Nội dung tái cấu trúc tài chính doanh nghiệp
Nội dung tái cấu trúc tài chính doanh nghiệp
Một cấu trúc tài chính phù hợp phải đảm bảo sự kết hợp hài hòa giữa nguồn vốn chủ sở hữu và nợ phải trả. Thông qua cấu trúc tài chính có thể đánh giá khái quát chính sách tài trợ, mức độ an toàn trong sử dụng tài sản và mức độ rủi ro của doanh nghiệp.
Tái cấu trúc tài chính bao gồm hai nội dung cơ bản là tái cấu trúc nợ và tái cấu trúc vốn chủ sở hữu.
1. Tái cấu trúc nợ
Tái cấu trúc nợ là một bước không thể tách rời của quá trình tái cấu trúc tài chính doanh nghiệp. Tái cấu trúc nợ là quá trình tổ chức, sắp xếp lại cơ cấu và quy mô các khoản nợ của doanh nghiệp. Việc thực hiện cấu trúc lại các khoản nợ được thực hiện một cách thường xuyên và dễ dàng hơn tái cấu trúc nguồn vốn chủ sở hữu. Tái cấu trúc nợ thường diễn ra khi doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính dẫn đến mất khả năng thanh toán các khoản nợ tới hạn. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp đang hoạt động tốt, tái cấu trúc nợ vẫn có thể diễn ra, ví dụ doanh nghiệp có thể thay thế khoản nợ hiện hành với lãi suất cao sang khoản nợ có lãi suất thấp hơn nhằm giảm chi phí sử dụng nợ vay.
Tái cấu trúc nợ tập trung vào ba nội dung cơ bản, đó là (1) quá trình cơ cấu lại các khoản nợ vay, (2) xác định mức vay nợ phù hợp với quy mô, tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp và (3) xây dựng kế hoạch trả nợ phù hợp. Tái cấu trúc nợ nhằm giải quyết các vấn đề cơ bản sau [30]:
– Giải quyết các khoản nợ tồn đọng trong quá khứ: Khi doanh nghiệp sử dụng nợ vay cao, hiệu quả kinh doanh thấp, phần lớn lợi nhuận kinh doanh tạo ra trong quá trình kinh doanh được sử dụng trả lãi vay. Nếu quá trình kinh doanh cứ như vậy mà không tính đến tái cấu trúc nợ thì doanh nghiệp chỉ đem lại lợi ích cho chủ nợ, không đem lại lợi ích cho chủ sở hữu doanh nghiệp. Ngoài ra, dự nợ vay quá cao sẽ hạn chế khả năng tiếp cận nguồn tài trợ mới như các khoản vay mới, vốn đầu tư từ chủ sở hữu
cho mục đích mở rộng hoạt động, đầu tư thay thế, đổi mới công nghệ, tài sản cố định.
– Tiếp cận nguồn tài trợ mới: Để tiếp cận nguồn tài trợ mới từ bên ngoài như nguồn vốn nước ngoài, nguồn vốn từ đối tác chiến lược đòi hỏi phải giải quyết các vấn đề về vay nợ của doanh nghiệp như quy mô, cấu trúc và chi phí sử dụng vốn vay. Khi các vấn đề này được giải quyết một cách chủ động sẽ tạo sự tin cậy đối với các nhà đầu tư, tác động tích cực đến mối quan hệ giữa doanh nghiệp và ngân hàng cho vay.
– Tác động đến quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp: Tái cấu trúc nợ tác động không nhỏ tới quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp. Doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh doanh nếu không thực hiện hoạt động tái cấu trúc nợ, giải quyết các khoản nợ vay có vấn đề. Tái cấu trúc nợ sẽ hình thành cấu trúc nợ bền vững làm cân bằng lợi ích giữa bên cho vay (ngân hàng, nhà cung cấp) và bên đi vay (cổ đông, nhân viên). Đối với các doanh nghiệp có khả năng tồn tại, tái cấu trúc nợ tạo ra động lực cho các nhóm lợi ích, giúp cho doanh nghiệp tồn tại và phát triển. Đối với doanh nghiệp không có khả năng tồn tại, tái cấu trúc nợ góp phần giảm thiểu thiệt hại cho các nhóm lợi ích. Như vậy, tái cấu trúc nợ là một yêu cầu bắt buộc trong quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp, cũng như tái cấu trúc tài chính nhằm cải thiện hoạt động của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp có thể thực hiện tái cấu trúc nợ bằng các phương thức sau:
– Thực hiện đàm phán giảm hoặc miễn lãi suất: Khi chi phí lãi vay chiếm tỷ trọng lớn trên lợi nhuận kinh doanh, làm kiệt quệ tài chính của doanh nghiệp sau nhiều năm phát triển. Doanh nghiệp cần thực hiện đàm phát với chủ nợ nhằm điều chỉnh lãi suất khoản vay cũ của doanh nghiệp về mức thấp hơn hoặc thậm chí bằng 0. Qua đó nâng cao khả năng thanh toán và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
– Khoanh nợ là hình thức mà người cho vay cho phép doanh nghiệp đi vay được “hoãn” các khoản dư nợ còn lại, đến một thời điểm nào đó trong tương lai doanh nghiệp đi vay sẽ tiếp tục trả nợ như thỏa thuận cũ trong hợp đồng cho vay.
– Giãn nợ là việc doanh nghiệp đi vay được hoãn lại các khoản nợ phải trả, đồng thời áp dụng thời gian đáo hạn mới (kéo dài hơn) đối với khoản nợ được hoãn.
– Đảo nợ là hình thức “vay để trả nợ”, người đi vay tiến hành vay khoản tiền mới để trả nợ cho khoản vay cũ. Đối với doanh nghiệp có khoản nợ xấu, làm ăn không hiệu quả thì sẽ không thực hiện được hoạt động đảo nợ. Còn doanh nghiệp làm ăn tốt nhưng vướng lãi suất cao thời kỳ thắt chặt tiền tệ, có thể được ngân hàng cho phép vay mới, trả cũ, nhằm giúp doanh nghiệp làm lành mạnh hoá sổ sách kế toán và giảm bớt áp lực chi phí vốn trước mắt.
➯ Xem thêm: Khái niệm tái cấu trúc tài chính của doanh nghiệp
Các biện pháp phương thức đàm phán giảm, miễn lãi suất, khoanh nợ, giãn nợ và đảo nợ chỉ mang tính chất ngắn hạn, không dẫn đến sự thay đổi căn bản, thực chất cấu trúc tài chính doanh nghiệp, qua đó không đạt được mục tiêu tái cấu trúc tài chính doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần thực hiện phương thức mới thực chất hơn như:
– Hoán đổi nợ thành vốn cổ phần là việc chủ nợ tiến hành hoán chuyển toàn bộ hoặc một phần giá trị khoản nợ vay thành phần vốn đầu tư vào doanh nghiệp. Chủ nợ từ vai trò là người cho vay chuyển sang vai trò là chủ sở hữu, tham gia vào quá trình quản lý, điều hành kinh doanh. Đối với doanh nghiệp, hoạt động này giúp doanh nghiệp giảm gánh nặng vay nợ, khả năng thanh toán được cải thiện, tăng tính tự chủ tài chính và có khả năng tiếp cận nguồn vốn vay mới, qua đó giúp doanh nghiệp từng bước cân đối tài chính, ổn định và phát triển kinh doanh. Để biện pháp này đi vào thực chất, đem lại lợi ích cho doanh nghiệp và chủ nợ, cần thiết phải đi kèm với biện pháp tái cấu trúc, quản lý và định hướng phát triển doanh nghiệp sau khi có sự tham gia của cổ đông mới.
– Đa dạng hóa các hình thức vay nợ: Hiện có nhiều hình thức vay nợ khác nhau như nợ của nhà cung cấp, vay ngân hàng, vay cá nhân, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, thuê tài chính. Mỗi phương thức vay nợ có những ưu điểm và hạn chế khác nhau. Tùy theo điều kiện kinh doanh của mỗi doanh nghiệp, nên thực hiện đa dạng hóa các nguồn tài trợ từ nợ vay nhằm phát huy tốt nhất ưu điểm của mỗi nguồn tài trợ.
2. Tái cấu trúc nguồn vốn chủ sở hữu
Tái cấu trúc nguồn vốn chủ sở hữu là quá trình tổ chức, sắp xếp lại cơ cấu và quy mô nguồn vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp. Quá trình này bao gôm cơ cấu lại vốn đầu tư của chủ sở hữu (cổ đông thường, cổ đông ưu đãi) và các khoản lợi nhuận giữ lại tái đầu tư. Doanh nghiệp có thể thực hiện hoạt động tái cấu trúc nguồn vốn chủ sở hữu dưới các hình thức sau:
– Mua lại cổ phần: Mua lại cổ phần được tiến hành khi một doanh nghiệp mua thực hiện mua lại cổ phần của doanh nghiệp khác bằng tiền mặt, cổ phiếu hoặc các loại chứng khoán khác. Quá trình này được thực hiện bằng cách doanh nghiệp mua đưa ra lời đề nghị mua lại cổ phần và gửi trực tiếp đến cổ đông của doanh nghiệp mục tiêu, mà không cần phải thông qua ban lãnh đạo của doanh nghiệp mục tiêu. Nếu cổ đông của công ty mục tiêu không thích lời đề nghị này thì sẽ không bán cổ phần của mình.
– Chuyển đổi vốn cổ phần thành cổ phần ưu đãi hoặc nợ vay: Doanh nghiệp có thể thực hiện chuyển đổi một số lượng cổ phần thường thành cổ phần ưu đãi hoặc nợ vay theo tỷ lệ chuyển đổi nhất định. Những quyền lợi và lợi ích với tư cách là cổ đông thường sẽ không còn nữa, chủ sở hữu phần vốn chuyển đổi này sẽ hưởng những quyền và lợi ích gắn liền với tư cách là chủ sở hữu cổ phần ưu đãi hoặc chủ nợ. Khi đó, cấu trúc nguồn vốn chủ sở hữu sẽ có sự thay đổi.
– Tăng vốn góp của chủ sở hữu: Doanh nghiệp có thể thực hiện tái cấu trúc tài chính bằng cách tăng vốn góp của chủ sở hữu nhằm nâng cao hệ số vốn chủ sở hữu, tăng cường sự độc lập tài chính của doanh nghiệp. Tăng vốn góp của chủ sở hữu thực hiện thông qua phương thức như phát hành bổ sung cổ phiếu, chuyển nợ thành vốn cổ phần, trả cổ tức bằng cổ phiếu…