Kinh tếTin chuyên ngành

Triết lý về phát triển kinh tế địa phương và những gợi ý cho tỉnh Phú Thọ

Triết lý về phát triển kinh tế địa phương và những gợi ý cho tỉnh Phú Thọ

Những năm gần đây ở Việt Nam người ta bàn rất nhiều về vấn đề tái cơ cấu kinh tế và làm thế nào để phát triển kinh tế có hiệu quả và bền vững. Song thực tiễn phát triển kinh tế ở Việt Nam cho thấy kết quả phát triển kinh tế chưa đạt được mức mong muốn. Hiệu quả phát triển, năng suất lao động, GDP/người đều thấp, tăng trưởng thiếu ổn định. Tại sao vậy? Trong rất nhiều nguyên nhân thì có một nguyên nhân mang tính căn nguyên đó là các chủ trương, kế hoạch và tổ chức phát triển đều thiếu cơ sở lý luận và thực tiễn vững chắc. Trước tình hình đó tác giả muốn trình bày một số vấn đề chủ yếu về phát triển kinh tế và triết lý phát triển kinh tế để giúp những ai quan tâm có thêm thông tin tham khảo.

Từ khóa: Triết lý phát triển, chủ thể phát triển, kinh tế địa phương, động lực, nguồn lực phát triển, cơ hội, thách thức

MỞ ĐẦU

Ngay từ 2013, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ban hành Quyết định số 339/QĐ-TTg (ngày 19/2/2013) về phê duyệt đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và nâng cao năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013-2020. Theo đó, các địa phương đã triển khai xây dựng và tổ chức thực hiện đề án tái cơ cấu kinh tế. Song đến nay kết quả việc tái cơ cấu để phát triển kinh tế chưa được như mong muốn và bộc lộ nhiều bất cập. Nhìn chung hiệu quả phát triển kinh tế đang còn thấp, năng suất lao động và GDP/người của Việt Nam thấp thua nhiều nước trong khu vực. Các địa phương lúng túng khi tìm cách phát triển kinh tế. Thực tế chỉ ra rằng, khi luận bàn về vấn đề phát triển kinh tế địa phương mà không dựa trên một nền tảng lý luận vững chắc và không tuân thủ nghiêm ngặt triết lý phát triển thì không thể có kết quả như mong muốn. Thế nào là phát triển kinh tế địa phương, chủ thể tham gia phát triển kinh tế địa phương là ai, động lực  và nguồn lực phát triển kinh tế ra sao và bằng phương cách nào để phát triển kinh tế địa phương có hiệu quả cao và bền vững. Trong bài viết của mình tác giả xin trình bày một số vấn đề quan trọng nhằm góp phần làm sáng tỏ thêm những câu hỏi như vậy.

1. Một số vấn đề về triết lý phát triển kinh tế địa phương

1.1. Triết lý phát triển dẫn đường cho hoạch định chính sách phát triển của quốc gia cũng như của các địa phương

Triết lý là một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu đối với việc ra quyết định phát triển cũng như đối với việc tổ chức thực hiện các quyết định ấy. Triết lý không tồn tại thuần túy mà nó luôn gắn với yêu cầu phát triển. Để hiểu rõ hơn về điều đó cần tìm hiểu những vấn đề sau đây.

Theo Đại từ điển tiếng Việt1 do Nguyễn Như Ý chủ biên (cùng các cộng sự Nguyễn Văn Khang, Vũ Quang Hào, Phan Xuân Thành) thì “Triết lý có hai nghĩa: (1). Là lý luận triết học, và (2). Là quan niệm chung và sâu sắc nhất của con người về những vấn đề nhân sinh và xã hội”. Nói như thế quả là chưa thật rõ ràng.

Trong cuốn Thái Ất Thần Kinh của Nguyễn Bỉnh Khiêm (Trạng Trình) do Thái Quang Việt2 dịch cho biết, con người sử dụng kiến thức của mình để giải thích sự luân chuyển của thế giới con người chính là đang thực hiện triết lý sống của mình hay luận bàn về các hiện tượng xảy ra trong xã hội loài người. Nghe ra có vẻ cao siêu nhưng thực ra có thể hiểu rằng, Nguyễn Bỉnh Khiêm coi triết lý chính là con người sử dụng hiểu biết của mình để giải thích về cuộc sống của con người trong quá trình sinh tồn.

Học giả Phạm Xuân Nam3 trong cuốn “Triết lý phát triển” cho biết, theo Từ điển Hán ngữ hiện đại do Viện ngôn ngữ của Trung Quốc xuất bản thì: triết lý là nguyên lý về vũ trụ và nhân sinh. Học giả Phạm Xuân Nam đưa ra ý kiến của riêng mình và cho rằng, triết lý là chủ yếu hướng về đạo lý, nó chủ yếu đặt vấn đề tốt hay xấu, nên hay không? chứ không đặt vấn đề đúng hay sai, phải hay không phải. Đồng thời, cho rằng, triết lý là kết quả của sự suy ngẫm, chiêm nghiệm và đúc kết thành những công thức, những phương châm, những tư tưởng cơ bản và cốt lõi nhất về cuộc sống cũng như về những hoạt động thực tiễn rất đa dạng của con người trong xã hội. Theo đó, triết lý phát triển có hai nghĩa: (1). Ở Việt Nam triết lý phát triển là việc vận dụng sáng tạo triết lý phát triển xã hội tổng quát của Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; và (2). Đề xuất một số quan điểm, luận điểm có ý nghĩa triết lý phát triển ở Việt Nam trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Thực ra nói như thế cũng chưa thật rõ vấn đề triết lý phát triển. Cũng trong cuốn sách này Phạm Xuân Nam còn cho biết, giáo sư Hoàng Trình cho rằng, triết lý là những nguyên lý đầu tiên, những ý tưởng cơ bản được dùng để làm nền tảng cho sự tìm tòi và suy lý của con người về cội nguồn, bản chất và các hình thái tự nhiên, xã hội và bản thân; làm phương châm cho sự xử thế và xử sự của con người trong các hoạt động sống hàng ngày. Đồng thời, ông còn cho biết ý kiến của giáo sư Vũ Khiêu về triết lý. Theo giáo sư Vũ Khiêu, triết lý không thể hiện tầm khái quát vũ trụ và nhân sinh quan mà thể hiện ý nghĩ và hành vi có ý nghĩa chỉ đạo cuộc sống con người. Các cách diễn đạt như thế vẫn trừu tượng và làm cho người đọc khó hiểu được bản chất của vấn đề mà chúng ta đang nghiên cứu.

Trong cuốn “Bàn về vấn đề lý luận”1 chính tác giả bài viết này đã phân tích và cho rằng, “luận” hàm ý là “nói”; còn “lý” mang hàm ý là “lý lẽ” nên lý luận được hiểu là việc nói về lý lẽ tồn tại, vận động và phát triển của hiện tượng, sự vật trong thế giới quanh ta. Từ đó, triết lý phát triển được hiểu như nói về lý lẽ tồn tại, vận động và phát triển của một hệ thống. Mỗi hệ thống trước khi nói đến phát triển thì nó phải tồn tại và vận động đã. Vì thế, triết lý phát triển được hiểu một cách đầy đủ là lý giải có lý lẽ về sự tồn tại, vận động và phát triển theo quy luật của tự nhiên và của xã hội đối với một hệ thống xác định. Từ quan điểm đó, triết lý về phát triển kinh tế địa phương được xem là việc diễn giải về lý lẽ tồn tại, vận động và phát triển của nền kinh tế địa phương.

1.2. Triết lý phát triển kinh tế địa phương – một trong những vấn đề tạo nền tảng lý luận cho việc xây dựng đường lối phát triển kinh tế của các tỉnh ở Việt Nam

Khi bàn luận về triết lý phát triển kinh tế địa phương rất cần làm rõ vấn đề Kinh tế địa phương và ý nghĩa của nó. Việt Nam có 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương2. Trong đó 20 tỉnh thuộc miền núi (chiếm 35,3% về diện tích và 19% về dân số), 24 tỉnh đồng bằng (chỉ chiếm 18,7% về diện tích nhưng chiếm 42% về dân số), 28 tỉnh ven biển (chiếm 37,6% về diện tích và khoảng 41% về dân số so với cả nước). Ngoài phần đất liền, Việt Nam còn có khoảng 1 triệu km2 vùng biển thuộc chủ quyền, hơn 4000 hòn đảo lớn nhỏ có tiềm năng lớn để phát triển kinh tế biển. Mỗi địa phương có đặc điểm tự nhiên, kinh tế, xã hội, lịch sử phát triển không giống nhau. Do đó mỗi tỉnh có nền kinh tế với những đặc điểm riêng khá rõ. Trên địa bàn mỗi tỉnh đều hiện hữu các yếu tố như thời tiết, khí hậu, tài nguyên thiên nhiên, dân số, lao động, các công trình kinh tế, các công trình an ninh quốc phòng… Mỗi tỉnh được xem như một hệ thống lãnh thổ – tự nhiên – kinh tế – xã hội – môi trường và có một nền kinh tế tương ứng. Nền kinh tế ấy được tạo thành bởi các ngành nghề, các ngành nghề được phân bố theo lãnh thổ của tỉnh và được tổ chức thành các doanh nghiệp với các hình thức sở hữu khác nhau. Từ nhận thức như vậy nên dẫn đến một sự thật là tồn tại một hệ thống kinh tế tại mỗi địa phương mà tác giả bài viết này tạm gọi là nền kinh tế tỉnh. Nền kinh tế của mỗi địa phương là một phân hệ trong nền kinh tế quốc gia (một bộ phận cấu thành nền kinh tế quốc gia), nó có 2 đặc tính cơ bản: độc lập tương đối và bị chi phối bởi nền kinh tế quốc gia. Vì thế nền kinh tế địa phương (ý nói nền kinh tế của các tỉnh, gồm toàn bộ hoạt động kinh tế trên địa bàn tỉnh) không hoàn chỉnh như nền kinh tế quốc gia. Khi nền kinh tế quốc gia có công nghiệp phát triển mạnh mẽ, quy mô lớn, trình độ cao thì không nhất thiết nền kinh tế của tất cả các tỉnh đều phải có công nghiệp phát triển quy mô lớn, trình độ cao. Có thể có một số tỉnh có công nghiệp phát triển quy mô lớn, trình độ cao nhưng số tỉnh còn lại không nhất thiết phải có công nghiệp phát triển quy mô lớn, trình độ cao. Tuy nhiên để nền kinh tế quốc gia đạt tới mức hiện đại, phát triển ở trình độ cao thì nền kinh tế các địa phương phải được hiện đại hóa.

Vấn đề cực kỳ quan trọng đối với quá trình xây dựng đường lối phát triển kinh tế của địa phương là xác định được “Khung lý thuyết nghiên cứu phát triển kinh tế địa phương” ứng dụng ở nước ta. Về vấn đề này tác giả xin trình bày tư tưởng của mình theo sơ đồ tổng quát dưới đây:

Việc xác định mục tiêu phát triển kinh tế phải dựa trên kết quả nghiên cứu về lý thuyết phát triển kinh tế, xác định tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh có thể khai thác để phát triển kinh tế; đánh giá thực trạng phát triển kinh tế gắn với thực trạng khai thác tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh và kết quả nghiên cứu ảnh hưởng của toàn cầu hóa, cách mạng công nghiệp 4.0 và ảnh hưởng từ đường lối phát triển của đất nước. Từ mục tiêu phát triển cần đạt được tiến hành lựa chọn phương cách phát triển kinh tế, tìm kiếm nguồn lực, xây dựng chính sách phát triển và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với phát triển kinh tế (đó có thể được xem như các giải pháp để đạt được mục tiêu đề ra). Ở đây tác giả xin nói rõ hơn vấn đề “mục tiêu phát triển kinh tế”. Đối với phát triển kinh tế của một quốc gia hay của một địa phương, thịnh vượng và giàu có (GDP/ người, khả năng tích lũy phát triển) mới là mục tiêu tối thượng đối với mỗi giai đoạn phát triển kinh tế. Năng suất lao động, tốc độ tăng trưởng kinh tế, mức giảm hộ nghèo, mức độ gia tăng số người giàu… là mục tiêu cấp thấp hơn đối với phát triển kinh tế. Không nên để mục tiêu phát triển kinh tế phải “ôm” quá nhiều chỉ tiêu như kể cả mức thu – chi ngân sách, tỷ lệ tăng dân số, giá trị xuất khẩu, mức độ ô nhiễm môi trường, tỷ lệ thất nghiệp, số người được giải quyết việc làm, tỷ lệ che phủ diện tích tự nhiên, số người được sử dụng nước sạch… Theo lý thuyết cây mục tiêu. Có mục tiêu cấp 1 và có mục tiêu cấp 2,3,4… Mỗi mục tiêu cấp thấp hơn xem như giải pháp để đạt được mục tiêu cấp trên nó.

Việc triết lý phát triển kinh tế địa phương cần bám sát các câu hỏi lớn:

– Địa phương nên và cần làm cái gì (sản phẩm gì, với khối lượng bao nhiêu và làm như thế nào hoặc bằng cách gì hay bằng công nghệ nào?) và ai làm, làm khi nào? Tiêu thụ ở đâu? Khi xác định câu hỏi này và tìm cách trả lời nó thì phải xác định được nhu cầu phát triển doanh nghiệp trên địa bàn.

– Địa phương làm cái đó hay sản phẩm đó ở đâu? tổ chức sản xuất ra sao (tổ chức theo chuỗi giá trị sản phẩm hay tổ chức theo cụm liên kết lãnh thổ thế nào?…)

– Địa phương lấy nguồn lực ở đâu và huy động nguồn lực như thế nào để hiện thực hóa mục tiêu? Khi nghiên cứu phương án huy động nguồn lực tài chính rất cần xác định rõ nhu cầu thu hút vốn đầu tư ngoài địa phương (gắn với xác định nhu cầu thu hút công nghệ và nhất là thu hút vốn FDI) và thu hút nhân tài.

– Địa phương phải ban hành những chính sách gì? và phải thực thi những giải pháp gì để đạt được các mục tiêu đề ra cũng như xây dựng được một nền kinh tế mà trong đó mọi chủ thể đều có trách nhiệm cao (vì sự sống của mọi thành viên chứ không chỉ vì lợi ích của mỗi chủ thể)? Mỗi giải pháp phải được định lượng cụ thể, chỉ rõ trách nhiệm thực hiện và chế tài thực hiện chứ không chỉ trình bày một cách chung chung, chỉ mang tính nguyên tắc hay chỉ mang tính đạo lý. Khi giải pháp không cụ thể thì khó hiện thực hóa được mục tiêu đã đề ra.

1.2.1. Động lực và nguồn lực phát triển kinh tế

Khi bàn về phát triển kinh tế địa phương mà lại không hiểu rõ về động lực và nguồn lực phát triển kinh tế thì việc bàn luận ấy có lẽ chẳng đi đến đâu. Muốn phát triển kinh tế của các địa phương thì phải tạo ra được động lực và huy động được nguồn lực. Vậy động lực và nguồn lực phát triển kinh tế được hiểu như thế nào? Giá trị lý luận và thực tiễn của chúng ra sao?

Động lực phát triển kinh tế là vấn đề mấu chốt. Trong cuốn “Nguồn lực và động lực cho phát triển nhanh và bền vững nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn 2011-2020”1 tác giả bài viết này cùng các cộng sự đã lý giải khá rõ về vấn đề động lực phát triển kinh tế. Người viết cho rằng, động lực phát triển kinh tế là cái (hay thứ) mang tính động cơ, có ý nghĩa thôi thúc con người hành động để đạt mục đích kinh tế mong muốn. Nếu không có động lực thì nền kinh tế không thể phát triển. Bảo vệ Tổ quốc đã trở thành động lực để biết bao người con Việt Nam quên mình vì xã tắc, có người con Việt Nam chỉ nặng khoảng 50 kg nhưng vác được hòm đạn nặng tới 100 kg trong khi bắn máy bay của quân thù. Vì màu cờ sắc áo các vận động viên đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để giành huy chương vàng về cho đất nước. Còn đối với phát triển kinh tế thì sao? C. Mác đã nói đại ý rằng, nếu lợi nhuận 100% thì các nhà tư bản bất chấp pháp luật, còn khi lợi nhuận 300% thì có treo cổ nó lên nó vẫn làm2. C. Mác hàm ý, lợi ích kinh tế mà ở đây cụ thể là lợi nhuận mới là động lực thôi thúc các nhà tư bản hành động. Tác giả bài viết này muốn nhấn thêm một vấn đề là không thể coi giáo dục đào tạo, cơ chế chính sách, khoa học công nghệ hay đại đoàn kết là động lực phát triển kinh tế. Những thứ đó dù quan trọng đến đâu cũng chỉ là phương tiện để phát triển kinh tế mà thôi. Vì thế, chính quyền các địa phương phải cam kết với các nhà đầu tư rằng, nếu họ đến làm ăn tại địa phương mình thì nhà đầu tư sẽ thu được lợi nhuận và thu được nhiều lợi nhuận hơn so với khi họ đến làm ăn ở nơi khác. Đây là điều rất rõ ràng mà chính quyền các địa phương cần quán triệt và phải tìm cách đảm bảo lợi nhuận cho nhà đầu tư. Ở Việt Nam, hiện nay mới có khoảng trên 10 tỉnh tự cân đối được ngân sách (cân đối thu – chi) nên có thể nói hầu hết các địa phương đều chưa có khả năng tự tích lũy từ nội bộ nền kinh tế để đảm bảo đủ vốn đầu tư cho phát triển kinh tế của địa phương. Chính quyền địa phương không thể hô hào chung chung và càng không thể chỉ dựa vào tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh mà thu hút được vốn đầu tư từ bên ngoài.

Nguồn lực phát triển kinh tế. Điều này tưởng chừng đã rõ nhưng thực tế cho thấy nó không những chưa được tường minh mà còn có sự mơ hồ đối với nhiều người trong cả giới khoa học và trong cả giới quản lý. Cũng trong cuốn sách đã ghi chú ở tài liệu số 6, tác giả bài viết này đã trình bày nhiều khía cạnh xung quanh vấn đề nguồn lực phát triển. Nguồn lực được hiểu là tất cả các thứ vật chất được sử dụng để phát triển kinh tế hoặc được dự trữ để khi cần đem ra sử dụng nhằm gia tăng quy mô của nền kinh tế. Nói cụ thể hơn, nguồn lực phát triển kinh tế là tập hợp các yếu tố vốn đầu tư, lao động và sức sáng tạo công nghệ, thông tin, tài nguyên thiên nhiên… Thực tế cho thấy, quỹ dự trữ tài chính của quốc gia, nhiều tài nguyên thiên nhiên chưa được khai thác (như đất hiếm ở Lai Châu, mỏ than nâu ở Đồng bằng sông Hồng… chưa được khai thác thì chúng tồn tại ở dạng tiềm năng). Điều cần nhấn mạnh nhất là nguồn lực tồn tại dưới 2 dạng cơ bản: nguồn lực tiềm năng (những nguồn lực đang tồn tại nhưng chưa được sử dụng để phát triển kinh tế) và nguồn lực thực tế (những nguồn lực đã được sử dụng để phát triển kinh tế). Vấn đề quan trọng là tìm cách để nguồn lực thực tế xuất hiện, tức là biến nguồn lực tiềm năng thành nguồn lực thực tế. Chính quyền địa phương cần có chính sách và biện pháp cụ thể, đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư để các nhà đầu tư đem vốn phát triển sản xuất kinh doanh.

1.2.2. Các chủ thể tham gia phát triển phải được nhận diện rõ và có giải pháp để họ cùng có trách nhiệm và cùng được thụ hưởng kết quả phát triển kinh tế

Trong cuốn “Phát triển: Điều kỳ diệu và bí ẩn”1 chính tác giả bài viết này đã chỉ ra rằng, trong quá trình phát triển kinh tế có ba chủ thể tham gia trực tiếp. Đó là Nhà nước, Doanh nghiệp và Người dân. Ba chủ thể này cùng thực hiện ba chữ đồng “Đồng hướng, đồng hành và đồng hưởng”2. Đồng hướng là đồng mục tiêu phát triển. Đồng hành là cùng nhau hành động có trách nhiệm. Đồng hưởng là cùng nhau thụ hưởng kết quả phát triển một cách công bằng. Trong ba chủ thể này Nhà nước có vai trò quyết định bao trùm. Doanh nghiệp có vai trò then chốt đối với phát triển kinh tế, xã hội, môi trường.

1.2.3. Phương cách phát triển kinh tế đối với một quốc gia hay một địa phương cần được nhận thức đúng đắn

Thực tế cho thấy, một số quốc gia không có công nghiệp phát triển đến mức như của Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc nhưng họ vẫn thuộc nhóm các quốc gia phát triển và có GDP/người đạt khoảng 35-60 nghìn USD/năm. Có thể kể ra như Thụy Sĩ, New Zealand, Canada, Singapore… Tại sao các quốc gia vừa kể lại có sự phát triển ở đỉnh cao như vậy? Đó chính là họ thực thi hiện đại hóa đến mức ngưỡng mộ. Điều đó chứng tỏ rằng, hiện đại hóa mới là phương cách thịnh vượng đối với các nền kinh tế mà trong đó có Việt Nam.

Theo Tổng cục Thống kê3 mặc dù quy mô kinh tế Việt Nam không ngừng được mở rộng4, khoảng cách về GDP với các nước đã thu hẹp dần, nhưng so với một số nước trong khu vực ASEAN thì quy mô nền kinh tế của Việt Nam vẫn còn nhỏ. Tại thời điểm năm 2014, GDP của Indonesia gấp 4,8 lần GDP của Việt Nam; Thái Lan gấp 2 lần; Malaysia gấp 1,8 lần; Singapore gấp 1,7 lần và Philipine gấp 1,5 lần của Việt Nam. Tuy đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình (ở mức trung bình thấp), nhưng khoảng cách thấp thua về GDP bình quân đầu người của Việt Nam so với các nước trong khu vực còn lớn và có nguy cơ bị nới rộng. Tính chung giai đoạn 1994 – 2013, năng suất lao động (NSLĐ) tính theo sức mua tương đương năm 2005 của Việt Nam tăng trung bình 4,87%/năm, là mức tăng cao nhất trong số các nước ASEAN1. Nhờ đó, Việt Nam đã thu hẹp được khoảng cách tương đối so với các nước ASEAN có trình độ phát triển cao hơn. Cụ thể, nếu năm 1994 NSLĐ của Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philipine và Indonesia lần lượt gấp 29,2 lần; 10,6; 4,6; 3,1 và 2,9 lần NSLĐ của Việt Nam thì vào năm 2013 khoảng cách này giảm xuống tương ứng còn 18 lần; 6,6; 2,7;
1,8 và 1,8 lần. Sau gần 30 năm thực hiện đổi mới tại sao Việt Nam lại vẫn ở mức thấp như vậy. Nguyên nhân thì có nhiều nhưng phải kể đến việc tuy công nghiệp hóa đã đạt được nhiều thành tựu nhưng hiện đại hóa chưa có thành tựu đáng kể. Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, công nghệ đang sử dụng của doanh nghiệp Việt Nam lạc hậu so với thế giới vào khoảng 30 năm và vài chục năm so với khu vực. Ở Việt Nam, hiện nay mức độ thiết bị lạc hậu và rất lạc hậu chiếm đến 52%, trong khi mức độ thiết bị thuộc diện hiện đại chỉ có khoảng 10% và mức độ thiết bị trung bình khoảng 38%. Đáng lưu ý, các doanh nghiệp nhỏ, thiết bị ở mức lạc hậu và rất lạc hậu chiếm đến 70%. Kết quả khảo sát 100 doanh nghiệp ở Tp. Hà Nội và ở Tp.Hồ Chí Minh cho biết mức đầu tư cho đổi mới thiết bị công nghệ của doanh nghiệp trong nước chỉ chiếm khoảng 3% doanh thu. Có khoảng 69% doanh nghiệp phụ thuộc vào nguyên vật liệu nước ngoài và 52% phụ thuộc vào thiết bị, công nghệ nhập khẩu.

1.2.4. Doanh nghiệp đóng vai trò lớn đối với phát triển kinh tế. Nhìn chung, doanh nghiệp có vai trò quyết định đối với phát triển kinh tế.

Doanh nghiệp tạo ra GDP và tạo ra việc làm, đóng góp ngân sách Nhà nước, tham gia giải quyết nhiều vấn đề xã hội, trực tiếp tham gia chuỗi giá trị toàn cầu…. Vậy nếu doanh nghiệp không phát triển hoặc phát triển kém thì lấy ai thực thi chủ trương gia tăng kinh tế và thịnh vượng cho quốc gia và cho các địa phương. Vào năm 2016 Thái Lan có mức GDP/người khoảng 6700 USD tính theo giá thực tế. Trong khi họ có dân số khoảng 66 triệu người nhưng có khoảng 2,4 triệu doanh nghiệp (tức là cứ khoảng 30 người thì có 1 doanh nghiệp). Còn Việt Nam có số dân khoảng 93 triệu người nhưng chỉ có khoảng 500 nghìn doanh nghiệp (tức là cứ khoảng 185 người thì có 1 doanh nghiệp và trong tổng số doanh nghiệp thì 98% là doanh nghiệp vừa và nhỏ). Đối với Phú Thọ1, trong khi dân số vào khoảng 1,3 triệu người thì chỉ có khoảng 5,8 nghìn doanh nghiệp (hầu hết là doanh nghiệp vừa và nhỏ); tức là cứ 228 người mới có 1 doanh nghiệp. Đây có thể xem như “điểm nóng” đối với yêu cầu đổi mới để phát triển kinh tế của tỉnh. Tác giả muốn nhấn mạnh một vấn đề rất cơ bản. Đó là, số doanh nghiệp tuy quan trọng nhưng số lượng doanh nghiệp lớn và hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp còn quan trọng hơn. Việc tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp ra đời phải đi đôi với việc tạo điều kiện tốt để các doanh nghiệp làm ăn chân chính có hiệu quả và tham gia thật nhiều vào các chuỗi giá trị toàn cầu.

1.2.5. Cơ hội và thách thức phát triển

Tiền nhân có nói đại ý rằng, “gặp thời một tốt cũng thành công” . Điều đó cho thấy cơ hội quan trong như thế nào. Trong thời đại kinh tế tri thức phát triển thành trào lưu mạnh mẽ thì cơ hội đem đến từ các Hiệp định thương mại tự do, từ toàn cầu hóa và hợp tác kinh tế quốc tế là rất to lớn. Song to lớn đến đâu lại phụ thuộc vào năng lực tận dụng cơ hội của mỗi nước hay của mỗi địa phương. Việc phát triển các chuỗi giá trị toàn cầu không chỉ mang đến lợi ích to lớn cho các tập đoàn kinh tế xuyên quốc gia mà còn cho cả các nhà sản xuất của các quốc gia đang phát triển trong việc phát triển công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ theo chuỗi cung ứng… Bên cạnh đó, cũng đặt ra những thách thức lớn trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, tỷ giá, nhập khẩu thiết bị hiện đại và thu hút các nhà đầu tư FDI cũng như cạnh tranh tiêu thụ sản phẩm và tránh bớt rủi ro từ việc sử dụng các phương thức phát triển tiên tiến trên bình diện thế giới. Thiếu vốn, thiếu công nghệ hiện đại, rào cản thị trường, tiêu thụ sản phẩm… đang là những thách thức lớn đối với các tỉnh của Việt Nam, trong đó có tỉnh Phú Thọ.

1.2.6. Nhà nước trung ương và chính quyền địa phương có trách nhiệm cao nhất đối với phát triển kinh tế của quốc gia và của các địa phương.

Trong cuốn “ Tại sao các quốc gia thất bại – Quyền lực, thịnh vượng và nghèo đói” học giả Daron Acemoglu và James A. Robinson2 đã phân tích sâu sắc mối quan hệ giữa quyền lực, thịnh vượng và nghèo đói và đồng thời chỉ ra rằng, thể chế kinh tế quyết định sự thành bại của các nền kinh tế. Nhà nước là người “đẻ” ra thể chế kinh tế và tổ chức thực hiện thể chế kinh tế nên suy cho cùng Nhà nước quyết định sự thành bại của nền kinh tế. Đây là quan điểm đúng đắn. Chính quyền các địa phương ở Việt Nam cần thấu hiểu vấn đề then chốt và có tính nguyên tắc này để hành sự, thực hiện tốt chức năng quản lý và điều hành phát triển.

Hiện nay, nền kinh tế của Phú Thọ phát triển với hiệu quả chưa cao và thậm chí có người nói là còn thấp, GDP/người bằng khoảng 60% mức trung bình của cả nước (1890 USD so với 2350 USD của năm 2016) và tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 17% dân số chung. Theo tính toán của tác giả, nếu phấn đấu vào năm 2025 tỉnh Phú Thọ có mức GDP/người bằng trung bình cả nước (lúc đó vào khoảng 5600 USD) thì nền kinh tế của tỉnh phải đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 19-20%/năm (gấp khoảng 2 lần so hiện nay). Đó là mức cao mà nếu không có giải pháp thì khó có thể thu hẹp chênh lệch về GDP/người của tỉnh so với trung bình của cả nước. Vậy để phát triển nhanh hơn, hiệu quả hơn nền kinh tế của địa phương thì chính quyền tỉnh Phú Thọ phải làm gì và bắt đầu từ đâu? Dưới đây tác giả xin kiến nghị một số vấn đề cơ bản:

2.1. Chính quyền địa phương cần có giải pháp để xây dựng được các đề án quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội có căn cứ khoa học vững chắc. Việc trang bị lý luận cho đội ngũ cán bộ tham mưu, những người trực tiếp tham gia hoạch định đường lối, chính sách phát triển và những người lãnh đạo, điều hành các hoạt động phát triển của tỉnh là công việc vô cùng cần thiết. Cập nhật kiến thức cho đội ngũ cán bộ công chức từ tỉnh xuống huyện, xã phải được làm thường xuyên và được tiến hành một cách có chất lượng. Hàng năm nên mở những lớp bồi dưỡng lý luận, nghiệp vụ chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ thuộc khu vực công. Đồng thời, tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý doanh nghiệp cho đội ngũ doanh nhân trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, cần nghiêm túc học tập kinh nghiệm quốc tế cũng như kinh nghiệm của những địa phương đã thành công trong lĩnh vực phát triển kinh tế. Việc thu hút các nhà đầu tư chiến lược đến làm ăn tại Phú Thọ có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Theo tác giả được biết, năm 2016 Công ty điện thoại SAMSUNG Thái Nguyên đã tạo ra giá trị xuất khẩu khoảng 16 tỷ USD1 (trong khi cả thành phố Hà Nội chỉ xuất khẩu được khoảng 12 tỷ USD) và đóng góp khoảng 80% tổng thu ngân sách của tỉnh Thái Nguyên. Đúng là Công ty SAMSUNG đã tạo ra sự thay đổi to lớn cho nền kinh tế của tỉnh Thái Nguyên.

2.2. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với phát triển kinh tế. Trước hết Chính phủ cần tạo ra khuôn khổ pháp lý thuận lợi để phát triển kinh tế của các tỉnh. Thứ hai, chính quyền các tỉnh nói chung và tỉnh Phú Thọ nói riêng phải nhanh chóng nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) trên cơ sở hoàn thiện bộ máy quản lý, xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý có năng lực và có tâm gắn với cải cách hành chính một cách mạnh mẽ. Các địa phương cần đổi mới bộ máy quản lý kinh tế trên địa bàn từ tỉnh xuống huyện, xã. Lấy mục tiêu phát triển kinh tế (GDP/người, năng suất lao động) làm tiêu chí tối thượng để phát triển đội ngũ quản lý và đánh giá hiệu quả quản lý Nhà nước đối với phát triển kinh tế. Ủy ban nhân dân tỉnh có vai trò quyết định trong việc này, phải có quy định rõ ràng về quyền hạn và trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan quản lý Nhà nước, đồng thời có chế tài để giảm thiểu tình trạng tham nhũng, vô cảm của giới quản lý Nhà nước. Hiệu quả quản lý Nhà nước đối với phát triển kinh tế phải được tiến hành đánh giá hàng năm bởi một cơ quan có năng lực chuyên môn. Tỉnh nên nghiên cứu phương án thành lập một tổ chức chịu trách nhiệm đánh giá chất lượng phát triển kinh tế và đánh giá hiệu quả quản lý Nhà nước đối với phát triển kinh tế của tỉnh. Tổ chức này do chính quyền tỉnh thành lập nhưng phải có tính độc lập tương đối. Kết quả đánh giá phải được công bố công khai.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước gắn liền với hiện đại hóa nền kinh tế theo hướng xây dựng cơ cấu ngành nghề hợp lý và phát huy được tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh của địa phương. Đối với Phú Thọ, không nên phát triển công nghiệp bằng mọi giá mà phải hướng tới chế biến nông lâm thủy sản, dược liệu; công nghiệp sản xuất hàng cơ điện tử và phát triển du lịch chất lượng cao (với các sản phẩm du lịch tâm linh, văn hóa, tham quan thắng cảnh…). Hiện đại hóa nền kinh tế phải có mục tiêu định lượng rõ ràng cho từng giai đoạn phát triển. Trong đó cần coi trọng các chỉ số đổi mới công nghệ, tỷ lệ đầu tư phát triển các lĩnh vực sử dụng công nghệ cao, tỷ trọng các lĩnh vực sử dụng công nghệ cao chiếm trong tổng GRDP. Khi đánh giá hiệu quả quản lý Nhà nước đối với phát triển kinh tế còn cần chú ý các chỉ số về mức độ ổn định trong quá trình phát triển kinh tế, năng suất lao động, GDP/người, tỷ lệ người nghèo, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư…

Chính quyền tỉnh cần tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết với các nước (cho đến nay Việt Nam đã ký kết và đang thực thi 10 FTA1, trong đó 6 FTA với tư cách là thành viên SEAN ký kết với Trung Quốc, Úc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Niu Zelan; 4 FTA ký kết với tư cách một bên độc lập với Nhật Bản, Chi Lê, Hàn Quốc, Liên minh kinh tế Á – Âu ) và cần có cơ chế, chính sách khuyến khích đủ sức hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư ngoài tỉnh và khuyến khích người dân trong tỉnh đem vốn phát triển sản xuất kinh doanh. Đồng thời, coi trọng việc thu hút các nhà đầu tư chiến lược đến Phú Thọ làm ăn lâu dài.

2.3. Phát triển mạnh đội ngũ doanh nghiệp trên địa bàn. Phấn đấu cứ khoảng 60 người dân có 1 doanh nghiệp. Trong số doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn có khoảng 3-5% doanh nghiệp lớn, mang tầm quốc gia. Để phát triển đội ngũ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thì phải coi trọng thu hút doanh nghiệp lớn từ các thành phố lớn và các tỉnh trong nước cũng như thu hút nhiều doanh nghiệp lớn đến từ các quốc gia có công nghiệp phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Pháp…

Việc thu hút các nhà đầu tư FDI đến từ các quốc gia ASEAN phải cân nhắc kỹ càng để chọn được những doanh nghiệp lớn, sử dụng công nghệ cao và có tiềm lực tài chính mạnh cũng như có thị trường rộng trên khắp thế giới.

2.4. Phát triển nhân lực có chất lượng cao. Việc phát triển nhân lực chất lượng cao phải trên cơ sở dự báo thu hút các nhà đầu tư lớn từ ngoài tỉnh và mục tiêu phát triển ngành nghề của địa phương. Đối với Phú Thọ nên nhanh chóng phát triển những sản phẩm chủ lực, mang thương hiệu của Phú Thọ như chè, lúa gạo giống Nhật Bản; bưởi Đoan Hùng và bưởi Diễn; rau củ quả chất lượng cao (xu hào, súp lơ, rau xanh, dưa chuột, cà chua…), dược liệu; chăn nuôi bò thịt và bò sữa, nuôi cá lăng và cá chiên đặc sản; giấy, gỗ nhân tạo; phát triển du lịch theo hướng hiện đại hóa và có nhiều giá trị gia tăng. Phát triển nhân lực quản lý (cán bộ của khu vực công và đội ngũ doanh nhân) phải được đặc biệt coi trọng và có kế hoạch cụ thể.

Kết luận

Muốn phát triển kinh tế địa phương có hiệu quả cao và bền vững mỗi tỉnh phải có đường lối phát triển đúng đắn và quản lý phát triển có chất lượng; đồng thời phải tạo ra động lực phát triển kinh tế cũng như huy động đủ nguồn lực để hiện thực hóa các mục tiêu đề ra. Các đề án quy hoạch, kế hoạch phát triển và việc quản lý phát triển của chính quyền tỉnh muốn có hiệu quả cao phải dựa trên nền tảng lý luận vững chắc và xác định đúng tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh, cơ hội, thách thức và lựa chọn được phương cách phát triển kinh tế hợp lý. Vấn đề hiện đại hóa nền kinh tế và nâng cao năng lực quản trị của chính quyền địa phương đối với phát triển kinh tế phải được coi trọng đúng mức. Phát triển kinh tế địa phương là sự nghiệp của cả Nhà nước, doanh nghiệp và của người dân. Lợi ích kinh tế phải được xem là động lực để thôi thúc các chủ thể tham gia phát triển cùng hành động có trách nhiệm và cùng thụ hưởng kết quả phát triển một cách công bằng. Lợi dụng ảnh hưởng của toàn cầu hóa, hợp tác kinh tế quốc tế và tận dụng giá trị của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là việc làm vô cùng cần thiết.

Triết lý về phát triển kinh tế địa phương và những gợi ý cho tỉnh Phú Thọ

Ngọc Thi

Tôi luôn muốn góp một phần nhỏ những kinh nghiệm của mình giúp các anh chị hoàn thành tốt luận án tiến sĩ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *