Kinh tếTin chuyên ngành

Các tiêu chí đánh giá tính tuân thủ thuế của người nộp thuế

Các tiêu chí đánh giá tính tuân thủ thuế của người nộp thuế

1. Các tiêu chí định tính

Tính tuân thủ thuế của NNT bao giờ cũng được biểu hiện ra ngoài. Tuy vậy, có những biểu hiện có thể định lượng và có những biểu hiện không thể định lượng. Trong trường hợp tính tuân thủ của NNT không thể định lượng được thì đó là các tiêu chí định tính. Cụ thể như sẽ được phân tích dưới đây.

Thứ nhất, mức độ quan tâm và am hiểu của người nộp thuế đối với các quy định của pháp luật thuế, nhất là các quy định liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người nộp thuế.

Mức độ quan tâm và am hiểu thể hiện người nộp thuế đã có những ý thức xử sự nhất định đối với các quy định của pháp luật thuế. Họ phải tìm hiểu, nghiên cứu, áp dụng nhằm tuân thủ đúng các quy định của pháp luật thuế. Khi NNT không quan tâm đến các quy định của pháp luật thuế hoặc không am hiểu một cách tường tận các quy định này thì khả năng xảy ra các hành vi không tuân thủ là rất lớn.

Tiêu chí này sẽ chịu sự ảnh hưởng của trình độ dân trí, mức độ phức tạp hay đơn giản của chính sách pháp luật thuế, nội dung và hình thức tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế của CQT cũng như mức độ xử phạt những hành vi gian lận, sai sót của NNT.

Mặc dù không thể lượng hóa mức độ quan tâm của người nộp thuế đối với các quy định pháp luật thuế, song có thể đánh giá xem NNT có quan tâm hay không và quan tâm nhiều hay ít thông qua việc khảo sát bằng bảng hỏi hoặc phỏng vấn trực tiếp NNT.

Xem thêm: Tuân thủ thuế là gì? Khái niệm tuân thủ thuế

Thứ hai, sự tự nguyện hay miễn cưỡng trong tuân thủ thuế. Tiêu chí này cho thấy NNT tuân thủ một cách miễn cưỡng hay tự nguyện pháp luật thuế. Nếu người nộp thuế tự nguyện tuân thủ với tâm lý thoải mái trên cơ sở tự hào về nghĩa vụ thuế sẽ là tín hiệu tốt hơn là trường hợp NNT tuân thủ vì thấy rằng nếu không tuân thủ sẽ bị phát hiện và xử phạt. Trong trường hợp NNT miễn cưỡng tuân thủ đúng quy định pháp luật thuế thì nguy cơ vi phạm khi cho rằng có thể hành vi vi phạm không bị phát hiện sẽ tăng lên. Mức độ tự nguyện hay miễn cưỡng trong tuân thủ thuế của NNT mặc dù khó lượng hóa, song có thể đánh giá ở một chừng mực nhất định thông qua khảo sát bằng bảng hỏi hoặc bằng sự quan sát trực tiếp hoặc thông qua phỏng vấn NNT.

2. Các chỉ tiêu định lượng

Như đã trình bày, có nhiều cách xem xét mức độ tuân thủ thuế của NNT (như tuân thủ hành chính và tuân thủ kỹ thuật; hay tuân thủ theo các nghĩa vụ của NNT: trong đăng ký thuế, trong kê khai thuế, trong nộp thuế và trong thực hiện các quy định khác của pháp luật thuế). Những yếu tố trên có thể định lượng được bằng con số cụ thể, chẳng hạn như có bao nhiêu NNT không đăng ký thuế, có bao nhiêu người nộp thuế bị phát hiện có gian lận qua thanh tra, kiểm tra thuế… Đây chính là các chỉ tiêu định lượng đo lường mức độ tuân thủ thuế của NNT.

  • Chỉ tiêu đánh giá tổng quát về mức độ tuân thủ thuế

Trong quá trình thực thi và chấp hành các quy định của pháp luật thuế, để đánh giá một cách chung nhất thực trạng tuân thủ thuế của NNT, các tiêu chí chủ yếu được xem xét là số thuế thu được có đầy đủ, chính xác, kịp thời hay không? Có tình trạng NNT không tuân thủ hay không (trên tất cả các phương diện về nghĩa vụ thuế)? Do đó, trên phương diện tổng quát và khả thi trong đo lường, chỉ tiêu phản ánh tổng quát mức độ tuân thủ của NNT là:

Chỉ tiêu 1: Tỷ lệ giữa số NNT có hành vi vi phạm pháp luật thuế với tổng số NNT đang quản lý hoặc được kiểm tra. Hành vi vi phạm pháp luật thuế sử dụng để đo lường chỉ tiêu này là tất cả các loại hành vi vi phạm về thuế, từ vi phạm thủ tục đến vi phạm về kê khai, tính thuế, nộp thuế… Chỉ tiêu này được xác định cho một thời kỳ nhất định (tháng, quý, năm) tùy theo mục đích nghiên cứu. Tỷ lệ này càng cao thì mức độ tuân thủ thuế càng thấp và ngược lại. Tuy nhiên, chỉ tiêu này một mặt phản ánh mức độ tuân thủ của NNT, song mặt khác, chỉ tiêu này cũng phản ánh tính hiệu quả trong công tác thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện các hành vi không tuân thủ của CQT.

  • Nhóm chỉ tiêu đánh giá mức độ tuân thủ thuế theo từng khía cạnh cụ thể

Thứ nhất, các chỉ tiêu về tuân thủ trong việc đăng ký thuế. Mức độ tuân thủ thuế của NNT trong đăng ký thuế thể hiện ở việc NNT thực hiện kê khai đăng ký thuế đúng mẫu biểu, chính xác các chỉ tiêu, nộp hồ sơ đăng ký thuế cho cơ quan quản lý đúng thời hạn, đúng địa điểm. Do đó, chỉ tiêu định lượng để đánh giá tính tuân thủ trong hoạt động này có thể dựa trên tỷ lệ hoặc số lượng NNT chấp hành đầy đủ các yêu cầu nêu trên. Tuy nhiên, trong thực tế, các tiêu chí thường được sử dụng là tỷ lệ/số lượng NNT có hành vi không tuân thủ. Cụ thể như sau:

Chỉ tiêu 2: Tỷ lệ NNT vi phạm về thời gian đăng ký thuế so với tổng số đối tượng phải đăng ký thuế. Tỷ lệ này được đo bằng tỷ lệ % giữa số NNT vi phạm về thời gian đăng ký thuế (bao gồm cả số lượng NNT không đăng ký thuế, chưa đăng ký thuế hay đăng ký thuế muộn so với quy định) so với tổng số đối tượng phải đăng ký thuế. Chỉ tiêu này cao chứng tỏ mức độ tuân thủ trong việc đăng ký thuế chưa tốt.

Chỉ tiêu 3: Tỷ lệ NNT khai đăng ký thuế có sai sót, nhầm lẫn so với tổng số NNT đã thực hiện đăng ký thuế. Việc khai hồ sơ khai thuế thông thường được quy định theo các mẫu biểu và các chỉ tiêu có sẵn. Các chỉ tiêu đó là những thông tin quan trọng của NNT mà CQT phải nắm bắt để phục vụ cho công tác quản lý thuế của mình. Nếu NNT kê khai không đúng, không chính xác theo mẫu biểu, theo chỉ tiêu sẽ gây khó khăn cho công tác quản lý thuế của CQT, do đó, việc kê khai không chính xác này cũng là một chỉ tiêu xem xét tính tuân thủ của NNT. Chỉ tiêu này càng thấp càng chứng tỏ mức độ tuân thủ thuế tốt và ngược lại.

Thứ hai, các chỉ tiêu về tuân thủ trong kê khai và tính thuế, gồm tuân thủ về nộp tờ khai (hồ sơ, mẫu biểu, thời gian) và tuân thủ trong kê khai thuế (chính xác, đầy đủ). Thuộc nhóm này gồm có các chỉ tiêu sau:

Chỉ tiêu 4: Tỷ lệ giữa số tờ khai được nộp so với tổng số tờ khai phải nộp. Các tờ khai được nộp bao gồm cả tờ khai nộp đúng hạn và tờ khai chậm nộp. Nếu chỉ tiêu này cao chứng tỏ mức độ tuân thủ thuế tốt hơn.

Chỉ tiêu 5: Tỷ lệ giữa số tờ khai nộp đúng hạn trên tổng số tờ khai đã được nộp. Nếu chỉ tiêu này cao chứng tỏ mức độ tuân thủ thuế tốt hơn.

Chỉ tiêu 6: Tỷ lệ số tờ khai có sai sót trên tổng số tờ khai thuế đã nộp. Chỉ tiêu này phản ánh sự tuân thủ về hình thức mẫu biểu kê khai của NNT. Chỉ tiêu này càng thấp càng tốt.

Chỉ tiêu 7: Tỷ lệ số NNT kê khai sai thuế được phát hiện so với tổng số NNT được thanh tra, kiểm tra. Chỉ tiêu này một mặt phản ánh tính hiệu quả của hoạt động thanh tra, kiểm tra của CQT. Mặt khác, chỉ tiêu này cũng phản ánh mức độ tuân thủ trong kê khai xác định số thuế phải nộp của NNT. Giả định tính hiệu quả của hoạt động thanh tra, kiểm tra thuế không đổi thì chỉ tiêu này càng thấp càng chứng tỏ NNT tuân thủ tốt.

Chỉ tiêu 8: Tỷ lệ số NNT bị phát hiện trốn thuế so với tổng số NNT được thanh tra, kiểm tra. Tương tự như chỉ tiêu 7, chỉ tiêu này một mặt phản ánh tính hiệu quả của hoạt động thanh tra, kiểm tra của CQT. Mặt khác, chỉ tiêu này cũng phản ánh mức độ tuân thủ trong tính toán nghĩa vụ thuế phải nộp của NNT. Sự khác biệt của chỉ tiêu 7 so với chỉ tiêu 8 là tính chất của hành vi khác nhau. Với chỉ tiêu 7, NNT vẫn phản ánh trên sổ sách kế toán nhưng kê khai sai căn cứ tính thuế. Với chỉ tiêu 8, NNT cố tình gian lận thuế. Giả định tính hiệu quả của hoạt động thanh tra, kiểm tra thuế không đổi thì chỉ tiêu này càng thấp càng chứng tỏ NNT tuân thủ tốt.

Các chỉ tiêu trong nhóm phản ánh tính tuân thủ về kê khai, tính thuế này (từ  chỉ tiêu 4 đến chỉ tiêu 8) có thể tính toán cho từng sắc thuế hoặc cho tất cả các sắc thuế. Tùy theo mục đích và điều kiện nghiên cứu mà người nghiên cứu sử dụng nhóm chỉ tiêu này để nghiên cứu cho một sắc thuế hoặc nhiều sắc thuế.

Thứ ba, các chỉ tiêu về tuân thủ trong nộp thuế. Nói đến mức độ tuân thủ trong nộp thuế là nói đến việc nộp thuế đúng hạn, nộp đủ số thuế phải nộp.

Chỉ tiêu 9: Tỷ lệ số NNT đúng hạn trên tổng số người nộp thuế có số thuế phải nộp trong kỳ tính thuế. Chỉ tiêu này cho biết tỷ lệ NNT tuân thủ tự giác trong việc đảm bảo thời hạn nộp thuế theo quy định của pháp luật. Nếu chỉ tiêu này cao chứng tỏ mức độ tuân thủ thuế tốt hơn.

Chỉ tiêu 10: Tỷ lệ giữa số thuế được nộp đúng hạn trên tổng số thuế phải nộp theo nghĩa vụ thuế của NNT. Chỉ tiêu này cho biết tỷ lệ số thuế đã được người nộp thuế đảm bảo thời hạn thực hiện nghĩa vụ nộp thuế. Nếu chỉ tiêu này cao chứng tỏ mức độ tuân thủ thuế tốt hơn.

Chỉ tiêu 11: Tỷ lệ giữa số thuế nợ so với tổng số thuế phải nộp hoặc so với tổng số thuế ghi thu trong kỳ tính thuế. Nếu chỉ tiêu này thấp chứng tỏ mức độ tuân thủ thuế tốt hơn.

Tương tự như các chỉ tiêu thuộc nhóm tuân thủ về kê khai, tính thuế, các chỉ tiêu thuộc nhóm tuân thủ nộp thuế (các chỉ tiêu 9, 10, 11) có thể được tính toán áp dụng cho tất cả các sắc thuế hoặc từng sắc thuế. Tùy theo từng mục đích nghiên cứu và đối tượng nghiên cứu mà áp dụng cho tất cả người nộp thuế hoặc cho từng người người nộp thuế để đánh giá mức độ tuân thủ trong nộp thuế nói chung hoặc từng sắc thuế, từng NNT nói riêng.

Thứ tư, các chỉ tiêu về tuân thủ trong chấp hành các quy định khác về thuế. Bên cạnh các nghĩa vụ chính về thuế như đăng ký, kê khai thuế và nộp thuế nêu trên, trong quá trình tuân thủ thuế, NNT còn phải thực hiện các nội dung công việc theo các quyết định của cơ quan quản lý thuế. Các quyết định hành chính của cơ quan quản lý thuế đối với NNT có thể kể đến như quyết định ấn định thuế; quyết định về tiến hành thanh tra, kiểm tra thuế; quyết định xử lý kết quả thanh tra, kiểm tra thuế; quyết định cưỡng chế thuế; quyết định xử phạt về thuế… Ngoài ra, CQT có thể có những yêu cầu đối với NNT trong quá trình quản lý thuế như yêu cầu cung cấp hồ sơ, thông tin liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế; yêu cầu thực hiện áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế (khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử…); yêu cầu về sử dụng hóa đơn, chứng từ, sổ sách kế toán… Do đó, các chỉ tiêu định lượng đánh giá mức độ tuân thủ thuế của NNT cũng có thể được xác định trên cơ sở mức độ hay tỷ lệ tuân thủ của NNT đối với các quyết định, các yêu cầu nói trên của CQT. Tuy nhiên, các chỉ tiêu này có thể được xem là hệ quả của các chỉ tiêu chính nêu trên. Vì vậy, chỉ cần quan tâm, xác định được các chỉ tiêu chính nêu trên là có thể đánh giá được đầy đủ mức độ tuân thủ thuế của NNT.

Các tiêu chí đánh giá tính tuân thủ thuế của người nộp thuế

Ngọc Thi

Tôi luôn muốn góp một phần nhỏ những kinh nghiệm của mình giúp các anh chị hoàn thành tốt luận án tiến sĩ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *