Kinh nghiệm của Trung Quốc trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài
Năm 1978, bắt đầu thực hiện “cải cách và mở cửa” nền kinh tế, mở cửa và hội nhập là một bộ phận cấu thành trong toàn bộ chiến lược đó. Thu hút FDI là lĩnh vực quan trọng trong hoạt động kinh tế đối ngoại của Trung Quốc. Từ khi thực hiện chính sách cải cách, mở cửa đến nay nó được coi là “chìa khoá vàng” của sự tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc. Sau hơn 20 năm thực hiện chính sách thu hút vốn FDI, nguồn FDI vào Trung Quốc đã tăng lên từng năm, từ 3 tỷ USD năm 1990 lên 40 tỷ năm 2000, 72 tỷ năm 2005 và 92,4 tỷ năm 2008, năm 2010 là 114,7 tỷ USD và đến năm 2011 là 124 tỷ USD. Ngày nay, Trung Quốc đã trở thành một trong những quốc gia thu hút vốn FDI lớn nhất thế giới, hiệu quả của nguồn vốn FDI là khá cao. Với 1 triệu USD vốn nước ngoài, Trung Quốc đã sử dụng được 117 lao động, doanh thu xuất khẩu đạt 342.000 USD, thu ngân sách được 53.000 USD. Trong tỷ lệ tăng trưởng kinh tế hàng năm của Trung Quốc trong những năm qua, có khoảng 4 – 5% thuộc về nguồn vốn bên ngoài, đã đóng góp hơn 30% cho sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Để tích cực, chủ động thu hút vốn FDI, chính phủ Trung Quốc đã có những biện pháp hết sức mềm dẻo, linh hoạt và rất có hiệu quả như từng bước mở rộng địa bàn thu hút vốn bên ngoài, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, đa dạng hoá các loại hình đầu tư, áp dụng chính sách ưu đãi… Theo đánh giá chung, nhu cầu về vốn cho mục tiêu hiện đại hoá của Trung Quốc là rất lớn. Do đó, đồng thời với việc tích cực huy động vốn trong nước, Trung Quốc còn tiếp tục khuyến khích đầu tư từ bên ngoài, đặc biệt là nguồn vốn FDI bằng cách giữ vững những điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, những khó khăn sẽ được nhìn nhận để sửa chữa khắc phục. Trong suốt quá trình thu hút vốn FDI, Trung Quốc luôn có sự thống nhất quan điểm về thu hút vốn FDI từ Trung ương xuống địa phương, thậm chí từng người dân “thu hút nguồn vốn FDI là yêu cầu cấp bách và cần thiết để phát triển kinh tế”. Chính phủ không phân biệt đối xử giữa nguồn lực trong và ngoài nước, miễn có ích cho sự phát triển đất nước đều được khuyến khích. Trung Quốc không ngừng cải thiện và nâng cao sức cạnh tranh của môi trường đầu tư như từng bước hoàn thiện hệ thống pháp lý, mở rộng danh mục khuyến khích đầu tư theo thời gian, xây dựng chính sách ưu đãi đầu tư, kích thích phát triển kinh tế trong nước, ổn định đồng tiền, xây dựng môi trường tài chính lành mạnh, phát triển cơ sở hạ tầng, tích cực hội nhập để mở cửa thị trường, có chính sách hỗ trợ thị trường chứng khoán phát triển [26].
Thu hút nguồn vốn FDI tại Trung Quốc có thể chia thành ba giai đoạn như sau:
– Giai đoạn 1979 – 1991: Đây là giai đoạn thử nghiệm, nguồn vốn FDI chủ yếu từ một số nước như Mỹ, Nhật Bản và tập trung vào lĩnh vực chế biến, thương mại, chuyển giao công nghệ. Trong giai đoạn này, tổng vốn FDI đăng ký 50,94 tỷ USD, vốn thực hiện 26,25 tỷ USD, quy mô trung bình 1,21 triệu USD/dự án. Cũng trong giai đoạn này, Trung Quốc vay nước ngoài 527,43 tỷ USD để phát triển kinh tế, đầu tư cơ sở hạ tầng, do vậy nguồn vốn FDI đóng vai trò bổ sung cho hình thức vay nước ngoài về nguồn ngoại tệ để phát triển đất nước.
>>> Xem thêm : Cơ cấu thu hút vốn FDI vào địa phương
– Giai đoạn 1992 – 2000: Là giai đoạn tiếp nhận đầu tư nước ngoài quy mô lớn và có hệ thống. Sau hơn 10 năm nỗ lực cải cách và mở cửa, phát triển cơ sở hạ tầng, chính sách thu hút đầu tư mới đã tạo lòng tin cho các nhà đầu tư nước ngoài và thu hút được lượng vốn FDI cam kết 623,5 tỷ USD, vốn thực hiện 323,38 tỷ USD. Nguồn vốn FDI được đa dạng hoá, chủ yếu từ Mỹ, Nhật Bản, Châu Âu và được tập trung vào công nghiệp chế tạo.
– Giai đoạn sau gia nhập WTO: Thu hút được 1.573,71 tỷ USD vốn cam kết, số vốn thực hiện là 1.273,19 tỷ USD, bình quân gần 55 tỷ USD/năm. Đến giai đoạn này, Trung Quốc thực hiện chính sách thu hút đa lĩnh vực, đa thành phần, một số lĩnh vực trước đây bị hạn chế nay đã được mở cửa. Như vậy, Trung Quốc đã có những thay đổi chiến lược thu hút FDI từ mở cửa thử nghiệm sang mở cửa theo lộ trình đã cam kết, chuyển từ mở cửa đơn phương Trung Quốc thành mở cửa đa phương Trung Quốc và các thành viên WTO làm cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đã bước hẳn vào Trung Quốc. Đến năm 2010 đã có hầu hết trong tổng số 500 công ty hàng đầu trên thế giới đầu tư vào Trung Quốc và ngày càng có nhiều tập đoàn xuyên quốc gia coi Trung Quốc là trọng điểm đầu tư của họ. Kể từ năm 1993, Trung Quốc luôn là nước nhận vốn FDI lớn nhất trong số các nước đang phát triển và từ năm 2002 là một trong số ít các quốc gia có môi trường hấp dẫn và thu hút vốn FDI lớn nhất thế giới.[37]
Thành công trong thu hút nguồn vốn FDI tại Trung Quốc có được là do:
– Trung Quốc không có Luật Đầu tư chung cho đầu tư nước ngoài mà chỉ quy định các hình thức đầu tư nước ngoài phù hợp và được thể chế hoá bằng các luật riêng rẽ nhằm mục đích giúp các nhà đầu tư có thể lựa chọn cho mình hình thức đầu tư thích hợp nhất.
– Trung Quốc cho phép các nhà đầu tư nước ngoài linh động chuyển đổi hình thức đầu tư, điều này tạo điều kiện cho các doanh nghiệp FDI có cơ hội tìm kiếm và sửa đổi hình thức đầu tư phù hợp nhất. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng có những quy định rất chặt chẽ về việc chuyển đổi các hình thức đầu tư để các bên tham gia đều có lợi và song song tạo điều kiện để cơ quan quản lý FDI giám sát tốt các hoạt động FDI.
– Trung Quốc quy định rất chặt chẽ về góp vốn FDI không phải bằng tiền, việc quản lý vốn này rất phức tạp như về định giá và mức độ hiện đại của công nghệ nhưng Trung Quốc lại quy định rất thoáng về việc chỉ dựa vào thoả thuận giữa các bên trên nguyên tắc công bằng và hợp lý hoặc được xác định bởi bên thứ ba theo sự thoả thuận của các bên để tính giá trị các loại vốn góp. Trung Quốc đã đưa ra hàng loạt các yêu cầu khác phải đáp ứng để đảm bảo việc góp vốn này thực sự mang lại lợi ích cho nước chủ nhà như đảm bảo các máy móc đó thực sự cần thiết cho nền kinh tế, có khả năng tăng năng suất lao động, khả năng tạo ra sản phẩm mới thiết yếu cho tiêu dùng trong nước…
-Trung Quốc cho phép các dự án FDI được quyền thế chấp quyền sử dụng đất để thế chấp vay vốn. Việc thế chấp này phải đăng ký với sở địa chính là cơ quan cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.[26]
– Trung Quốc ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng và đô thị trong khu vực này, cho phép các địa phương sử dụng các biện pháp phù hợp để thu hút FDI như: khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài liên doanh với doanh nghiệp trong nước đang bị thua lỗ, các vùng khó khăn được miễn tiền thuê đất và cho phép thành lập doanh nghiệp liên doanh với thời hạn 99 năm. Nhằm giảm bớt rủi ro, Trung Quốc thực hiện mở cửa từng bước vững chắc và từng khu vực. Lúc đầu thành lập 5 đặc khu kinh tế là Thẩm Quyến, Chu Hải, Hải Nam, Hạ Môn và Sán Đầu ở tỉnh Quảng Đông và Phúc Kiến. Năm 1984, tiếp tục mở cửa 14 thành phố duyên hải, đầu những năm 1990, phố Đông của Thượng Hải và một số thành phố của vùng châu thổ sông Hoàng Hà, Châu Giang, bán đảo Liêu Đông, Gia Đông và vùng phía trong lục địa cũng từng bước được mở cửa. Tại các đặc khu kinh tế, Trung Quốc tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển đô thị, nhà ở, bệnh viện, trường học, trung tâm công cộng. Cho phép các địa phương khai thác mọi khả năng để có vốn đầu tư cơ sở hạ tầng.[37]
– Trung Quốc đã tiến hành cải cách hành chính sâu rộng và triệt để theo hướng đơn giản và tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài. Mở rộng thẩm quyền cho các địa phương để phát huy nội lực, tính chủ động sáng tạo của địa phương. Địa phương có thể phê chuẩn hoặc quyết định các dự án đầu tư đến 30 triệu USD và chỉ cần báo cho Trung ương biết.
– Trung Quốc cũng đã chú trọng và khuyến khích đầu tư đối với Hoa kiều trên quan điểm coi trọng tính dân tộc.[26]
Pingback: Kinh nghiệm của thành phố Đà Nẵng trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài