Kinh tếTài Chính - Ngân HàngTin chuyên ngành

Bản chất của bảo hiểm xã hội

Bản chất của bảo hiểm xã hội

Bảo hiểm xã hội ra đời, tồn tại và phát triển là tất yếu khách quan cùng với sự phát triển của xã hội loài người, bản chất của bảo hiểm xã hội được thể  hiện ở những nội dung chủ yếu sau:

– Bảo hiểm xã hội là nhu cầu khách quan, đa dạng và phức tạp của xã hội, nhất là trong xã hội mà sản xuất hàng hóa theo cơ chế thị trường, mối quan hệ thuê mướn lao động phát triển đến một mức độ nhất định. Kinh tế càng phát triển thì BHXH càng đa dạng và hoàn thiện. Có thề nói, kinh tế là nền tảng của bảo hiểm xã hội hay bảo hiểm xã hội không vượt quá trạng thái kinh tế của mỗi nước.

– Mối quan hệ  giữa các bên trong BHXH phát sinh trên cơ  sở  quan hệ lao động và diễn ra giữa 3 bên: Bên tham gia BHXH, bên BHXH và bên được BHXH. Bên tham gia BHXH là bên có trách nhiệm đóng phí BHXH theo quy định của pháp luật và chỉ  có thể  là người lao động hoặc cả  người lao động và người sử  dụng lao động. Bên bảo hiểm xã hội là bên nhận phí BHXH từ  những người tham gia và thường là một số tổ chức như cơ quan, công ty…do Nhà nước lập ra (ở một số nước có thể do tư nhân, tổ chức kinh tế – xã hội lập ra) và được Nhà nước bảo trợ. Bên được BHXH là bên được nhận các loại trợ cấp khi xảy ra rủi ro được bảo hiểm. Bên được BHXH là người lao động tham gia BHXH và thân nhân của họ khi có đủ các điều kiện ràng buộc cần thiết. Bên được BHXH chính là đối tượng phục vụ của BHXH.

– Những biến cố làm giảm hoặc mất khả năng lao động, mất việc làm trong BHXH có thể là những rủi ro ngẫu nhiên, như: Ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp…hoặc cũng có thể là những trường hợp xảy ra không hoàn toàn ngẫu nhiên, như: Tuổi già, thai sản…Đồng thời, những  biến cố  đó  có thể  diễn  ra cả  trong và ngoài quá trình lao động.

Xem thêm: Khái niệm về bảo hiểm xã hội

– Phần thu nhập của người lao động bị  giảm hoặc mất đi do gặp phải những rủi ro sẽ được bù đắp hoặc thay thế từ một nguồn quỹ tiền tệ tập trung được tồn tích lại. Nguồn quỹ này do các bên tham gia đóng góp là chủ yếu, ngoài ra còn có sự hỗ trợ của Nhà nước.

– Mục tiêu của BHXH là nhằm thỏa mãn những nhu cầu thiết yếu của người lao động trong trường hợp bị giảm hoặc bị mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, mất việc làm. Mục tiêu này đã được ILO cụ thể hóa như sau: Đền bù cho người lao động những khoản thu nhập bị  mất để bảo đảm nhu cầu sinh sống thiết yếu của họ, góp phần ổn định đời sống cho người lao động và gia đình họ và nâng cao chất lượng chính sách ASXH; giúp người lao động nhanh chóng phục hồi sức khỏe, tái sản xuất sức lao động cho xã hội. Ngoài ra, còn động viên, khuyến khích người lao động  yên tâm làm việc  để nâng cao năng suất, chất  lượng và hiệu  quả công việc.  Vì vậy,  thu nhập  của  người  lao động  cũng  được  tăng  lên và làm tăng tổng sản phẩm quốc nội; xây dựng điều kiện sống đáp ứng các nhu cầu của dân cư và các nhu cầu đặc biệt của người già, người tàn tật và trẻ em.

Với mục tiêu trên và qua thực tiễn triển khai BHXH ở các nước trên thế  giới cho thấy, vai trò của BHXH là rất lớn, cả đối với người lao động, người sử dụng lao động và xã hội: Đối với người lao động, mà trước hết là những người làm công ăn lương ổn định thu nhập, ổn định cuộc sống của bản thân và gia đình khi gặp phải những rủi ro hay sự  kiện bảo hiểm. Đối với người sử  dụng lao động, BHXH góp phần điều hòa và giải quyết được một số mâu thuẫn giữa họ với những người làm thuê. Từ đó góp phần ổn định và phát triển sản xuất. Đối với xã hội, BHXH giúp tạo ra một cơ  chế  chia sẻ  rủi ro, nâng cao tính cộng đồng, củng cố  tinh thần đoàn kết, gắn bó lợi ích giữa các bên tham gia. Đồng thời chính sách BHXH còn là một trong những trụ cột chính trong hệ thống chính sách ASXH của mỗi quốc gia.

Bản chất của bảo hiểm xã hội

Ngọc Thi

Tôi luôn muốn góp một phần nhỏ những kinh nghiệm của mình giúp các anh chị hoàn thành tốt luận án tiến sĩ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *