí, chia sẻ khó khăn cho DN thông qua giảm lãi suất tiền vay đối với các lĩnh vực ưu tiên và các lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác. Ngoài ra, NHNN cũng chủ động phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để triển khai một số giải pháp hỗ trợ khác nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh để làm cơ sở cho các NHTM thu hồi nợ, giảm nợ xấu.

Thứ tư, trên cơ sở Nghị định 53/2013/NĐ-CP về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của VAMC được Chính phủ ban hành vào ngày 18/05/2013, NHNN đã thành lập công ty Quản lý tài sản của các TCTD, theo Quyết định số 1459/QĐ-NHNN ngày 27/06/2013 (VAMC). VAMC là doanh nghiệp đặc thù, được tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ, cơ chế tài chính và tiền lương theo cơ chế của Doanh nghiệp Nhà nước hạng đặc biệt. VAMC là công cụ đặc biệt của Nhà nước nhằm góp phần xử lý nhanh nợ xấu, lành mạnh hóa tài chính, giảm thiểu rủi ro cho các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hợp lý nền kinh tế. VAMC hoạt động theo nguyên tắc lấy thu bù chi, không vì mục tiêu lợi nhuận; công khai, minh bạch; hạn chế rủi ro và chi phí trong xử lý nợ xấu. Với số vốn điều lệ ban đầu là 500 tỷ đồng, ngày 31 tháng 03 năm 2015 chính phủ đã ban hành Nghị định 34 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 53 về thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).

Theo thống kê của Vụ Chính sách tiền tệ – Ngân hàng Nhà nước (2016), tỷ lệ nợ xấu đến cuối năm 2015 ước tính còn 2,55% so với con số 3,25% đầu năm do các ngân hàng tiếp tục tăng tốc trích lập dự phòng để xử lý nợ xấu, đồng thời đẩy mạnh bán nợ cho VAMC.

Bên cạnh đó, Nghị định 34/2015/NĐ-CP và Thông tư 14/2015/TTNHNN đã tăng vốn điều lệ của VAMC từ 500 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng và tạo điều kiện để VAMC mua bán nợ theo giá thị trường, đặc biệt là TT14 áp dụng từ ngày 1/10/2015. Việc thu mua nợ xấu của VAMC diễn ra rất thuận lợi trong 9 tháng đầu năm 2015 và đặc biệt trong Quý 3, do hạn chót 30/9/2015 mà NHNN đề ra để các NHTM đưa tỷ lệ nợ xấu về dưới 3%. Các chỉ tiêu về giá trị nợ xấu đã mua, lượng trái phiếu đặc biệt phát hành đều vượt kế hoạch tương ứng là 100.000 tỷ đồng và 80.000 tỷ đồng.

Bảng 1. Kết quả hoạt động của VAMC

Đơn vị: Tỷ đồng

  2013 2014 2015 Lũy kế
Tổng dư nợ gốc nội bảng 36.257 92.418 107.000 245.000
Tổng giá mua (lượng PĐB) 30.947 77.705 99.180 207.832
Thu hồi nợ 145 4.875 17.763 22.783

Nguồn: VAMC (2016)

Theo quy định tại Thông tư 19/2013/TT-NHNN ngày 06 tháng 09 năm 2013 quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam, VAMC có thể thực hiện mua bán nợ xấu theo một trong hai hình thức:

– Mua bán nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt: Các khoản nợ xấu được VAMC mua bằng trái phiếu đặc biệt (TPĐB) phải đáp ứng các điều kiện sau:

Thứ nhất, phạm vi các khoản nợ xấu được mua là:

+ Các khoản nợ xấu trong các hoạt động cấp tín dụng, bao gồm các khoản nợ xấu cho vay, chiết khấu, cho thuê tài chính, bao thanh toán và các khoản nợ xấu khác theo quy định của NHNN;

+ Khoản mua trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên thị trường của các công ty đại chúng chưa niêm yết do TCTD bán nợ mua đã quá hạn thanh toán một phần hoặc toàn bộ nợ gốc, lãi từ 90 ngày trở lên; hoặc chưa quá hạn hoặc quá hạn dưới 90 ngày nhưng doanh nghiệp phát hành trái phiếu có nợ xấu tại TCTD đó;

+ Khoản ủy thác mua trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết, uỷ thác cấp tín dụng mà TCTD bán nợ chịu rủi ro đã quá hạn thanh toán một phần hoặc toàn bộ nợ gốc, lãi từ 90 ngày trở lên; hoặc chưa quá hạn hoặc quá hạn dưới 90 ngày nhưng doanh nghiệp phát hành trái phiếu, bên nhận uỷ thác, đối tượng thụ hưởng của ủy thác có nợ xấu tại TCTD đó.

Thứ hai, khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm;

Thứ ba, Khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu phải hợp pháp và có hồ sơ, giấy tờ hợp lệ, cụ thể:

+ Hợp đồng tín dụng, hợp đồng ủy thác, hợp đồng mua trái phiếu doanh nghiệp, hợp đồng bảo đảm phải thể hiện rõ các quyền chủ nợ của TCTD, trách nhiệm và nghĩa vụ trả nợ của khách hàng vay, bên bảo đảm, bên có nghĩa vụ trả nợ đối với TCTD;

+ Khoản nợ xấu chưa dùng để bảo đảm nghĩa vụ của TCTD; tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu không có tranh chấp tại thời điểm mua, bán nợ.

Thứ tư, khách hàng vay còn tồn tại;

Thứ năm, giá trị ghi sổ số dư nợ gốc của khoản nợ xấu hoặc các khoản nợ xấu của một khách hàng vay hoặc các khoản nợ xấu của một nhóm khách hàng vay theo quy định tại khoản 4 Điều 8 Thông tư 19 vào thời điểm bán nợ không thấp hơn 3 tỷ đồng đối với nhóm khách hàng vay và khách hàng vay là tổ chức; không thấp hơn 1 tỷ đồng đối với khách hàng vay là cá nhân hoặc mức khác do Thống đốc NHNN quyết định.

– Mua bán nợ xấu theo giá thị trường, khoản nợ xấu được VAMC mua theo giá trị thị trường khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:

+ Khoản nợ xấu đáp ứng các điều kiện đối với khoản nợ được VMAC mua bằng TPĐB quy định tại Thông tư 19;

+ Được Công ty Quản lý tài sản đánh giá có khả năng thu hồi đầy đủ số tiền mua nợ;

+ Tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu có khả năng phát mại;

+ Khách hàng vay có triển vọng phục hồi khả năng trả nợ hoặc có phương án trả nợ khả thi.

Đồng thời, Thông tư 19 cũng quy định VAMC phải định giá hoặc thuê tổ chức có chức năng định giá độc lập xác định giá trị khoản nợ xấu mua theo giá thị trường; Phương án mua nợ xấu theo giá thị trường phải được NHNN chấp thuận; Việc mua, bán nợ theo giá trị thị trường được thực hiện theo quy định hiện hành của NHNN về mua, bán nợ áp dụng đối với các TCTD.

Việc mua bán nợ xấu của VAMC được thực hiện theo các nguyên tắc sau đây:

(i) Công khai, minh bạch;

(ii) Tuân thủ đúng quy định của pháp luật và hợp đồng mua, bán nợ;

(iii) Hạn chế rủi ro và chi phí trong mua, bán nợ xấu;

(iv) Việc mua, bán nợ xấu được thực hiện đối với từng khoản nợ xấu hoặc theo từng khách hàng vay trong trường hợp khách hàng vay có nhiều khoản nợ xấu tại một tổ chức tín dụng hoặc theo từng nhóm khách hàng vay trong trường hợp một tài sản bảo đảm cho các khoản nợ xấu của nhiều khách hàng tại một tổ chức tín dụng hoặc theo hình thức khác do các bên thỏa thuận phù hợp với quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Thông tư 19 cũng quy định rõ khi thực hiện mua bán nợ xấu giữa VAMC và TCTD, toàn bộ các quyền và lợi ích gắn liền với khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm và biện pháp bảo đảm khác cho khoản nợ xấu được bên bán nợ giữ nguyên hiện trạng và chuyển giao cho bên mua nợ theo hợp đồng mua bán nợ.

  • Về phía các ngân hàng thương mại

Thứ nhất, các NHTM đã chủ động phối hợp với khách hàng vay để cơ cấu lại nợ, giãn thời gian trả nợ và xem xét giảm lãi suất một cách hợp lý cho khách hàng có khó khăn tài chính tạm thời, có chiều hướng cải thiện sản xuất kinh doanh tích cực, được đánh giá có khả năng trả nợ theo thời gian cơ cấu lại nợ.

Thứ hai, các NHTM đã tăng cường trích lập, sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu theo quy định của pháp luật; đẩy nhanh tiến độ bán, xử lý các tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu để thu hồi vốn. Số chi phí DPRR tín dụng mỗi năm lại được tăng cao, theo số liệu thống kê cho thấy, số chi phí DPRR được trích lập năm 2012 là 53.696,55 tỷ đồng, năm 2013 là 69.970 tỷ đồng, năm 2014 là 75.490 tỷ đồng, đến cuối tháng 6/2015, tổng lượng dự phòng rủi ro còn lại của các tổ chức tín dụng đã lên đến 89.672, tỷ đồng. Báo cáo báo cáo tài chính năm 2015 được công bố của hầu hết các ngân hàng cũng cho thấy những con số đẹp về nợ xấu. Nợ xấu của các ngân hàng đều giảm so với cuối năm 2014, xét về tỷ lệ. Đặc biệt, tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng BIDV là 1,62%, MB là 1,6%, ACB là 1,32%, VietinBank là 0,91%, Eximbank là 1,85%, SHB là 1,72%, Techcombank là 1,66%, Vietcombank là 2%, TPBank là 0,4%… Số liệu của Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia mới đây cũng cho thấy, chất lượng tín dụng có sự cải thiện trong năm 2015, nợ quá hạn là 179.501 tỷ đồng, tỷ lệ nợ quá hạn là 4,4% (năm 2014 là 5,3%). Nợ xấu là 119.660 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ 2,9% (năm 2014 là 3,7%). Số nợ xấu được giải quyết chủ yếu thông qua bán cho VAMC. Số nợ bán cho VAMC đến năm 2015 là 243.000 tỷ đồng, tăng so với mức 133.000 tỷ đồng của năm 2014. (Theo Ngân hàng nhà nước Việt Nam, 2016). Những kết quả đạt được về xử lý nợ xấu trong thời gian vừa qua đã góp phần quan trọng trong việc tái cơ cấu, lành mạnh hóa tài chính của các tổ chức tín dụng, từ đó góp phần khơi thông và thúc đẩy mở rộng tín dụng cho nền kinh tế một cách an toàn, hiệu quả.

Thứ ba, bên cạnh những nỗ lực của các cơ quan quản lý Nhà nước, bản thân các TCTD cũng thực hiện đồng bộ các biện pháp quyết liệt trong xử lý nợ xấu: rà soát lại các quy định nội bộ, chấn chỉnh công tác quản trị điều hành, thành lập ban hay đơn vị chuyên xử lý nợ xấu, xác định rõ trách nhiệm cá nhân để xảy ra các món nợ xấu, đưa những người gây ra nợ xấu sang làm nhiệm vụ chuyên thu hồi nợ, cùng khách hàng phối hợp bán tài sản, phát mại tài sản, thay đổi nhân sự,…

Tuy nhiên, quá trình xử lý nợ xấu của các NHTM Việt Nam trong thời gian qua còn nhiều hạn chế, đó là:

+ Mức trích lập DPRR hiện nay theo quyết định số 22  ngày 04 tháng 06 năm 2014 của NHNN còn thấp, chưa tương xứng với mức độ rủi ro. Đây là nguyên nhân dẫn tới việc các NHTM không đủ nguồn để xử lý nợ xấu.

+ Bản thân các NHTM đã không trích lập đầy đủ, trung thực DPRR tín dụng nên NHNN chưa thể xử lý dứt điểm trong suốt thời gian qua.

+ Nợ xấu được xử lý chủ yếu bằng DPRR tín dụng cho thấy hoạt động xử lý nợ của các NHTM Việt Nam vẫn chưa thực sự có hiệu quả vì việc thường xuyên sử dụng quỹ DPRR để xử lý nợ xấu khiến lợi nhuận của NH bị ảnh hưởng, từ đó kéo theo những hệ quả xấu trong hoạt động kinh doanh và giảm lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

+ Bên cạnh đó hiệu quả kinh doanh hệ thống ngân hàng chưa cao do hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn, áp lực xử lý nợ xấu, chi phí dự phòng rủi ro lớn dẫn đến tình hình tài chính của nhiều TCTD gặp khó khăn, nhiều TCTD có kết quả kinh doanh thua lỗ.

+ Tỷ lệ nợ xấu nội bảng đã kiểm soát ở mức dưới 3% nhưng nợ xấu có xu hướng tăng trở lại về quy mô. Tính đến 31/12/2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu do VAMC quản lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu có khả năng lên đến 8,86% tổng dư nợ do khâu xử lý tài sản bảo đảm và xử lý nợ xấu còn nhiều khó khăn, vướng mắc chưa được giải quyết.

+ Giai đoạn vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã mua lại bắt buộc một số ngân hàng thương mại yếu kém để bảo đảm an toàn của hệ thống TCTD. Tuy nhiên, do khuôn khổ pháp lý của việc xử lý TCTD yếu kém còn chưa hoàn thiện và còn nhiều bất cập nên việc phục hồi và củng cố hoạt động của các TCTD yếu kém còn gặp rất nhiều khó khăn và tiềm ẩn rủi ro, tổn thất nếu không kịp thời xây dựng cơ chế, khuôn khổ pháp lý để triển khai thực hiện việc hỗ trợ.

+ Việc xử lý nợ xấu bước đầu đã đạt được kết quả khả quan, nhưng pháp luật về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm còn nhiều bất cập; Thiếu nguồn lực và cơ chế đặc thù cho VAMC hoạt động. Do đó đòi hỏi cần phải tiếp tục và sớm có giải pháp xử lý quyết liệt trong thời gian tới không để tác động xấu đến an toàn hệ thống và bảo đảm tính khả thi của việc xử lý TCTD yếu kém.

Thực trạng xử lý nợ xấu

Ngọc Thi

Tôi luôn muốn góp một phần nhỏ những kinh nghiệm của mình giúp các anh chị hoàn thành tốt luận án tiến sĩ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *