Các nghiên cứu thực nghiệm về các nhân tố hấp thụ tác động đến mối quan hệ giữa FDI và tăng trưởng kinh tế
Các nghiên cứu thực nghiệm về các nhân tố hấp thụ tác động đến mối quan hệ giữa FDI và tăng trưởng kinh tế
Các nghiên cứu thực nghiệm, ở cả góc độ vi mô lẫn vĩ mô về tác động của FDI lên tăng trưởng kinh tế cho kết quả không đồng nhất. Ở một số nghiên cứu, vốn FDI đã được chứng minh là vừa có những tác động có lợi cũng như bất lợi đến tăng trưởng kinh tế, trong khi đó một vài nghiên cứu khác lại cho rằng FDI không ảnh hưởng đến tăng trưởng. Để giải quyết vấn đề này, các nhà nghiên cứu đã đề ra cách thức giải quyết bằng cách đưa vào mô hình các nhân tố hấp thụ nhằm kiểm soát các yếu tố vừa đóng vai trò là nhân tố thu hút vốn FDI vừa là nhân tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo Nunnemkamp (2004), một quốc gia nên đạt được một trình độ phát triển nhất định trước khi có thể khai thác được lợi ích từ FDI. Trên quan điểm này, các nhân tố này lần lượt được trích ra từ các lý thuyết được đưa vào luận án. Thật vậy, khi FDI tác động lên tăng trưởng của một quốc gia nó phải trải qua một cơ chế lan truyền qua các kênh trong nên kinh tế tại những kênh đó có các yếu tố nhằm hấp thụ hoặc đào thải dòng vốn FDI.
Quan điểm của trường phái tăng trưởng nội sinh nhấn mạnh đến vai trò thúc đẩy tăng trưởng của nhiều nhân tố bên cạnh vốn đầu tư, các nhân tố đặc trưng cho quốc gia tiếp nhận đầu tư, chẳng hạn như chất lượng nguồn nhân lực, mức độ giao thương cũng như độ mở về tài chính, hệ thống cơ sở hạ tầng, môi trường thể chế và kinh tế vĩ mô. Không chỉ tác động trực tiếp đến tăng trưởng, những nhân tố này còn có tác động gián tiếp bởi chúng ảnh hưởng đến khả năng thu hút FDI và khả năng thụ hưởng lợi ích từ FDI của quốc gia nhận đầu tư. Theo Kose at el (2006) chính sự tương tác giữa FDI và các nhân tố hấp thụ tạo nên kết quả tăng trưởng. Nhiều tác giả đã tiến hành các nghiên cứu thực nghiệm nhằm xác định các nhân tố hấp thụ này.
Dahlman và Nelson (1995) định nghĩa khả năng hấp thụ của quốc gia là “khả năng học, bổ sung các công nghệ và kỹ năng phù hợp các quốc gia phát triển”. Khả năng hấp thụ giúp người lao động có thể phát triển các kỹ năng của họ thông qua các dòng FDI do các công ty đa quốc gia mang đến.
Các phân tích cho thấy tác động của FDI lên tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào các điều kiện của nước nhận đầu tư như: chính sách thương mại (Balasubramanyam và cộng sự., 1996; Zhang, 2001); chính sách nguồn nhân lực (Keller,1996; Borensztein và cộng sự., 1998; Olofsdotter, 1998; Xu, 2000; Bengoa và Sanchez- Robles, 2003 và Bhattacharya và cộng sự., 2004) và khoảng cách công nghệ (Sjoholm, 1999; Glass và Saggi, 1998).
Các nghiên cứu cũng xác nhận tác động của dòng vốn FDI đến tăng trưởng kinh tế cần có các điều kiện nhất định. Blomstrom và cộng sự. (1992) nghiên cứu 78 nước đang phát triển, phát hiện FDI có thể mang lại lợi ích cho các nước đang phát triển có thu nhập cao hơn là nước đang phát triển có thu nhập thấp. Do đó, nước chủ nhà cần có một ngưỡng nhất định của sự phát triển để hấp thụ những lợi ích từ FDI.
