Quản trịTin chuyên ngành

Mối quan hệ giữa trách nhiệm xã hội và rủi ro công ty

Mối quan hệ giữa trách nhiệm xã hội và rủi ro công ty

1. Khái niệm rủi ro công ty (Firm Risk – FR)

Rủi ro công ty được xác định là một rủi ro vốn có trong hoạt động của một công ty do các yếu tố bên ngoài hoặc bên trong có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận của một công ty. Các yếu tố như thay đổi nhu cầu của khách hàng có thể làm cho giá chứng khoán của công ty biến động khi nhu cầu nhiều hơn có nghĩa là ít rủi ro hơn trong khi nhu cầu ít hơn có nghĩa là nhiều rủi ro hơn và điều này rất được các nhà đầu tư quan tâm. Nói chung, rủi ro cơ bản là sự kết hợp của rủi ro có hệ thống và không có hệ thống. Bởi vì rủi ro hệ thống ảnh hưởng đến một số lượng lớn tài sản, nên chúng thường được gọi là rủi ro thị trường. Mặt khác, rủi ro phi hệ thống chỉ ảnh hưởng đến hầu hết các tài sản nhỏ, đôi khi chúng được gọi là rủi ro duy nhất cho công ty cụ thể (Ross và cộng sự, 2011).

2. Các nghiên cứu về mối quan hệ giữa trách nhiệm xã hội và rủi ro công ty

Do sự phát triển mối quan tâm ngày càng mạnh cả trong giới học thuật và thực tiễn trên toàn thế giới về mối quan hệ giữa trách nhiệm xã hội và rủi ro công ty. Vì vậy, đã có nhiều nghiên cứu tiến hành kiểm tra các ảnh hưởng của trách nhiệm xã hội lên rủi ro công ty được thực hiện (McGuire và cộng sự, 1988; Feldman và cộng sự, 1997; Orlitzky và Benjamin, 2001; Husted, 2005; Godfrey và cộng sự, 2009; Oikonomou và cộng sự, 2010; và Salama và cộng sự, 2011). Bên cạnh đó, cũng có một vài nghiên cứu khác xem xét các khía cạnh khác nhau của việc giảm rủi ro bằng cách tham gia vào các hoạt động trách nhiệm xã hội.

Quản lý rủi ro có thể làm giảm rủi ro công ty bằng cách giảm khả năng xảy ra khủng hoảng dự kiến về tài chính, xã hội và môi trường mà có thể ảnh hưởng đến dòng tiền mặt của công ty (Sharfman và Fernando 2008) và/hoặc bằng cách tạo ra vốn đạo đức hoặc thiện chí có thể cung cấp sự bảo vệ giống như bảo hiểm để duy trì hiệu quả tài chính (Godfrey 2005, Godfrey và cộng sự, 2009). Kết quả là, hầu hết các nghiên cứu kiểm tra mối quan hệ thực nghiệm giữa trách nhiệm xã hội và rủi ro công ty đều tìm thấy một mối quan hệ nghịch giữa hai biến này.

✍✍✍ Xem thêm: Khái niệm trách nhiệm xã hội

Một số nghiên cứu thực nghiệm gần đây cũng cho thấy mối quan hệ giữa trách nhiệm xã hội và rủi ro hệ thống và chi phí vốn cổ phần. Sharfman và Fernando (2008) sử dụng dữ liệu của 270 công ty và cho rằng hiệu quả môi trường ở cấp độ công ty có quan hệ ngược chiều với rủi ro hệ thống (trong đó rủi ro hệ thống được đo lường bằng mô hình CAPM), kết quả làm cho chi phí vốn cổ phần thấp hơn. Oikonomou và cộng sự (2012) sử dụng bảng dữ liệu của các công ty S&P 500, xác nhận rằng trách nhiệm xã hội có mối quan hệ ngược chiều với rủi ro hệ thống trong đó rủi ro hệ thống gồm rủi ro thị trường (ĐLC lợi nhuận cổ phiếu, β cổ phiếu) và rủi ro kế toán (tỷ số nợ dài hạn/tài sản, tỷ số nợ/VCSH, sự biến động ROA). El Ghoul và cộng sự (2012), các doanh nghiệp có điểm trách nhiệm xã hội cao hơn sẽ có chi phí vốn thấp hơn.

Một số nghiên cứu khác thực hiện nghiên cứu hiệu quả thị trường chứng khoán của cổ phiếu trách nhiệm xã hội, và kết quả là hỗn hợp. Brammer và cộng sự (2006) và Hong và Kacperczyk (2009) thấy rằng các cổ phiếu trách nhiệm xã hội có được lợi nhuận kỳ vọng cao hơn sau khi kiểm soát rủi ro. Becchetti và Ciciretti (2009), các cổ phiếu trách nhiệm xã hội không có sự khác biệt về lợi nhuận điều chỉnh rủi ro mua và nắm giữ. Ngược lại, Derwall và cộng sự (2005) cho rằng hầu hết các công ty trách nhiệm xã hội (liên quan khía cạnh môi trường) đều có lợi nhuận dự kiến cao hơn, và Kempf và Osthoff (2007) đưa ra một chiến lược mà theo đó họ đầu tư vào các cổ phiếu có trách nhiệm xã hội cao nhất và bán các cổ phiếu có trách nhiệm xã hội thấp nhất để tạo ra lợi nhuận bất thường.

Bằng việc sử dụng xếp hạng danh tiếng công ty của tạp chí Fortune, McGuire và cộng sự (1988) cho thấy trách nhiệm xã hội có liên quan với rủi ro công ty (lợi nhuận cổ phiếu, các thước đo kế toán). Gregory và cộng sự (2014) kiểm tra mối quan hệ giữa trách nhiệm xã hội và giá trị công ty (rủi ro hệ thống được đo bằng mô hình CAPM), kết luận đầu tư cho trách nhiệm xã hội có thể đem lại các lợi ích tài chính cho công ty và gắn liền với triển vọng tăng trưởng dài hạn tốt hơn; ví dụ, các công ty giảm chất thải sẽ tránh thảm họa môi trường/kiện tụng/sự tẩy chay của người tiêu dùng, và do đó làm gia tăng giá trị và uy tín thương hiệu, tăng động lực cho người lao động, cải thiện sự thu hút và duy trì khách hàng.

Bouslah và cộng sự (2013) kiểm tra mối quan hệ giữa trách nhiệm xã hội và rủi ro công ty (trong đó rủi ro công ty gồm: tổng rủi ro bằng độ lệch chuẩn của suất sinh lợi ngày, rủi ro không hệ thống bằng độ lệch chuẩn của các phần còn lại từ bốn nhân tố), nhận thấy rằng sự đa dạng nhân viên và liên quan đến quản trị có ảnh hưởng tích cực lên rủi ro công ty, trong khi ưu điểm cộng đồng có ảnh hưởng tiêu cực (tích cực) lên rủi ro công ty.

Jo và Na (2012) ngay cả trong các ngành công nghiệp gây tranh cãi (rượu, thuốc lá, cờ bạc, v.v…) thì tham gia trách nhiệm xã hội có một tác động đáng kể lên rủi ro công ty sau khi kiểm soát các đặc điểm công ty, trong đó rủi ro công ty bao gồm tổng rủi ro (độ lệch chuẩn của suất sinh lợi ngày ngày) và rủi ro thị trường (được đo bằng mô hình CAPM). Parast và Adams (2012) đã đề xuất việc thực hiện trách nhiệm xã hội trong ngành công nghiệp dầu khí. Vì theo họ khi công ty tham gia vào trách nhiệm xã hội sẽ làm tối đa hóa giá trị cổ đông, nâng cao uy tín, và đảm bảo khả năng tồn tại lâu dài của công ty. Các nhà đầu tư và nhà quản lý phải của công ty phải quan tâm đến hoạt động trách nhiệm xã hội trong việc xây dựng chiến lược đầu tư và các chính sách quy định của họ.

Mặc dù, vẫn còn khá nhiều nghiên cứu thực nghiệm đã thảo luận về tầm quan trọng của trách nhiệm xã hội đến việc giảm thiểu rủi ro, nhưng đến nay có rất ít bằng chứng thực nghiệm về việc có hay không có trách nhiệm xã hội (bao gồm khía cạnh kinh tế, môi trường và xã hội) làm tăng giá trị hay làm giảm rủi ro cho công. Như vậy, mối quan hệ giữa trách nhiệm xã hội và rủi ro công ty là một vấn đề thực nghiệm khác và cũng cần được kiểm tra thêm.

Mối quan hệ giữa trách nhiệm xã hội và rủi ro công ty

Ngọc Thi

Tôi luôn muốn góp một phần nhỏ những kinh nghiệm của mình giúp các anh chị hoàn thành tốt luận án tiến sĩ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *