Các loại rủi ro trong hoạt động kinh doanh của Công ty chứng khoán
Các loại rủi ro trong hoạt động kinh doanh của Công ty chứng khoán
1.Theo đối tượng và hành vi kinh doanh
Một là, rủi ro của quá trình quản trị hệ thống xuất hiện do những sai lầm của quá trình quản trị hệ thống kinh doanh chung của CTCK, không phải là rủi ro của một thương vụ cụ thể.
Hai là, rủi ro đặc thù của từng nghiệp vụ kinh doanh chính như [20]:
– Rủi ro trong hoạt động môi giới chứng khoán: là rủi ro có thể xảy ra do CTCK không kiểm tra số dư, tỷ lệ ký quỹ, kết quả là khách hàng hoặc nhà môi giới khác có thể không thực hiện nghĩa vụ thanh toán đúng thời hạn. Bên cạnh đó CTCK cũng có thể gặp phải rủi ro trong quá trình ký kết với khách hàng các nội dung không thuộc khả năng và quyền hạn của công ty, cũng như rủi ro do nhân viên nghiệp vụ ghi sai nội dung và yêu cầu của khách hàng trong quá trình ký kết hợp đồng và thực hiện giao dịch như rủi ro nhập lệnh sai, rủi ro áp dụng biểu phí sai cho khách hàng ….
- Rủi ro trong hoạt động tự doanh bắt nguồn từ đầu tư vượt quá hạn mức thẩm quyền đầu tư mua bán chứng khoán cho chính công ty; nhân viên hoặc người không đủ thẩm quyền tiến hành hoặc tham gia tiến hành vào xúc tiến các thủ tục mua bán chứng khoán cho công ty bằng nguồn vốn của công ty; xung đột quyền lợi với khách hàng, ưu tiên thực hiện lệnh tự doanh của công ty trước lệnh của khách hàng; lỗi sau giao dịch chuyển sang tài khoản tự doanh của công ty.
- Rủi ro trong hoạt động bảo lãnh phát hành: ứng với mỗi hình thức bảo lãnh phát hành khác nhau mức độ rủi ro có thể mang lại cho CTCK là khác nhau. Chẳng hạn, với hình thức BLPH chắc chắn, CTCK sẽ gặp rủi ro về giá khi số lượng chứng khoán nhận bảo lãnh không phân phối hết. Ngoài ra, CTCK có thể gặp rủi ro về pháp lý, đó là những thiệt hại về mặt tài chính trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra bởi các tranh chấp và kiện tụng với các đối tác trong quá trình giao dịch, soạn thảo hợp đồng không chặt chẽ …
- Rủi ro trong hoạt động tư vấn: xuất phát từ việc tư vấn sai ảnh hưởng đến uy tín của CTCK hoặc việc ký kết hợp đồng tư vấn không đúng với nội dung quyền hạn của công ty hoặc không đúng với yêu cầu, gây ra hậu quả bất lợi cho công ty.
2. Theo nguồn gốc phát sinh rủi ro
Theo cách phân loại này, rủi ro trong hoạt động kinh doanh chứng khoán được chia thành rủi ro hệ thống và rủi ro phi hệ thống như sau:
Rủi ro hệ thống được hiểu là loại rủi ro tác động đến toàn bộ hoặc hầu hết các chủ thể trong nền kinh tế trong đó có CTCK. Sự bấp bênh của môi trường kinh tế như sự sụt giảm GDP, biến động lãi suất, pháp luật, tốc độ lạm phát thay đổi là những yếu tố tạo ra rủi ro hệ thống, gây ảnh hưởng lớn đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của công ty, từ đó dẫn đến những biến động trong giá chứng khoán công ty trên thị trường. Rủi ro hệ thống bao gồm một số rủi ro chính sau:
(1) Rủi ro thể chế và pháp luật: là rủi ro do những thay đổi trong đời sống chính trị, các chính sách pháp luật, đặc biệt là những cú sốc, gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của Công ty Chứng khoán. Đó có thể là sự thất bại trong việc ký một hiệp định quan trọng, sự thay đổi nội các, sự xuất hiện hay bãi bỏ một chính sách mới, sự thay đổi luật pháp.
>>> Xem thêm: Đặc điểm rủi ro trong hoạt động kinh doanh của Công ty Chứng khoán
(2) Rủi ro thị trường: là rủi ro phát sinh do sự biến động của thị trường như lãi suất, tỷ giá, giá cả hàng hóa và dịch vụ, cạnh tranh và các điều kiện vĩ mô của nền kinh tế làm ảnh hưởng bất lợi đến kết quả kinh doanh và tình hình tài chính của công ty chứng khoán. Cụ thể:
– Rủi ro lãi suất: là những tổn thất tiềm tàng mà Công ty Chứng khoán phải gánh chịu khi lãi suất thị trường biến động. Khi lãi suất thị trường thay đổi, nó ảnh hưởng đến Công ty Chứng khoán trên hai khía cạnh: về thu nhập từ các dịch vụ trung gian tài chính như môi giới, bảo lãnh phát hành và thu nhập từ hoạt động đầu tư của công ty vào các tài sản, chứng khoán trên thị trường.
– Rủi ro sức mua: là biến động sức mua của dòng tiền do tác động của lạm phát gây ra. Nếu chỉ số giá hàng tiêu dùng tăng lên, mức thu nhập đối với chứng khoán cũng đòi hỏi phải tăng lên. Điều đó sẽ tác động đến giá của các loại trái phiếu Chính phủ, trái phiếu và cổ phiếu công ty, từ đó sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của Công ty Chứng khoán trên thị trường chứng khoán.
– Rủi ro tỷ giá: là rủi ro làm thay đổi giá trị do sự biến động thực tế của tỷ giá khác biệt so với mức tỷ giá kỳ vọng. Điều này có thể dẫn đến sức ép thay đổi lãi suất và tâm lý thoái vốn đầu tư gây ra rủi ro lãi suất và rủi ro thị trường.
(3) Rủi ro thông tin: là những rủi ro bắt nguồn từ việc thiếu thông tin, thông tin không chính xác, kịp thời dẫn đến việc ra các quyết định đầu tư kinh doanh không hiệu quả. Trên thực tế, rủi ro trên thị trường chứng khoán nói chung và hoạt động kinh doanh chứng khoán nói riêng có nguồn gốc từ số lượng và chất lượng thông tin từ thị trường, từ tổ chức phát hành, từ nhà đầu tư nhằm cung cấp các dịch vụ kinh doanh chứng khoán tốt nhất cho khách hàng và cho chính bản thân công ty.
Khác với rủi ro hệ thống, rủi ro phi hệ thống được xem là những rủi ro phát sinh từ hoạt động nội tại của công ty và chỉ ảnh hưởng đến chính công ty hay một ngành cụ thể. Khả năng quản lý, thị hiếu tiêu dùng, đình công và nhiều yếu tố khác là nguyên nhân gây ra những bất ổn trong hoạt động kinh doanh của Công ty Chứng khoán. Rủi ro phi hệ thống gồm:
Thứ nhất là rủi ro kinh doanh được hiểu là những rủi ro phát sinh khi quyết định và thực hiện các chiến lược đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp. Rủi ro kinh doanh bao gồm:
- Rủi ro ngoại biên: là rủi ro xuất hiện do việc quyết định hoặc thực hiện chiến lược đầu tư đi chệnh những động thái của các nhân tố thị trường như CTCK khi dự báo sai mức thay đổi lãi suất, đầu tư nhầm thị trường …
- Rủi ro đầu tư: là rủi ro đe dọa hiệu quả đầu tư kỳ vọng của từng khoản mục, danh mục đầu tư. Rủi ro đầu tư bao gồm cả rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường và rủi ro thanh khoản.
- Rủi ro phát triển kinh doanh: là những rủi ro liên quan đến hoạt động quảng bá hình ảnh, danh tiếng, chiến lược kinh doanh, mở rộng khách hàng, chăm sóc khách hàng, phát triển sản phẩm …
Thứ hai là rủi ro tài chính liên quan đến việc công ty tài trợ cho hoạt động của mình. Rủi ro này nằm bên phần nguồn vốn của bảng cân đối tài sản và liên quan đến việc sử dụng nợ của công ty. Các chỉ số tài chính thường được dùng để xác định sự lành mạnh trong hoạt động của công ty, đặc biệt là các chỉ số nợ trên tổng tài sản, tỷ lệ thu nhập trên tổng tài sản. Rủi ro này liên quan nhiều đến:
- Rủi ro tín dụng: là rủi ro mà Công ty Chứng khoán có khả năng không thu được nợ hoặc khách hàng không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng. Rủi ro này nảy sinh trong quá trình cung cấp dịch vụ ký quỹ (margin) cho khách hàng, nhiều công ty đã phải chấp nhận khoản lỗ lớn vì nắm giữ một lượng lớn cổ phiếu thị giá thấp hơn giá gốc khi khách hàng chối bỏ trách nhiệm nộp thêm tiền vào tài khoản.
- Rủi ro thanh khoản: đó là việc Công ty Chứng khoán bị thiếu hụt số dư tiền hay chứng khoán trên tài khoản để thanh toán cho các giao dịch trong ngày do cho phép khách hàng sử dụng đòn bẩy tài chính cao nhưng mất khả năng thanh toán; cũng có trường hợp công ty muốn gia tăng lợi nhuận trong khi nguồn tài chính hạn hẹp bằng cách vay vốn ngân hàng phục vụ hoạt động cho vay ký quỹ, trường hợp này rủi ro của Công ty Chứng khoán sẽ lớn hơn do sử dụng đòn bẩy tài chính; dùng tiền và chứng khoán trong tài khoản ít giao dịch để bù đắp giao dịch tạm thời, điều này hết sức rủi ro khi khách hàng giao dịch trở lại hay rút tiền.
- Rủi ro phá sản: Rủi ro phá sản là tổng hòa các nhân tố có thể đặt công ty đến tình trạng phá sản, gồm những yếu tố như rủi ro pháp lý liên tục xuất hiện trong hoạt động của công ty, xu hướng mất thị trường trong tương lai do sự xuất hiện của những đối thủ cạnh tranh cực mạnh, hoặc do yếu tố mất khả năng thanh toán nợ đến hạn, khả năng thay đổi chủ của Công ty Chứng khoán.
Thứ ba là rủi ro hoạt động: hay còn gọi là rủi ro tác nghiệp, rủi ro vận hành. Đây là loại rủi ro có mặt trong hầu hết hoạt động của Công ty Chứng khoán xuất phát từ các nhân tố như đội ngũ nhân viên, hệ thống công nghệ của công ty, các tác động khách quan khác. Trong đó có một số trường hợp như nhân viên gian lận, môi giới giả mạo chữ ký khách hàng hay của công ty để rút tiền, đặt nhầm lệnh, tự doanh dùng tiền của công ty mua chứng khoán bên ngoài và bán lại cho công ty để ăn chênh lệch.
3. Sự tương tác giữa các loại rủi ro
Mặc dù có nhiều loại rủi ro khác nhau trong hoạt động kinh doanh của các Công ty Chứng khoán như đã vừa đề cập ở trên, tuy nhiên trong phạm vi nghiên cứu của đề tài, những loại rủi ro chính, ảnh hưởng liên tục đến quá trình ra quyết định và chiến lược quản lý rủi ro của Công ty Chứng khoán sẽ được tiếp cận và phân tích chi tiết các Công ty Chứng khoán Việt Nam. Những rủi ro này sẽ được tiếp cận theo hướng các rủi ro hệ thống và phi hệ thống như đã đề cập ở phần trên. Việc phân tích các loại rủi ro này về hình thức thường khá độc lập nhưng trên thực tế giữa chúng lại có những mối tương quan chặt chẽ với nhau. Chẳng hạn, khi lãi suất thị trường biến động sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động đầu tư của Công ty Chứng khoán. Trong trường hợp hoạt động đầu tư thua lỗ nhiều, Công ty Chứng khoán có thể rơi vào rủi ro thanh khoản khi không có khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn, từ đó dẫn đến rủi ro danh tiếng và rủi ro phá sản. Chính vì mối tương quan này, việc quản lý rủi ro tại các Công ty Chứng khoán không chỉ đơn thuần dừng ở việc quản lý từng loại rủi ro riêng lẻ, mà cần có chiến lược quản lý rủi ro một cách tổng thể và hệ thống để đạt được hiệu quả tốt nhất [12].
Pingback: Khái niệm đầu tư hợp đồng tương lai