Batten và Vinh Vo (2009) sử dụng dữ liệu của 79 quốc gia giai đoạn 1980-2003, với phương pháp ước lượng FE và GMM. Kết quả cho thấy FDI có tác động tích cực mạnh mẽ lên tăng trưởng kinh tế đối với các nước có trình độ học vấn cao, có mở cửa đối với thương mại quốc tế và phát triển thị trường chứng khoán, mức tăng trưởng dân số thấp hơn và mức độ rủi ro thấp hơn. Hai tác giả cũng đề xuất rằng các nước nên thực hiện chính sách để đảm bảo các mục tiêu vĩ mô chính sách xã hội như giáo dục và cải cách thể chế để tận dụng lợi ích từ nguồn vốn FDI.
Blomstrom và cộng sự. (1994) lập luận FDI có tác động cùng chiều tới tăng trưởng khi nâng cao thu nhập bình quân đầu người. De Mello (1997) thấy rằng FDI có tác động cùng chiều đáng kể tới tăng trưởng kinh tế ở các nước có thu nhập cao.
1. Môi trường thể chế kinh tế
Xuất phát từ lý thuyết tăng trưởng kinh tế và thể chế mà Acemoglu và cộng sự (2005) đặt nền tảng. Các nghiên cứu thực nghiệm gần đây nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của thể chế (institution), đặc biệt là tự do hoạt động kinh tế, trong quá trình tăng trưởng. Một mặt, cải cách thể chế kinh tế có thể ảnh hưởng đáng kể đến hiệu suất hoạt động của nền kinh tế, mặt khác cải cách là tín hiệu để thu hút các dòng vốn Đầu tư nước ngoài. Đây là những kết luận chính trong các bài nghiên cứu của Rodrik, Subramanian, và Trebbi (2004), Acemoglu và Johnson (2005), Adams (2009) và Easterly (2005).
Theo Easterly (2005), khái niệm thể chế đề cập đến “những sự sắp xếp mang tính chiều sâu (deep-seated) trong xã hội như quyền sở hữu, luật pháp, truyền thống pháp lý, lòng tin giữa con người, trách nhiệm dân chủ của chính quyền và nhân quyền”. Một hệ thống thể chế tốt sẽ giúp làm giảm những chi phí chìm liên quan khi thực hiện đầu tư, như những chi phí bôi trơn. Các nghiên cứu thực nghiệm khác cũng cho thấy rằng để có một mối quan hệ tích cực giữa FDI và tăng trưởng kinh tế, đòi hỏi phải có một khuôn khổ pháp lý tốt. Cụ thể, một môi trường thể chế ổn định có thể làm gia tăng hiệu ứng lan tỏa từ FDI thông qua ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường hoạt động kinh doanh (nghiên cứu của Bengoa và Sanchez-Robles, 2005; Prüfer & Tondl, 2008 cho các quốc gia châu Mỹ Latinh).
Một trong những khía cạnh quan trọng của một thể chế kinh tế tốt là sự mở cửa thị trường và mức độ phát triển của thị trường tài chính. Việc mở cửa thị trường giúp tạo điều kiện cho dòng vốn FDI gia tăng nhanh hơn và vì thế thúc đẩy tăng trưởng cao hơn (Quinn,1997). Ở một khía cạnh khác, một vài tác giả thì cho rằng thị trường tài chính phát triển là điều kiện tiên quyết để FDI có thể thúc đẩy tăng trưởng. Lập luận này cho rằng FDI chỉ có thể thúc đẩy tăng trưởng khi thị trường tài chính ở quốc gia nhận đầu tư phát triển một cách đầy đủ và có khả năng giúp chu chuyển dòng vốn đến các hoạt động đầu tư sản xuất có hiệu quả. Hơn nữa, hiệu ứng lan tỏa về kiến thức (knowledge spillovers) chỉ xảy ra khi các doanh nghiệp trong nước có khả năng đầu tư vào việc tiếp thu công nghệ nước ngoài và điều này có thể bị hạn chế khi thị trường tài chính trong nước kém phát triển (Adams, 2009; Alfaro, Chanda, Kalemli-Ozcan, & Sayek, 2009; Hermes & Lensink, 2003). Alfaro và cộng sự (2004) cũng cho rằng tác động của FDI tới tăng trưởng kinh tế thuận lợi ở các quốc gia đã phát triển thị trường tài chính.
Durham (2004) điều tra về vai trò của FDI tới tăng trưởng của 80 quốc gia giai đoạn 1979-1998 đã không tìm thấy mối quan hệ dương giữa hai biến và lập luận rằng tác động của FDI phụ thuộc vào khả năng hấp thụ của nước nhận đầu tư, trong đó, yếu tố thể chế có tác động đáng kể vào hiệu quả tăng trưởng. Tương tự, Olofsdotter (1998) thấy rằng khả năng hấp thụ vốn FDI tại nước sở tại và các tác dụng có lợi của FDI mạnh hơn ở những nước có trình độ cao hơn về năng lực thể chế và hiệu quả trong phòng chống quan liêu.
Makki và Somwaru (2004) tìm thấy FDI và sự tương tác của FDI với mở cửa thương mại, cho thấy FDI tác động cùng chiều lên tăng trưởng kinh tế ở các nước có độ mở thương mại được cải thiện.
Gần đây Dang Duc Anh (2013) nghiên cứu về FDI và chất lượng thể chế ở Việt Nam, sử dụng dữ liệu từ khảo sát năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và FDI từ khi gia nhập WTO của trên 60 tỉnh, thành, đã phát hiện có tương quan dương giữa thể chế và thu hút FDI. Trong đó, các tỉnh, thành có chất lượng thể chế tốt hơn thường đạt được mức giải ngân FDI lớn hơn. Tác giả nhận định có thể sử dụng dòng vốn FDI như một chất xúc tác cho cải cách thể chế trong nước.
2. Về giáo dục.
Lý thuyết tăng trưởng nội sinh đã nhấn mạnh vai trò của vốn con người lên tăng trưởng kinh tế, và vốn con người thường được đo lường bằng trình độ giáo dục. Vì vậy mà nhân tố giáo dục luôn được xem xét đến trong các nghiên cứu về mối quan hệ giữa FDI và tăng trưởng, ở cả góc độ vi mô lẫn vĩ mô.
FDI góp phần tăng trưởng kinh tế quốc gia khi lực lượng lao động đạt được mức độ nhất định của tiêu chuẩn giáo dục. Doanh nghiệp đa quốc gia cũng có thể đem lại lợi ích cho doanh nghiệp trong nước thông qua đào tạo các nhà cung cấp địa phương để đáp ứng các tiêu chuẩn cao hơn của kiểm soát chất lượng theo yêu cầu công nghệ của các công ty nước ngoài. Tuy nhiên, chuyển giao công nghệ và hiệu quả lan tỏa không xuất hiện tự động mà phụ thuộc vào khả năng hấp thụ của nước sở tại được quyết định chủ yếu bởi các điều kiện về nguồn nhân lực. Borensztein và cộng sự (1998) nhận thấy rằng dòng vốn FDI ở các nước có nguồn lao động có trình độ đạt tới một ngưỡng nào đó sẽ góp phần tích cực vào tăng trưởng, tức là, FDI đã tương tác với trình độ học vấn của lực lượng lao động của một quốc gia. Các hiệu ứng tương tác không có ý nghĩa trong trường hợp đầu tư trong nước. Điều này có thể phản ánh bản chất của sự khác biệt về công nghệ giữa FDI và đầu tư trong nước. Phát hiện này hàm ý rằng các nước phát triển có một đội ngũ lao động có trình độ cao có nhiều khả năng để đạt được nhiều lợi ích từ FDI hơn so với các nước đang phát triển.
Đối với các nghiên cứu từ góc độ doanh nghiệp, ở góc độ vi mô, vấn đề được quan tâm là liệu nhân tố giáo dục có thúc đẩy hiệu ứng lan truyền xảy ra hay không? Để tìm ra bằng chứng thực nghiệm cho câu hỏi nghiên cứu này, các tác giả thực hiện hồi quy mô hình với biến phụ thuộc là một chỉ tiêu đại diện cho năng suất của các doanh nghiệp được chọn đại diện cho một quốc gia/ngành. Biến độc lập bao gồm các thành phần sau: thứ nhất, một chỉ tiêu đại diện cho giáo dục, thứ hai một chỉ tiêu đo lường mức độ thâm nhập của FDI vào những doanh nghiệp tại quốc gia/ngành đang nghiên cứu như tỷ lệ góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài, và thứ ba, biến tương tác (interaction term) giữa hai thành phần này.
Nghiên cứu của Blomstrom, Globerman, và Kokko (2001) là một đại diện tiêu biểu cho hướng tiếp cận này. Kết quả thu được từ các tác giả này cho thấy nhân tố giáo dục thật sự có vai trò thúc đẩy tăng trưởng thông qua cơ chế lan tỏa của FDI, và điều này đã được kiểm chứng bởi một số nghiên cứu khác có cùng cách tiếp cận. Tuy nhiên, các nghiên cứu theo cách tiếp cận vi mô này chỉ chứng minh được rằng hiệu ứng lan tỏa và vai trò của giáo dục với hiệu ứng này tồn tại ở một số ngành cụ thể, tại một số quốc gia cụ thể chứ chưa cung cấp được bằng chứng thực nghiệm để có thể đi đến kết luận tổng quát rằng FDI thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Những nghiên cứu với cách tiếp cận vĩ mô sử dụng mô hình với biến phụ thuộc là tốc độ tăng trưởng kinh tế và các biến độc lập gồm một đại diện cho nhân tố giáo dục như: tỷ lệ biết chữ, số năm đi học trung bình… và tập hợp các biến khác, các tác giả còn đưa vào biến tương tác giữa FDI và biến đại diện cho giáo dục để kiểm chứng giả thiết rằng trình độ của lực lượng lao động ảnh hưởng đến khả năng thụ hưởng lợi ích từ FDI. Nhiều nghiên cứu, trong đó có Carkovic & Levine (2005) và Blomstrom & Wolf (1994) là hai nghiên cứu tiêu biểu, đã không tìm thấy bằng chứng nào chứng minh cho vai trò của giáo dục. Giải thích cho sự mâu thuẫn giữa thực nghiệm và lý thuyết này, Miao Wang (2011) lập luận rằng biến đại diện cho nhân tố giáo dục được chọn bởi các nghiên cứu trước đó không thể hiện được sự khác biệt về chất lượng giáo dục giữa các quốc gia như hàm lượng tri thức tích lũy được trong một năm đào tạo tại quốc gia này là không bằng với một năm đào tạo tại quốc gia khác. Theo quan điểm của Wang, vấn đề đối với nhân tố giáo dục chỉ mang tính kĩ thuật bởi hầu hết các nghiên cứu được thực hiện trong phạm vi một quốc gia.
3. Chất lượng cơ sở hạ tầng.
Chất lượng cơ sở hạ tầng địa phương, đặc biệt là truyền thông và giao thông vận tải cũng là nhân tố có liên quan đến tăng trưởng kinh tế (Easterly, 2001; Li & Liu, 2004). Theo các kết quả đạt được từ một khảo sát về tác động của cơ sở hạ tầng của World Bank, 1994, đã có những bằng chứng đáng kể cho thấy cơ sở hạ tầng là một nhân tố cốt lõi cho hoạt động kinh tế. Cơ sở hạ tầng được định nghĩa bao gồm giao thông vận tải, viễn thông, nước và vệ sinh môi trường, năng lượng và khí đốt, và các công trình khác, và có thể đo lường bằng nhiều chỉ số khác nhau.
Về lý thuyết, cơ sở hạ tầng có thể tác động đến tổng sản lượng thông qua hai cách: thứ nhất, tác động trực tiếp thông qua các dịch vụ cơ sở hạ tầng đi vào sản xuất như một nhân tố đầu vào, và thứ hai, thông qua các dịch vụ cơ sở hạ tầng này làm gia tăng tổng năng suất bằng việc giảm chi phí giao dịch cũng như các chi phí khác, từ đó làm cho việc sử dụng các nhân tố đầu vào thông thường hiệu quả hơn.
Cơ sở hạ tầng được thiết kế tốt cũng tạo điều kiện cho hiệu quả kinh tế theo quy mô, giảm chi phí trong thương mại trao đổi hàng hóa, và do đó là một nhân tố cốt lõi cho sự chuyên môn hóa, cũng như tính hiệu quả trong sản xuất và tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ. Đây là một yếu tố quan trọng cho sự tăng trưởng và phát triển kinh tế, gia tăng chất lượng cuộc sống.
4. Quá trình đô thị hóa
Mối quan hệ giữa quá trình đô thị hóa và nguồn vốn đầu tư nước ngoài từ lâu đã thu hút quan tâm của nhiều nghiên cứu trên thế giới, vấn đề này đã được đề cập trong lý thuyết hiện đại hóa (modernization theory). Hoselitz (1960) cho rằng đô thị hóa là một hiện tượng tất yếu của quá trình phát triển kinh tế, đặc biệt điều này diễn ra khá mạnh mẽ ở các nước đang phát triển khi họ từng bước áp dụng mô hình tăng trưởng từ các nước công nghiệp. Các thành phố lớn thường sẽ có nhiều thuận lợi cho việc hấp thụ nguồn vốn đầu tư trong nước cũng như ngoài nước vì thị trường tiêu thụ rộng lớn, cấu trúc dân số đa dạng, cơ sở hạ tầng hoàn thiện, nguồn lao động chất lượng cao, khả năng thích nghi văn hóa mới và dễ dàng tiếp cận với các kênh giao tiếp chính trị và những nhà làm luật khác. (Crenshaw, 1991; Dicken, 1986; Edington, 1984; Leung, 1990). Đặc biệt là mối liên hệ giữa đô thị hóa và sự phát triển hệ thống thể chế. Khi một quốc gia chuyển đổi từ một nền kinh tế sản xuất nông nghiệp thâm dụng lao động sang một nền kinh tế sử dụng lao động cho công nghiệp và dịch vụ. Hoạt động sản xuất giảm được sự thâm dụng đất đai và thường được tập trung ở các thành phố lớn. Vì vậy, đô thị hóa làm dịch chuyển dân cư từ khu vực nông thôn sang thành thị với môi trường kinh tế cũng như chính trị tốt hơn.
5. Môi trường kinh tế vĩ mô
Ảnh hưởng của môi trường kinh tế vĩ mô lên hoạt động kinh tế cũng như khả năng thu hút dòng vốn nước ngoài đã được đề cập đến trong nhiều bài nghiên cứu (Demekas, Horvath, Ribakova, & Wu, 2007). Sự bất ổn vĩ mô có thể sẽ gây cản trở cho quá trình tích lũy vốn và tăng trưởng kinh tế. Những chỉ báo cho độ bất ổn kinh tế vĩ mô thường được dùng là lạm phát, tỷ lệ nợ nước ngoài cao và thâm hụt ngân sách. Những nhân tố này được cho là làm gia tăng tính bất ổn, làm xấu đi môi trường kinh doanh và do đó làm giảm tốc độ tăng trưởng. Hơn nữa, chúng còn tạo ra sự không chắc chắn, từ đó, không chỉ ngăn cản việc tiếp cận dòng vốn nước ngoài, mà còn làm giảm hiệu ứng thúc đẩy năng suất của FDI, theo nghiên cứu của Prufer và Tondl (2008).
Bouoiyour (2003) xem xét các yếu tố quyết định của FDI ở Morocco, sử dụng dữ liệu hàng năm giai đoạn 1960- 2003. Ông nhận thấy rằng sự bất ổn của nền kinh tế Morocco dẫn đến những trở ngại trong việc thu hút dòng vốn FDI, nên tác động của FDI đến tăng trưởng gần như không được thể hiện.
Các nghiên cứu trước đây cũng cho ra 2 luồng bằng chứng thực nghiệm: nhóm các nghiên cứu tìm thấy mối tương quan dương giữa ổn định vĩ mô và tăng trưởng (Bleaney, 1996; Fischer, 1993) và một nhóm khác cho rằng ổn định vĩ mô có vai trò không đáng kể trong tăng trưởng kinh tế (Easterly and Levine, 2003, Hausmann và cộng sự, 2005). Những lập luận nghi ngờ về vai trò của ổn định vĩ mô đối với tăng trưởng kinh tế cho rằng trong dài hạn vai trò của ổn định vĩ mô sẽ dần giảm đi nếu có sự thay đổi về thể chế. Như vậy kết quả nghiên cứu cho thấy lập luận về vai trò của ổn định vĩ mô đến với tăng trưởng cần mang tính thận trọng.