Khái niệm giá trị doanh nghiệp
Khái niệm giá trị doanh nghiệp
Giá trị doanh nghiệp (GTDN) là biểu hiện bằng tiền về các khoản thu nhập mà doanh nghiệp mang lại cho nhà đầu tư trong quá trình kinh doanh. Để hiểu rõ khái niệm về Giá trị doanh nghiệp ở trên ta xét từ các khía cạnh sau:
Thứ nhất: DN là một tổ chức, một đơn vị kinh tế chứ không giống như những “tài sản” thông thường. Nó là một thực thể hoạt động, thông qua sự hoạt động mà người ta nhận dạng ra DN, DN không phải là một tập hợp các loại tài sản vào với nhau. Khi thực hiện phá sản, DN không còn tồn tại với tư cách của một tổ chức kinh doanh nữa. Khi đó, nó chỉ đơn giản là một sự hỗn hợp các loại tài sản đơn lẻ, rời rạc mà người ta có thể thanh lý, phát mãi từng thứ riêng biệt như những hàng hóa thông thường – nó không còn đầy đủ ý nghĩa của một DN. Do vậy, GTDN là một khái niệm chỉ được dùng cho những DN đang còn hoạt động và sẵn sàng hoạt động.
Thứ hai: DN là một tổ chức, một đơn vị kinh doanh, nhưng đồng thời cũng là một hàng hóa. Chúng có thể được trao đổi, mua bán như những hàng hóa thông thường khác. Khái niệm “DN” cũng như khái niệm về “giá trị doanh nghiệp” là những khái niệm thuộc phạm trù của kinh tế thị trường. Và vì vậy, quan niệm về giá trị, cũng như các tiêu chuẩn để nhận biết giá trị như đã nêu ở phần trên, hoàn toàn có thể sử dụng được để định giá doanh nghiệp.
Thứ ba: DN là một tổ chức, một đơn vị, một hệ thống và đồng thời cũng là một phần tử trong hệ thống lớn – nền kinh tế. Do đó, sự tồn tại của DN là ở mối quan hệ của nó với các phần tử khác của hệ thống, tức mối quan hệ với các đơn vị, thể nhân và pháp nhân kinh tế khác. Sự tồn tại của DN không chỉ được quyết định bởi các mối quan hệ bên trong DN mà còn bởi mối quan hệ với các yếu tố bên ngoài, như: Khách hàng, người cung cấp, người cho vay…
Sự phát triển của DN ở mức độ nào, là tùy thuộc vào mức độ bền chặt của các mối quan hệ đó với môi trường xung quanh, DN có đạt được mục tiêu lợi nhuận của mình hay không sẽ phụ thuộc có tính quyết định ở các mối quan hệ đó, chính vì vậy, sự đánh giá về DN đòi hỏi phải xem xét tất cả các mối quan hệ nói trên. Tức là, đánh giá về DN không chỉ đơn thuần bao gồm nội dung đánh giá về những tài sản trong DN mà điều quan trọng hơn là phải đánh giá nó về mặt tổ chức.
Thứ tư: Các nhà đầu tư thành lập ra DN không nhằm vào việc sở hữu các tài sản cố định (TSCĐ), tài sản lưu động (TSLĐ) hay sở hữu một bộ máy kinh doanh năng động mà nhằm vào mục tiêu chủ yếu là tìm kiếm lợi nhuận, tìm kiếm thu nhập. Tiêu chuẩn để họ đánh giá hiệu quả hoạt động – lợi ích của DN đối với các nhà đầu tư ở các khoản thu nhập từ hoạt động SXKD. Vì vậy, tại các nước có nền kinh tế thị trường phát triển, GTDN được xác định là các khoản thu nhập trong quá trình SXKD, độ lớn của GTDN. Theo đó, được đo bằng lượng thu nhập mà DN có thể mang lại cho các nhà đầu tư.
Trong nền kinh tế thị trường, cũng như các hàng hóa khác, sự hoạt động của DN mang lại lợi ích cho nhà đầu tư. DN là một loại tài sản đặc biệt, lại như một cỗ máy sinh lời và có thể hợp nhất, sáp nhập, mua bán, chia tách ……Khi thực hiện các giao dịch này, giá cả và giá trị của loại hàng hóa DN cũng không nằm ngoài các quy luật giá trị, cung cầu và cạnh tranh.