Tài Chính - Ngân HàngTin chuyên ngành

Kinh nghiệm quản lý rủi ro hoạt động kinh doanh của công ty chứng khoán của Mỹ

Kinh nghiệm quản lý rủi ro hoạt động kinh doanh của công ty chứng khoán của Mỹ

Theo pháp luật Hoa Kỳ, khái niệm công ty chứng khoán không được đề cập trực tiếp mà được thể hiện qua hai loại hình hoạt động là công ty môi giới và ngân hàng đầu tư. Công ty môi giới là công ty góp vốn hoặc công ty cổ phần có chức năng cung cấp các dịch vụ mua bán chứng khoán trên thị trường thứ cấp cho khách hàng. Ngân hàng đầu tư là công ty hoạt động chủ yếu trên thị trường sơ cấp với tư cách người trung gian giữa nhà phát hành và người đầu tư, làm nhiệm vụ giúp các doanh nghiệp, chính phủ phát hành các loại chứng khoán ra thị trường nhằm huy động các nguồn vốn cần thiết phục vụ nhu cầu đầu tư. Ngoài ra, NHĐT còn thực hiện các nghiệp vụ đầu tư, nghiên cứu, ngân hàng bán buôn, quản lý quỹ. Như vậy, thực chất NHĐT là công ty chứng khoán nhưng đạt trình độ phát triển cao với các nghiệp vụ kinh doanh vừa chuyên sâu vừa đa dạng, phức tạp hơn [10].

Do đặc thù hoạt động kinh doanh rủi ro nêu trên, UBCK Mỹ đã có những quy định rất chặt chẽ đối với các NHĐT và công ty chứng khoán về vấn đề quản lý rủi ro. Trước hết, UBCK chịu trách nhiệm trực tiếp quản lý và giám sát các hoạt động kinh doanh có liên quan đến các công ty chứng khoán và NHĐT. Các NHĐT muốn thực hiện các hoạt động kinh doanh chứng khoán phải thành lập các công ty con, hoạt động độc lập để tách bạch các hoạt động kinh doanh, tách bạch rủi ro để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động quản trị và quá trình giám sát của các cơ quan quản lý.

Hoạt động kinh doanh chứng khoán cũng được xem là loại hình hoạt động kinh doanh có điều kiện, trong đó điều kiện về vốn là công cụ chính được SEC sử dụng nhằm đảm bảo an toàn hoạt động cho các công ty chứng khoán, NHĐT. Vốn thuần của các công ty chứng khoán phải đạt một mức độ nhất định hoặc tỷ lệ nhất định so với tổng nợ hoặc nghĩa vụ nợ của công ty. Về cơ bản, vốn thuần của công ty chứng khoán, NHĐT được xác định bằng tổng vốn cổ đông theo chuẩn mực kế toán chung cộng các khoản tín dụng, nợ thứ cấp trừ đi giá trị các tài sản thanh khoản thấp, các khoản phải thu không bảo đảm, chi phí hoạt động, mức chiết khấu theo vị thế đầu tư và kinh doanh của công ty. công ty chứng khoán và NHĐT có thể lựa chọn mức vốn thuần cần đảm bảo theo một trong hai phương thức so sánh dưới đây [10]:

>>> Xem thêm : Khái niệm quản lý rủi ro Công ty cổ phần chứng khoán

Phương thức 1: vốn thuần phải đảm bảo ở mức tối thiểu là 250.000USD hoặc lớn hơn 6,67% tổng nợ của công ty. Các công ty chứng khoán có quy mô vốn nhỏ, khoản phải thu từ khách hàng thấp, nghiệp vụ kinh doanh chủ yếu là môi giới thường lựa chọn phương thức này. Phương thức 2: vốn thuần tối thiểu là 250.000USD hoặc lớn hơn 2% tổng các khoản phải thu của khách hàng hoặc lớn hơn 4% tổng quỹ đầu tư của khách hàng nếu công ty chứng khoán còn là thành viên của thị trường giao dịch hàng hóa tương lai. Hình thức này thường được lựa chọn bởi công ty chứng khoán, NHĐT có quy mô lớn, thực hiện các nghiệp vụ đầu tư phức tạp, đặc biệt là những công ty cung cấp các dịch vụ đòn bẩy tài chính (Margin).

Riêng đối với các công ty chứng khoán mới thành lập, tỷ lệ vốn thuần trên tổng nợ của công ty sau năm đầu tiên hoạt động phải cao hơn 12,5%. Công ty chứng khoán sẽ rơi vào trạng thái bị cảnh báo của UBCK và các tổ chức tự định chế như Hiệp hội các nhà kinh doanh chứng khoán, các Sở GDCK quốc gia khi hệ số tổng nợ trên vốn thuần lớn hơn 12 lần hoặc tỷ lệ vốn thuần trên các khoản phải thu của khách hàng dưới 5% hoặc vốn thuần dưới mức 120% so với mức vốn tối thiểu.

Các NHĐT, công ty chứng khoán cũng được yêu cầu thực hiện nghiêm ngặt các quy định về cơ cấu tổ chức, nhân sự trong phòng quản lý rủi ro. Về cơ bản, phòng quản lý rủi ro được tách bạch hoàn toàn với các nghiệp vụ khác của công ty chứng khoán và do 1 giám đốc quản lý rủi ro phụ trách. Không có sự kiêm nhiệm về công việc với nhân sự làm trong phòng quản lý rủi ro và chất lượng đội ngũ nhân sự bao gồm những người được đào tạo chuyên về lĩnh vực quản lý rủi ro. Trong phòng quản lý rủi ro có các bộ phận phụ trách riêng về từng loại rủi ro.

Mô hình quản lý rủi ro đối với công ty chứng khoán tại NHĐT thường được được tổ chức với cơ cấu cao nhất là Hội đồng quản lý rủi ro trực thuộc HĐQT,thực hiện giám sát tất cả các loại rủi ro trong toàn công ty, qua đó sẽ có sự khái quát tổng thể về rủi ro, nhằm đưa ra được các chính sách đồng bộ, hợp lý, hiệu quả nhất. Hội đồng quản lý rủi ro có nhiệm vụ: Đảm bảo rằng tuyên bố chính sách rủi ro về mỗi loại rủi ro được chuẩn bị để HĐQT phê duyệt; Đảm bảo rằng chính sách rủi ro đã được thực hiện nghiêm chỉnh; Quản lý nguồn vốn của NHĐT; Đảm bảo xây dựng các hạn mức rủi ro thị trường và tín dụng; Quản lý Hồ sơ rủi ro tổng thể trong các mảng kinh doanh; Rà soát hoạt động của Uỷ ban quản lý rủi ro [12]. Tiếp đến sẽ là các bộ phận:

Ủy ban điều hành: có trách nhiệm cao nhất đối với việc quản trị rủi ro của NHĐT. Tất cả các bộ phận tham gia vào QLRR đều có trách nhiệm báo cáo lên ủy ban điều hành. Ủy ban điều hành có thể trực tiếp hoặc phân quyền phê duyệt tất cả các hoạt động rủi ro cũng như xây dựng các hạn mức rủi ro.

Ủy ban rủi ro: có nhiệm vụ đưa ra các chính sách và quy trình QLRR, các hạn mức rủi ro cho toàn hệ thống, các hạn mức rủi ro đối với từng mảng thị trường, hạn mức tín dụng đối với các đối tác theo các hệ số định mức tín dụng.

Ủy ban thông lệ kinh doanh: trợ giúp ban điều hành trong việc giám sát tuân thủ và rủi ro hoạt động, rủi ro uy tín, thống nhất với các chính sách, thông lệ kinh doanh, đồng thời đưa ra các kiến nghị cải thiện.

Ủy ban cam kết: có trách nhiệm soát xét và phê duyệt các hoạt động bảo lãnh phát hành và phân phối chứng khoán cho các khách hàng. Ủy ban cam kết cũng có trách nhiệm xây dựng các chính sách và quy trình đảm bảo các khía cạnh pháp lý, tuân thủ, uy tín và các chuẩn mực kinh doanh của Ngân hàng đầu tư.

Ủy ban chính sách tín dụng: xây dựng và soát xét các chính sách tín dụng để phòng quản lý tín dụng thực thi.

Ủy ban tài chính: xây dựng và thực thi các chính sách về quản trị rủi ro thanh khoản, đưa ra một số hạn mức về hàng tồn kho, quy mô và cơ cấu bảng cân đối kế toán cũng như cơ cấu nguồn vốn và quản lý định mức tín nhiệm. Ủy ban tài chính thường xuyên soát xét lại trạng thái nguồn vốn, bảng cân đối nhằm có những điều chỉnh thích hợp và kịp thời.

Ủy ban sản phẩm mới: chịu trách nhiệm soát xét và phê duyệt các sản phẩm mới cũng như các mảng kinh doanh hay giao dịch mới.

Ủy ban rủi ro hoạt động: có vai trò giám sát việc thực thi các khung, chính sách quản lý rủi ro hoạt động. Đồng thời soát xét tính hiệu quả của quản lý rủi ro tín dụng.

Kinh nghiệm quản lý rủi ro hoạt động kinh doanh của công ty chứng khoán của Mỹ

Ngọc Thi

Tôi luôn muốn góp một phần nhỏ những kinh nghiệm của mình giúp các anh chị hoàn thành tốt luận án tiến sĩ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *