Tài Chính - Ngân HàngTin chuyên ngành

Vai trò của hoạt động ngân hàng bán lẻ

 1. Đối với phát triển xã hội và nền kinh tế

Hoạt động ngân hàng bán lẻ ngày càng cung cấp các dịch vụ đa dạng, thuận tiện, là kênh thu hút nguồn vốn tiềm tàng từ dân cư phục vụ đầu tư phát triển KT, nhất là trong điều kiện thị trường chứng khoán chưa phát triển. Các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, dịch vụ NH điện tử phát triển tạo nên các tiện ích trong việc sử dụng các dịch vụ thanh toán của NH đã thúc đẩy cá nhân, hộ gia đình gửi tiền nhàn rỗi vào hệ thống NH và giảm bớt việc giữ tiền mặt ngoài lưu thông mang lại lợi ích tổng thể cho XH. Đối với các nước đang phát triển, việc phát huy nội lực của nền KT thông qua tập trung mọi nguồn vốn từ nhỏ lẻ tiềm tàng trong dân cư thành nguồn vốn lớn có một ý nghĩa vô cùng quan trọng, đó là tận dụng tiềm năng to lớn về vốn để phát triển KT.

Hoạt động ngân hàng bán lẻ phát triển đẩy nhanh quá trình luân chuyển tiền tệ, tiết kiệm chi phí xã hội. Khi các cá nhân mở tài khoản và sử dụng dịch vụ thanh toán của NH nhiều hơn giúp tăng cường lưu thông tiền tệ trong nền KT, tăng vòng quay của đồng tiền, khơi thông các luồng vốn khác nhau. Hoạt động bán lẻ của NHTM phát triển góp phần giảm tỷ trọng tiền mặt trong lưu thông, từ đó giảm các chi phí xã hội như in ấn, bảo quản, tiêu hủy tiền mặt… Tại các nước công nghiệp phát triển và nhiều nước mới phát triển, các công cụ thanh toán không dùng tiền mặt được sử dụng nhiều hơn trong khu vực dân cư đã tác động lớn đến việc giảm tỷ trọng tiền mặt trong tổng phương tiện thanh toán. Ngoài ra hoạt động bán lẻ phát triển giúp nhà nước có thể kiểm soát được giao dịch của dân cư và của nền KT, giúp cho việc ngăn chặn các tệ nạn KT, xã hội như trốn thuế, rửa tiền… đồng thời góp phần dễ dàng hơn cho các NH Trung ương trong việc điều hành chính sách tiền tệ.

Hoạt động bán lẻ của NHTM đem lại nguồn thu ngoại tệ lớn (chuyển tiền kiều hối), góp phần vào tăng nguồn dự trữ ngoại tệ quốc gia, cải thiện cán cân thanh toán và đóng góp không nhỏ vào sự nghiệp công nghiện hóa, hiện đại hóa đất nước.

Hoạt động bán lẻ phát triển là điều kiện để thúc đẩy sản xuất, lưu thông hàng hoá và dịch vụ phát triển. Thông qua hoạt động NHBL, các chủ thể kinh doanh mua bán được các hàng hoá, dịch vụ, đảm bảo cho quá trình tái sản xuất được tiến hành bình thường, lưu thông hàng hoá dịch vụ được thông suốt. Đồng thời, thông qua việc cung cấp các dịch vụ tiện ích giúp mở rộng phạm vi tiếp cận và khả năng tiêu dùng của các cá nhân và doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy sản xuất và phân phối hàng hóa.

Xem thêm: Khái niệm hoạt động bán lẻ của ngân hàng thương mại

2. Đối với ngân hàng thương mại

Phát triển mạnh mẽ hoạt động bán lẻ trong khoảng ba thập kỷ qua đã mang đến cuộc cách mạng trong hoạt động của các NHTM trên thế giới. Theo xu thế phát triển của nền KT thế giới, KH cá nhân và hộ gia đình đang là một thị trường đầy tiềm năng thúc đẩy cạnh tranh vì mục tiêu lợi nhuận của NH với các ý nghĩa quan trọng sau đây:

Hoạt động ngân hàng bán lẻ phát triển, ngân hàng thu hút được nhiều khách hàng, mở rộng thị trường và nâng cao vị thế.

KH là nhân tố quyết định thành công của mỗi NH, mở rộng đối tượng KH là mục tiêu của bất kỳ NH nào. Phát triển hoạt động NHBL, các NH sẽ thu hút KH mới, giữ lại KH cũ từ đó nâng cao hình ảnh vị thế của chính mình.

Với số lượng lớn, KH cá nhân chiếm đa số trong danh sách KH của một NH, các KH này làm cầu nối để NH tiến hành xâm nhập thị trường thông qua khả năng truyền dẫn thông tin nhanh và rộng. Theo kết quả điều tra của các nhà nghiên cứu, một KH hài lòng với dịch vụ của NH mang đến ít nhất 15 KH mới cho NH, như vậy NH không tốn chi phí quảng cáo mà vẫn mở rộng được số lượng KH thông qua việc phục vụ tốt nhóm KH cá nhân hiện có.

Phát triển hoạt động bán lẻ giúp NH khai thác các lợi thế về kinh nghiệm, trình độ, các mối quan hệ sẵn có để thu hút KH doanh nghiệp. Các cá nhân là những người đóng vai trò quyết định trong hoạt động của các doanh nghiệp, các tổ chức trong nền KT, hoạt động bán lẻ tốt sẽ thu hút được những KH lớn như Tổng công ty, tổ chức chính phủ, các doanh nghiệp…

Phát triển hoạt động bán lẻ sẽ thúc đẩy NH cải tiến và đầu tư để nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa các dịch vụ, phát triển thêm dịch vụ mới nhằm thỏa mãn nhu cầu của nhóm KH này từ đó nâng cao vị thế của chính NH.

Hoạt động ngân hàng bán lẻ phát triển tạo điều kiện cho ngân hàng tăng doanh thu và lợi nhuận.

Hoạt động bán lẻ phát triển sẽ đẩy mạnh nguồn thu phí dịch vụ, giúp các NH gia tăng lợi nhuận ổn định. Thông qua hoạt động bán lẻ, NH thu được phí dịch vụ chuyển tiền, phí thanh toán séc, phí bảo lãnh, phí dịch vụ thẻ, phí quản lý tài khoản, phí sử dụng dịch vụ NH điện tử và các loại phí khác… Nguồn thu phí đóng góp phần không nhỏ vào doanh thu và lợi nhuận của NH. Đồng thời nguồn thu từ lãi cho vay và chênh lệch lãi suất từ hoạt động bán lẻ cũng ngày càng gia tăng trong hoạt động của các NH.

Với lợi thế phục vụ số đông KH, không những doanh thu của NH tăng lên một cách đáng kể nhờ những khoản thu phí do cung cấp nhiều hơn các dịch vụ cho KH, mà còn hỗ trợ thêm cho các hoạt động khác của NH phát triển. Việc huy động vốn và cho vay đối tượng KH cá nhân giúp cho NH tránh sự bị động do phụ thuộc vào KH lớn, hơn nữa sẽ tạo nguồn vốn trung dài hạn để tạo điều kiện cho NH mở rộng quy mô tín dụng. Hoạt động bán lẻ đóng vai trò bổ sung và hỗ trợ cho các mặt hoạt động khác nên nó gián tiếp tạo ra lợi nhuận từ các mặt hoạt động này như thu hút việc duy trì tài khoản tiền gửi thanh toán của các tổ chức thông qua dịch vụ trả lương cán bộ, phát hành thẻ thanh toán….

Hoạt động ngân hàng bán lẻ phát triển tạo điều kiện cho ngân hàng phân tán rủi ro.

Kinh doanh NH là một lĩnh vực kinh doanh nhiều rủi ro nhất, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi nền KT thế giới luôn có nhiều biến động thì rủi ro mà các NH phải gánh chịu ngày càng gia tăng. Xét trên giác độ tài chính và quản trị NH, hoạt động bán lẻ phát triển sẽ tạo điều kiện cho NH phân tán bớt rủi ro, tạo nguồn thu ổn định cho NH, là một bộ phận có xu hướng tăng trưởng nhanh của các NH trên thế giới trong những năm gần đây. Kinh nghiệm thực tế của các NH trong khu vực và trên thế giới cho thấy phát triển hoạt động NH hướng theo đối tượng KH đặc biệt và các hoạt động phục vụ KH cá nhân là một xu thế tất yếu, vì nó đảm bảo quản lý rủi ro hữu hiệu hơn, các dịch vụ được cung ứng một cách tốt nhất cho KH, công tác kinh doanh, thị trường sản phẩm mục tiêu sẽ có định hướng rõ ràng giúp NH đạt được hiệu quả kinh doanh tối ưu.

Hoạt động ngân hàng bán lẻ phát triển góp phần mở rộng quy mô và mạng lưới tăng thương hiệu ngân hàng trên thị trường.

Những biến đổi sâu sắc của ngành NH nhiều thế kỷ qua đã cho thấy, chính các hoạt động bán lẻ phục vụ cá nhân là động lực thúc đẩy NH phát triển các kênh phân phối và mở rộng mạng lưới mạnh mẽ. Các kênh bán hàng truyền thống như chi nhánh, PGD vẫn ngày càng phát triển song song với việc gia tăng các kênh hiện đại như mạng lưới ATM, POS, KIOS…Mạng lưới của một số NH không còn chỉ trong phạm vi một quốc gia mà còn phát triển mạnh mẽ sang các quốc gia khác, điển hình như các NH của Mỹ, Anh. Việc phát triển mạng lưới góp phần làm tăng hình ảnh, thương hiệu của NH trong lòng công chúng.

3. Đối với dân cư

Hoạt động bán lẻ của NHTM phát triển mang lại sự an toàn, tiết kiệm, thuận tiện và nhanh chóng cho KH trong quá trình sử dụng thu nhập của dân cư. Hoạt động bán lẻ mang lại sự an toàn cho KH thông qua vai trò thủ quỹ cho các cá nhân. Với hệ thống kho két và các quy trình kỹ thuật nghiệp vụ chặt chẽ, với kinh nghiệm và trình độ nghiệp vụ cùng với nguồn thông tin đầy đủ nhất, NH là nơi an toàn nhất để mọi dân cư, hộ gia đình tin tưởng gửi tiền, gửi tài sản hoặc ủy thác quản lý tài sản. Sử dụng các dịch vụ NH, KH không cần giữ tiền mặt nhiều tại nhà, trên đường đi vì vậy tránh được các rủi ro do mất cắp, cướp giật, tiền giả…

Việc phát triển các dịch vụ NH đa dạng, tiện ích giúp cho mọi cá nhân trong xã hội dễ dàng tiếp cận với NH, tiết kiệm thời gian, chi phí từ đó thu lợi nhuận cho chính mình. Hoạt động bán lẻ giúp KH tiết kiệm do đầu tư vào nơi có lãi suất hợp lý nhất, ít rủi ro nhất với chi phí thời gian thấp nhất. Mọi khoản thu nhập của cá nhân được gửi vào NH không những mang lại thu nhập từ lãi suất mà còn cho phép tiết kiệm chi phí cơ hội, tiết kiệm thời gian nhận tiền, kiểm đếm tiền mặt, đi lại…

Đồng thời, hoạt động bán lẻ giúp các cá nhân, hộ gia đình có nguồn vốn với lãi suất hợp lý để cải thiện đời sống, đầu tư sản xuất, kinh doanh thông qua nguồn vốn vay của NH thay vì phải vay lãi suất cao ở ngoài thị trường.

Với sự chú trọng đầu tư thích đáng nâng cao chất lượng dịch vụ của các NH, KH được hưởng lợi ích tối đa các hình thức gửi tiền, cho vay đa dạng, sản phẩm mới hấp dẫn, cung ứng dịch vụ thuận tiện, nhanh chóng, đáp ứng nhu cầu giao dịch mọi lúc, mọi nơi, mọi địa điểm. Sự bùng nổ của Internet cùng với một loạt những ứng dụng của CNTT làm thay đổi một cách cơ bản các quan điểm kinh doanh truyền thống của ngành NH và mang đến sự thuận tiện hơn cho KH. Các dịch vụ NH hiện đại, các NH tự động phục vụ 24/24h tạo điều kiện cho KH tiếp cận tới dịch vụ NH tại bất kỳ thời điểm nào.

Ngọc Thi

Tôi luôn muốn góp một phần nhỏ những kinh nghiệm của mình giúp các anh chị hoàn thành tốt luận án tiến sĩ

One thought on “Vai trò của hoạt động ngân hàng bán lẻ

  • Thanh Hiền

    Chị có thể cho biết bài viết “Vai trò của hoạt động ngân hàng bán lẻ” tác giá là ai ko ạ.

    Reply

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *