Một số công trình nghiên cứu, bài viết liên quan đến quản lý rủi ro tín dụng tại ngân hàng thương mại
Một số công trình nghiên cứu, bài viết liên quan đến quản lý rủi ro tín dụng tại ngân hàng thương mại
Quản lý rủi ro tín dụng là vấn đề được sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu cũng như các nhà lãnh đạo Ngân hàng. Hiện tại, có nhiều công trình nghiên cứu, thảo luận khoa học xung quanh vấn đề quản lý rủi ro nói chung và quản lý rủi ro tín dụng nói riêng.
1. “Những giải pháp chủ yếu hạn chế rủi ro tín dụng ngân hàng thương mại nước ta trong giai đoạn hiện nay”, Luận án tiến sỹ kinh tế của tác giả Nguyễn Hữu Thủy.
Trong luận án này, tác giả đã đề cập đến đặc điểm của quá trình hình thành và hoạt động của hệ thống ngân hàng thương mại nước ta là còn quá non trẻ. Điều kiện về vốn nghèo nàn, công nghệ Ngân hàng lạc hậu, sản phẩm đơn điệu. Đội ngũ cán bộ ngân hàng còn thiếu kinh nghiệm, thiếu kiến thức về một ngân hàng trong nền kinh tế thị trường. Việc mở rộng quy mô tín dụng vượt quá khả năng quản lý, điều hành. Thêm vào đó là sự chấp hành quy chế không nghiêm. Nhiều lúc đã quá chú trọng đến lợi nhuận mà quên cả ngăn ngừa các rủi ro. Việc cạnh tranh giữa các ngân hàng thì không lành mạnh, thậm chí hạ thấp tiêu chuẩn tín dụng. Thông tin tín dụng không đầy đủ, thiếu độ chính xác, lại lạc hậu. Thực hiện việc thế chấp không tốt, thủ tục kiểm soát làm không thường xuyên. Sản phẩm đơn điệu, thu nhập chủ yếu từ tín dụng trực tiếp và việc đánh giá rủi ro không được coi trọng. Khả năng thích nghi với cạnh tranh của ngân hàng chưa cao, tư cách của người vay yếu kém dẫn đến rủi ro đạo đức khá trầm trọng cho ngân hàng.
Trên cơ sở đó, luận án đề xuất những giải pháp nhằm hạn chế và ngăn ngừa rủi ro tín dụng. Trong đó tập trung phân tích các giải pháp trọng tâm bao gồm từ việc đào tạo cán bộ, sắp xếp bộ máy, mạng lưới, công tác điều hành, kiểm tra kiểm soát cũng như việc đa dạng hóa sản phẩm và phát triển sản phẩm mới.
Tuy nhiên, luận án nghiên cứu trong giai đoạn 1994-1996, khi Việt Nam chưa gia nhập tổ chức thương mại thế giới WTO, nền kinh tế mới mở cửa, hệ thống ngân hàng tài chính còn non trẻ, chưa thật sự phát triển. Các giải pháp hạn chế rủi ro tín dụng cho hệ thống NHTM nói chung, chưa đi vào một ngân hàng cụ thể. Các nghiên cứu về rủi ro cũng mới dừng ở việc nghiên cứu định tính, chưa lượng hóa được rủi ro và chưa đưa ra được mô hình quản lý rủi ro tín dụng cụ thể nào cho các ngân hàng.
>>> Xem thêm : Nguyên tắc của Basel về quản trị rủi ro tín dụng
2. “ Các biện pháp của ngân hàng thương mại nhằm hạn chế những rủi ro trong cho vay đối với các doanh nghiệp” Luận án tiến sỹ kinh tế của tác giả Lê Thị Hiệp Thương
Luận án đã nêu lên rủi ro là những kết quả hoạt động ngoài mong đợi của con người. Trong hoạt động cho vay của ngân hàng tất yếu có rủi ro. Rủi ro trong cho vay có thể xuất phát từ biến động lãi suất, hay tỷ giá đồng tiền cho vay, tuy nhiên rủi ro tín dụng là rủi ro cơ bản trong hoạt động cho vay.
Nhận thức được vấn đề này các ngân hàng thương mại luôn tìm kiếm các biện pháp nhằm hạn chế rủi ro tín dụng. Các biện pháp này nhằm tăng cường kiểm soát hoạt động cho vay của ngân hàng chặt chẽ để nâng cao chất lượng tín dụng và hoạt động của ngân hàng nói chung an toàn và hiệu quả.
Luận án phân tích thực trạng tín dụng của đất nước trong nền kinh tế kế hoạch tập trung bao cấp. Trong thời kỳ 1951 -1987, Ngân hàng Nhà nước thực thi chính sách tín dụng định hướng theo kế hoạch. Ngân hàng như một thủ quỹ luôn cấp vốn cho doanh nghiệp khi cần thiết. Tín dụng mang tính chất chính trị nhiều hơn kinh tế, cho vay dàn đều, ai cũng có phần.
Luận án cũng phân tích thực trạng tín dụng của đất nước trong giai đoạn vận hành theo cơ chế thị trường ở Việt Nam sau năm 1988, nhất là từ khi ban hành pháp lệnh về ngân hàng, hoạt động tín dụng Ngân hàng đã có những chuyển biến đáng kể. Cùng với sự tăng trưởng của nền kinh tế, quy mô tín dụng ngày càng mở rộng dẫn đến nguy cơ nợ quá hạn tăng cao gây mất ổn định, không an toàn trong kinh doanh của ngân hàng.
Luận án đã đưa ra một số biện pháp tích cực, trong khả năng của các ngân hàng thương mại hiện nay nhằm phòng ngừa và hạn chế rủi ro tín dụng trong cho vay đối với các doanh nghiệp như công tác quản trị, kiểm soát cho vay, đa dạng hóa các loại cho vay, giải pháp về áp dụng các kỹ thuật cho vay mới nhằm phòng ngừa, phân tán rủi ro, đồng thời kiến nghị các biện pháp hỗ trợ của pháp lý và Ngân hàng Nhà nước trong phạm vi vĩ mô nhằm tăng cường kiểm soát của Nhà nước cũng như tạo hành lang pháp lý ổn định để các ngân hàng thương mại hoạt động cho vay được an toàn.
3 “Luận cứ khoa học về xác định mô hình quản lý rủi ro tín dụng tại hệ thống ngân hàng thương mại Việt nam”, Luận án tiến sỹ kinh tế của tác giả Lê Thị Huyền Diệu
Luận án tập trung nghiên cứu về rủi ro tín dụng, các nguyên nhân, các dấu hiệu, các chỉ tiêu phản ánh rủi ro tín dụng trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại. Đồng thời, luận án cũng hệ thống hóa rõ nét nội dung cơ bản của quản lý rủi ro tín dụng, trên cơ sở đó đưa ra các mô hình quản lý rủi ro và điều kiện áp dụng.
Luận án đúc kết lại những lý thuyết cơ bản về quản lý rủi ro tín dụng trong đó, đặc biệt tác giả hệ thống nội dung quản lý rủi ro tín dụng ở các bước cơ bản: nhận biết rủi ro, đo lường rủi ro, quản lý rủi ro, kiểm soát rủi ro và xử lý nợ.
Những vấn đề cơ bản về mô hình quản lý rủi ro tín dụng, khái niệm, các lợi ích áp dụng mô hình, các nhân tố ảnh hưởng, phân loại mô hình theo các tiêu chí và điều kiện áp dụng.
Luận án nghiên cứu thực trạng rủi ro tín dụng của hệ thống ngân hàng thương mại việt nam trước năm 2000 và sau năm 2000, trong đó tác giả hệ thống hóa các cơ sở pháp lý, đặc điểm tín dụng và thực trạng rủi ro tín dụng hai giai đoạn này.
Giai đoạn trước năm 2000, rủi ro tín dụng thể hiện chủ yếu ở việc cho vay quá chú trọng vào nhóm doanh nghiệp nhà nước, tỉ lệ cho vay trung dài hạn tăng cao và tỉ lệ nợ quá hạn qua các thời kỳ tăng cao. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ nguyên nhân của rủi ro hệ thống và rủi ro cá biệt.
Giai đoạn sau năm 2000, môi trường pháp lý cho hoạt động tín dụng trong giai đoạn này đã trở nên hoàn thiện hơn và giảm bớt rủi ro. Hệ thống văn bản pháp lý về hoạt động tín dụng được hoàn thiện dần từ Luật cho đến các văn bản dưới luật. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, chính sách cho vay vẫn chưa đạt được tầm chiến lược, chưa đạt được nguyên tắc thị trường, bị chạy theo phong trào.
Luận án phân tích việc áp dụng các mô hình quản lý rủi ro của các ngân hàng thương mại việt nam trên 3 mặt: mô hình tổ chức quản lý rủi ro, mô hình đo lường rủi ro và mô hình kiểm soát rủi ro. Trên cơ sở đó, luận án đề xuất lựa chọn mô hình áp dụng thích hợp với Việt Nam.
4. “ Giải pháp hoàn thiện quan hệ tín dụng giữa ngân hàng thương mại với các doanh nghiệp ở Việt Nam ” Luận án tiến sỹ kinh tế của tác giả Lê Thị Thanh Hà
Luận án đã hệ thống hóa một cách tổng quát các vấn đề lý luận về quan hệ tín dụng giữa ngân hàng với các doanh nghiệp. Trong đó đã làm rõ bản chất, vai trò của tín dụng ngân hàng trong nền kinh tế thị trường cũng như làm rõ những mối quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp.
Luận án đã tập trung làm rõ thực trạng quan hệ tín dụng giữa ngân hàng thương mại với doanh nghiệp qua các thời kỳ ( từ năm 1951-1988 theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung và 1988 đến nay theo đường lối đổi mới kinh tế của Đảng và Nhà nước ). Trong thời kỳ đổi mới hoạt động tín dụng của ngân hàng thương mại đạt được những thành tựu lớn lao, quan hệ tín dụng giữa ngân hàng với doanh nghiệp ngày càng được tăng cường và củng cố thể hiện ở nhiều mặt như dư nợ cho vay doanh nghiệp liên tục tăng, mở rộng cho vay các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, tỷ trọng tín dụng trung dài hạn ngày càng tăng, cơ chế cho vay thông thoáng, chất lượng tín dụng được cải thiện, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp có hiệu quả hơn.
5. “ Đảm bảo an toàn trong hoạt động tín dụng của các ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh ” Luận án tiến sỹ kinh tế của tiến sỹ Lê Tấn Phước
Luận án đã nêu được những vấn đề lý luận cần thiết cho đề tài nghiên cứu. NHTM, hệ thống NHTM, các nghiệp vụ cơ bản của NHTM. Rủi ro tín dụng và quản lý rủi ro tín dụng- một trong những yêu cầu cơ bản của đảm bảo an toàn tín dụng cũng được đề cập khá chi tiết. Luận án đã chỉ rất rõ những hậu quả của rủi ro tín dụng mà nặng nề nhất. Đồng thời luận án cũng phân tích khá rõ các nhân tố ảnh hưởng đến việc đảm bảo an toàn tín dụng ở các ngân hàng thương mại, đó là môi trường kinh tế, là chính sách tín dụng, là vấn đề lãi suất và quản lý rủi ro lãi suất, là năng lực kinh doanh của khách hàng.
Luận án đã nêu được những giải pháp nhằm góp phần đảm bảo an toàn tín dụng cho các ngân hàng thương mại gồm ba cụm giải pháp: vĩ mô, vi mô và các giải pháp hỗ trợ khác. Luận án quan tâm đến việc nâng cao kỹ thuật quản trị rủi ro tín dụng bằng cách xây dựng chính sách tín dụng hợp lý, nâng cao chất lượng đánh giá, xếp loại khách hàng, chấp hành đầy đủ các quy định về đảm bảo tiền vay, thực hiện tốt cân đối tín dụng.
6. “ Hoàn thiện phương pháp xếp hạng tín nhiệm các doanh nghiệp vay vốn tại ngân hàng thương mại việt nam ” Luận án tiến sỹ kinh tế của tác giả Trần Thị Kỳ
Luận án đã tập trung làm rõ sự cần thiết khách quan của việc xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp vay vốn tại các ngân hàng thương mại, xếp hạng tín nhiệm các doanh nghiệp vay vốn tại ngân hàng thương mại là gì ? Những đặc trưng cơ bản của nó. Cơ sở xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp vay vốn, cũng như cách thức tổ chức và quy trình xếp hạng tín nhiệm.
Luận án chỉ ra việc phân tích tín dụng định hướng theo rủi ro là cơ sở để xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp vay vốn và kết quả xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp vay vốn đã giúp các ngân hàng thương mại lựa chọn được khách hàng tốt để cho vay, góp phần ngăn ngừa và giảm thiểu rủi ro tín dụng, giảm dư nợ quá hạn.
Trên cơ sở đó, luận án đề xuất những giải pháp đối với các ngân hàng thương mại Việt Nam: Là nhóm giải pháp do các ngân hàng thương mại thực hiện, tập trung hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu phân tích, tiêu chuẩn dùng để so sánh, phương pháp và tổ chức thực hiện xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp, để kết quả xếp hạng tín nhiệm đánh giá đúng khả năng và thiện chí trả nợ của doanh nghiệp vay vốn, là cơ sở giúp các nhà quản trị ngân hàng đưa ra các quyết định thích hợp nhằm hạn chế rủi ro tín dụng
Bên cạnh đấy còn có luận án của tiến sỹ Nguyễn Thị Phương Lan. “Một số vấn đề về rủi ro ngân hàng trong điều kiện kinh tế thị trường”.
Luận văn thạc sĩ “Giải pháp nâng cao năng lực quản lý rủi ro tín dụng của NHCT ” của tác giả Phạm Xuân Hòe
Luận văn thạc sỹ “Chuẩn mực quản lý rủi ro trong hoạt động của NHTM theo hiệp định Basel II và việc áp dụng tại Việt Nam” của tác giả Nguyễn Anh Tuấn.
Đề tài khoa học cấp ngành về phương pháp xếp hạng tín dụng nội bộ của TS. Phạm Huy Hùng
Trong các luận án, luận văn nghiên cứu trên, các tác giả đã hệ thống hoá, phân tích và đưa ra sự lựa chọn khái niệm về quản lý rủi ro tín dụng trong NHTM; làm rõ vai trò và sự cần thiết của nó trong hoạt động kinh doanh; định hướng cho các NHTM nói chung, NHCT nói riêng trong quá trình xây dựng quản lý rủi ro tín dụng. Một số giải pháp đã và đang được triển khai trong thực tiễn hoạt động tại NHCT. Điển hình của việc chuyển mình trong hoạt động quản lý rủi ro là việc thay đổi mô hình tổ chức phục vụ công tác quản lý rủi ro.
Bên cạnh đó còn có một số luận án đề cập về vấn đề rủi ro tín dụng trong ngân hàng. Tuy nhiên, có nhiều công trình nghiên cứu trên đều thực hiện trong giai đoạn những năm 1990 -2005, khi đó Việt Nam chưa gia nhập tổ chức thương mại thế giới, môi trường hoạt động kinh doanh tổng thể, chính sách pháp luật, trình độ quản lý của chủ thể tham gia, có sự khác biệt lớn so với giai đoạn hiện nay.
Nhiều công trình nghiên cứu phân tích rủi ro vẫn mang tính chất định tính, chưa chỉ ra được mô hình để quản lý rủi ro, đo lường rủi ro, tổn thất ngân hàng phải gánh chịu khi rủi ro tín dụng xảy ra, chưa phản ánh được mức độ chấp nhận rủi ro của ngân hàng, chưa chỉ ra được mục tiêu của chất lượng tín dụng và cách thức để xây dựng hệ thống theo dõi cơ cấu và chất lượng tổng thể danh mục đầu tư tín dụng
Những “khoảng trống” trên đây của các công trình nghiên cứu đã gợi cho tác giả những hướng nghiên cứu mới nhằm thực hiện tốt luận án của mình.