Đặc trưng của cấu trúc vốn
– Việc lựa chọn cấu trúc vốn là vấn đề tài chính hết sức quan trọng đối với mỗi doanh nghiệp. Cấu trúc vốn trong doanh nghiệp có ảnh hưởng quyết định đến khả năng thực thi các chiến lược kinh doanh, hiệu quả kinh tế và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Vì vậy, doanh nghiệp cần xây dựng cho mình một cấu trúc vốn mục tiêu, đồng thời biết tận dụng những cơ hội của thị trường để huy động được nguồn vốn rẻ nhất.Tuy nhiên, tìm được một cấu trúc vốn hợp lý không phải là chuyện dễ dàng đối với doanh nghiệp, doanh nghiệp cần phải cân nhắc giữa các yếu tố rủi ro và tỷ suất sinh lời trong điều kiện, hoàn cảnh cụ thể để xác định cấu trúc vốn mục tiêu của mình.
– Cấu trúc vốn phụ thuộc rất nhiều vào đặc điểm riêng của từng doanh nghiệp như khả năng phá sản, khả năng sinh lời, chất lượng và cơ cấu tài sản, cơ hội tăng trưởng. Vì vậy không có một cấu trúc vốn tối ưu nào chung nhất cho tất cả các doanh nghiệp. Khi nghiên cứu cấu trúc vốn của một doanh nghiệp thì phải nghiên cứu trong trạng thái động, không thể nghiên cứu trong trạng thái tĩnh. Ví dụ, đối với một công ty mới thành lập và mức độ tiêu thụ sản phẩm chưa ổn định thì sẽ là quá sức nếu vốn vay chiếm tới 70% – 80% tổng nguồn vốn nhưng sẽ là hạn chế nếu một công ty lớn đang trong giai đoạn tăng trưởng mạnh với các sản phẩm được tiêu thụ ổn định lại chỉ sử dụng 20%-30% vốn vay trên tổng nguồn vốn. Ngoài những yếu tố trên, đặc điểm ngành nghề cũng cho thấy nhiều sự khác biệt. Thông thường, nhóm sử dụng nhiều nợ vay nhất là ngành vận tải, xây dựng và bất động sản. Tỉ lệ này trong các ngành chế biến xuất khẩu tương đối cao và nợ vay thường ngắn hạn để nhập khẩu và mua nguyên liệu phục vụ cho quá trình chế biến. Những đặc điểm riêng của thị trường tài chính, điều kiện kinh tế vĩ mô của mỗi quốc gia cũng chi phối rất lớn đến quyết định tài trợ vốn của doanh nghiệp.