Các nghiên cứu về những nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của Ngân Hàng Thương Mại
Các nghiên cứu về những nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của Ngân Hàng Thương Mại
Nghiên cứu hiệu quả hoạt động của NHTM là một chủ đề luôn nhận được nhiều sự chú ý của các chuyên gia cả trong và ngoài nước. Tài liệu gần đây nhất mà tác giả tìm được là bài nghiên cứu của Dr. Aremu và cộng sự (2013). Nhóm tác giả sử dụng dữ liệu chuỗi thời gian cùng với mô hình hồi quy Cointegration và Error Correction để phân tích những nhân tố vi mô và vĩ mô tác động đến hiệu quả hoạt động của các ngân hàng cả trong ngắn hạn và dài hạn tại Nigeria từ năm 1980 đến năm 2010. Có tất cả 12 biến độc lập được đưa vào nghiên cứu trong mỗi mô hình, còn biến phụ thuộc là các tỷ suất sinh lời ROA, ROE và NIM. Kết quả nghiên cứu cho thấy mỗi biến độc lập khác nhau sẽ tác động lên biến phụ thuộc khác nhau. Tuy nhiên có thể rút ra kết luận tổng quát rằng các biến thể hiện quy mô ngân hàng và hiệu quả tiết kiệm chi phí không có ý nghĩa quyết định đến các tỷ suất sinh lời. Các biến thể hiện rủi ro tín dụng và mức độ an toàn vốn đều thể hiện mối tương quan âm với lợi nhuận ngân hàng cả trong ngắn hạn và dài hạn. Biến thể hiện rủi ro thanh khoản chỉ ảnh hưởng đến lợi nhuận ngân hàng trong ngắn hạn, trong khi biến thể hiện hiệu quả sử dụng lao động chỉ có tác động trong dài hạn. Trong số các biến vĩ mô được nghiên cứu thì chỉ có tốc độ tăng cung tiền là thực sự có ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của ngân hàng.
Khác với nhóm tác giả trên, Imad Z. Ramadan, Qais A. Kilani và Thair A. Kaddumi (2011) sử dụng dữ liệu được thu thập từ 10 NHTM trong khoảng thời gian 2001-2010 và mô hình hồi quy Pooled OLS để nghiên cứu những nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các ngân hàng tại Jordan. Nhóm tác giả sử dụng mô hình hồi quy với tác động cố định (fixed effects regression model) để nghiên cứu sự khác nhau giữa những nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của mỗi ngân hàng. Biến phụ thuộc được sử dụng để nghiên cứu là ROA và ROE. Các biến độc lập được chia thành 3 nhóm: nhóm biến liên quan đến từng ngân hàng cụ thể (tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng nguồn vốn, tỷ lệ dư nợ tín dụng trên tổng nguồn vốn, dự phòng rủi ro tín dụng, quy mô ngân hàng, chi phí hoạt động), nhóm biến thể hiện môi trường cạnh tranh (tỷ trọng tổng tài sản của ba ngân hàng lớn nhất trong tổng tài sản của cả hệ thống ngân hàng, tỷ lệ tổng tài sản của hệ thống ngân hàng trên GDP) và nhóm biến vĩ mô (GDP và tỷ lệ lạm phát). Nhóm biến đầu tiên được đưa vào mô hình trước, sau đó từng nhóm biến độc lập còn lại lần lượt được bổ sung thêm. Sau mỗi lần đưa thêm biến, hệ số R^2 đều tăng lên và đạt mức cao nhất khi tất cả các biến cùng chạy trong mô hình. Kết quả rút ra là sự kết hợp cùng lúc 3 nhóm biến trên sẽ giải thích tốt nhất cho sự biến động của ROA và ROE.
Cùng sử dụng mô hình hồi quy Pooled OLS nhưng Saira Javaid và cộng sự (2011) chỉ nghiên cứu những nhân tố vi mô ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của NHTM tại Pakistan. Nhóm tác giả chỉ sử dụng một biến phụ thuộc là ROA, các biến độc lập bao gồm quy mô tổng tài sản, tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng tài sản, tỷ lệ vốn huy động trên tổng tài sản, tỷ lệ dư nợ tín dụng trên tổng tài sản. Kết quả cho thấy quy mô tổng tài sản có mối quan hệ tỷ lệ nghịch với ROA, tức là những ngân hàng lớn lại có khả năng sinh lời thấp hơn so với những ngân hàng nhỏ. Biến tỷ lệ dư nợ tín dụng trên tổng tài sản không có tác động đáng kể. Hai biến còn lại có mối tương quan dương với ROA.
Tương tự như nghiên cứu của Ramadan, Kilani và Kaddumi, nhóm tác giả Panayiotis P. Athanasoglou, Matthaios D. Delis và Christos K. Staikouras (2006) cũng sử dụng 3 nhóm biến độc lập để nghiên cứu những nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các NHTM tại 7 nước vùng Đông Nam Âu (Albania, Bosnia-Herzegovina, Bulgaria, Croatia, FYROM, Romania và Serbia-Montenegro) trong khoảng thời gian từ năm 1998 đến năm 2002. Các tác giả sử dụng mô hình hồi quy theo phương pháp bình phương tối thiểu và xem xét tác động của cả ảnh hưởng cố định (fixed effects) lẫn ảnh hưởng ngẫu nhiên (random effects) đến các tỷ suất sinh lời ROA và ROE. Thêm vào đó, do có sự khác nhau về môi trường hoạt động của 7 nước trên, nhóm tác giả sử dụng thêm biến giả để đánh giá ảnh hưởng của từng quốc gia (country effects) và ảnh hưởng của thời gian (time effects) đến các biến phụ thuộc đang xét. Kết quả cho thấy các biến liên quan đến cấu trúc vốn, quy mô ngân hàng, tỷ lệ lạm phát có mối tương quan dương đến tỷ suất sinh lời, trong khi các biến thể hiện rủi ro tín dụng, chi phí hoạt động và môi trường cạnh tranh lại có mối tương quan âm. Các biến GDP hay rủi ro thanh khoản không có ý nghĩa thống kê. Nhóm tác giả còn kết luận rằng đối với các ngân hàng nước ngoài thì nhân tố cấu trúc vốn đóng vai trò quan trọng hơn trong việc tạo ra lợi nhuận.
Một nghiên cứu của IMF năm 2009 do các tác giả Valentina Flamini, Calvin McDonald và Liliana Schumacher thực hiện nhằm xác định những nhân tố ảnh hưởng đến lợi nhuận của 389 NHTM tại 41 quốc gia thuộc khu vực ven Sahara (Sub-Saharan Africa) trong khoản thời gian từ năm 1998 đến 2006. Biến phụ thuộc sử dụng trong nghiên cứu này là ROA. Các biến độc lập được chia thành 2 nhóm vi mô và vĩ mô. Các biến vi mô gần như không có gì thay đổi so với các nghiên cứu đã giới thiệu phía trên, tuy nhiên đối với nhóm biến vĩ mô các tác giả đã thêm biến giá dầu, giá một danh mục các mặt hàng thiết yếu không phải dầu và chỉ số Ease-of-Doing-Business Index do World Bank tổng hợp nhằm bổ sung thêm các nhân tố tác động đến hiệu quả hoạt động của NHTM. Nghiên cứu này cũng không sử dụng mô hình hồi quy theo phương pháp bình phương nhỏ nhất thông thường mà sử dụng cách tiếp cận theo two-step General Method of Moments (GMM). Kết luận chính của nhóm tác giả là cả 2 nhóm biến trên đều tác động đáng kể đến tỷ suất sinh lời tại các nước trong khu vực này. Họ cũng có bằng chứng cho thấy lợi nhuận năm trước khi được giữ lại để làm tăng nguồn vốn sẽ củng cố tiềm lực tài chính của các NHTM. Điều này sẽ khuyến khích ban hành các chính sách yêu cầu NHTM tăng cường sử dụng nguồn vốn có tính ổn định cao này để đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng. Thêm vào đó, khác với nghiên cứu của Panayiotis P. Athanasoglou, Matthaios D. Delis và Christos K. Staikouras (2006) đã được giới thiệu bên trên, các tác giả kết luận rằng không có bằng chứng thuyết phục khi cho rằng các ngân hàng nước ngoài sẽ có khả năng tạo ra lợi nhuận nhiều hơn các ngân hàng bản địa, bởi các ngân hàng nước ngoài cũng phải đối mặt với những rủi ro cũng như chịu tác động của nền kinh tế trong nước như các ngân hàng khác. Sau cùng, nhóm tác giả chỉ ra rằng, những nhân tố vĩ mô như lạm phát, GDP ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động ngân hàng, do đó các chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa cần được thiết kế theo hướng ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng bền vững và an toàn của hệ thống trung gian tài chính.
Một công trình khác về đề tài này là nghiên cứu của Antonio Trujillo-Ponce năm 2012. Tác giả tiến hành phân tích những nhân tố ảnh hưởng đến lợi nhuận của các ngân hàng tại Tây Ban Nha trong khoảng thời gian từ năm 1999 đến 2009, với mẫu nghiên cứu bao gồm 89 ngân hàng, trong đó có 28 NHTM, 45 ngân hàng tiết kiệm (saving-bank) và còn lại là các hợp tác xã tín dụng (credit cooperatives). Biến phụ thuộc đánh giá hiệu quả hoạt động ngân hàng được sử dụng để nghiên cứu là ROA và ROE, các biến độc lập cũng được chia thành hai nhóm là nhóm biến liên quan đến đặc trưng từng ngân hàng và nhóm biến thuộc về môi trường ngành-vĩ mô. Tác giả sử dụng phương pháp ước lượng system-GMM estimator và rút ra được kết luận là những ngân hàng có tỷ lệ nợ trên tổng tài sản và tỷ lệ vốn huy động trên tổng tài sản cao, chi phí hoạt động và rủi ro tín dụng thấp thấp sẽ có lợi nhuận cao hơn. Việc sử dụng biến giả thể hiện hình thức sở hữu ngân hàng cũng giúp tác giả chứng minh được sự khác nhau về hiệu quả hoạt động giữa NHTM và ngân hàng tiết kiệm.
Một nghiên cứu về chủ đề tương tự là nghiên cứu của Anna P. I. Vong và Hoi Si Chan (2006) về những nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của hệ thống NHTM tại Macao với số liệu được thu thập từ năm NHTM trong khoản thời gian 15 năm (1993-2007). Biến phụ thuộc được sử dụng cũng là ROA. Ngoài 2 nhóm biến độc lập thường thấy, nhóm tác giả bổ sung nhóm biến mô tả cấu trúc hệ thống tài chính với hai biến là chỉ số Lerner Monopoly Index (LMM) và tỷ trọng tổng tài sản của hệ thống ngân hàng trong GDP. Tương tự các nghiên cứu trước, họ cũng sử dụng mô hình hồi quy dữ liệu dạng bảng. Thông qua mô hình, nhóm tác giả chứng minh được rằng các ngân hàng với quy mô vốn chủ sở hữu lớn sẽ có khả năng sinh lợi cao hơn. Các biến chi phí thuế trên lợi nhuận, thị phần, rủi ro tín dụng và dư nợ tín dụng trên tổng tài sản phản ánh mối tương quan âm với tỷ suất sinh lời. Trong số các biến thuộc nhóm vĩ mô, chỉ có tỷ lệ lạm phát là thực sự có ảnh hưởng đến ROA. Các biến còn lại, kể cả các biến thuộc nhóm cấu trúc hệ thống tài chính đều không cho thấy ảnh hưởng đáng kể trong mô hình này.
Nghiên cứu của Asli Demirgüç-Kunt và Harry Huizinga năm 1997 sử dụng nguồn dữ liệu từ 80 ngân hàng trên khắp thế giới từ năm 1988 đến năm 1995 để nghiên cứu về hiệu quả hoạt động của NHTM. Biến phụ thuộc được sử dụng trong nghiên cứu là NIM và ROA. Có tất cả sáu nhóm biến độc lập được đưa vào mô hình bao gồm nhóm biến thể hiện đặc trưng ngân hàng, những nhân tố vĩ mô, những nhóm biến khác với những nghiên cứu khác như chính sách thuế, bảo hiểm tiền gửi, cấu trúc hệ thống tài chính và các chỉ số về luật pháp. Điểm khác biệt trong nghiên cứu này là chứng minh được rằng tại các nước đang phát triển, những NHTM nước ngoài có khả năng sinh lợi cao hơn, trong khi tại các nước phát triển thì ngược lại. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng gánh nặng thuế thu nhập doanh nghiệp được ngân hàng chuyển toàn bộ sang cho cả khách hàng gửi tiền và khách hàng vay tiền.
Tại Việt Nam, số lượng các đề tài nghiên cứu về hiệu quả hoạt động của NHTM khá phong phú, phương pháp nghiên cứu bao gồm cả định tính và định lượng. Điển hình như nghiên cứu của tác giả Lê Thị Hương (2002) với đề tài “Nâng cao hiệu quả đầu tư của các ngân hàng thương mại Việt Nam”, tác giả Lê Dân (2004) với đề tài “Vận dụng phương pháp thống kê để phân tích hiệu quả hoạt động của ngân hàng thương mại Việt Nam”, hay đề tài nghiên cứu trọng điểm cấp ngành “Nâng cao năng lực cạnh tranh của hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam trong điều kiện hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế” do TS Phạm Thanh Bình thực hiện (2005). Các nghiên cứu này đều sử dụng phương pháp định tính. Về phương pháp định lượng, có thể kể đến nghiên cứu của tác giả Bùi Duy Phú (2002) sử dụng hàm Cobb-Douglas để đánh giả hiệu quả hoạt động của Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, hay tương tự là nghiên cứu “Ước lượng các nhân tố phi hiệu quả cho Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam”. Bài nghiên cứu của TS Nguyễn Việt Hùng (2008) áp dụng phương pháp định tính để phân tích về thực trạng hoạt động của hệ thống NHTM, bên cạnh đó tác giả sử dụng thêm phương pháp phân tích định lượng bao gồm phân tích biên ngẫu nhiên SFA, phân tích bao dữ liệu DEA để đánh giá hiệu quả hoạt động và mô hình Tobit để phân tích những nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả họat động cuar hệ thống NHTM Việt Nam trong khỏang thời gian từ năm 2001 đến 2005. Đây là bài nghiên cứu được xem là khá đầy đủ và toàn diện về hệ thống ngân hàng Việt Nam, và là một hướng đi mới cho các phương pháp nghiên cứu hiệu quả hoạt động ở Việt Nam hiện nay.
Tóm lại, sau khi tổng hợp các nghiên cứu trong và ngoài nước liên quan đến việc phân tích những nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của NHTM, tác giả rút ra một số kinh nghiệm để ứng dụng vào nghiên cứu của mình như sau:
Chỉ tiêu được sử dụng phổ biến để đánh giá hiệu quả hoạt động của NHTM là các tỷ suất sinh lời như ROA, ROE, NIM…
Các biến độc lập sử dụng trong nghiên cứu thường được chia thành nhiều nhóm như nhóm các biến số vi mô, nhóm các biến liên quan đến môi trường cạnh tranh và nhóm các biến vĩ mô. Các biến cụ thể trong từng nhóm nhìn chung là tương tự nhau, tuy nhiên trong từng nghiên cứu cụ thể các tác giả sẽ chọn những biến phù hợp hoặc bổ sung thêm những biến mới. Việc phân chia thành từng nhóm sẽ rất có ích trong việc đánh giá tác động của mỗi nhóm đến hiệu quả hoạt động của ngân hàng, từ đó đề xuất các biện pháp đúng đắn và phù hợp.
Mô hình hồi quy tuyến tính theo phương pháp bình phương tối thiểu là mô hình được sử dụng phổ biến nhất và được đánh giá là phù hợp nhất để nghiên cứu những nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của NHTM.