Quản lý côngTin chuyên ngành

Đặc điểm tự nhiên, kinh tế – xã hội của Lào

Đặc điểm tự nhiên, kinh tế – xã hội của Lào

Nước CHDCND Lào được giải phóng ngày 2 tháng 12 năm 1975. Là một quốc gia nằm trên bán đảo Đông Dương, thuộc khu vực Đông Nam Á, nằm sâu trong lục địa. Là mọt quốc gia nằm sâu trong lục địa, CHDCND Lào có đường biên giới chung dài 4.825 Km với 5 quốc gia trong khu vực: phía Bắc giáp Trung quốc, phía Tây Bắc giáp Myanma, phía Tây giáp với Thái Lan, phía Đông giáp với Việt Nam và phía Nam giáp với Campuchia.

Nước CHDCND Lào có diện tích: 236.800 km2. Theo số liệu thống kê năm 2015, dân số Lào là 6.368.481 người, gồm 49 bộ tộc. Hiện nay đất nước được chia thành 17 tỉnh và một thủ đô, có 148 huyện và 8.753 bản[99, tr 159].

Lào là một nước có địa hình đa dạng: có núi, có cao nguyên, có đồng bằng, có thung lũng nhưng không có lấy một thước bờ biển. Vì vậy, đất nước gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại trong mối quan hệ, trong việc giao thông với các nước khác. Tuy nhiên Lào có nhiều sông ngòi, suối rất quan trọng cho nông nghiệp. Các sông suối này cung cấp phù sa, nước tưới cho trồng trọt và thực phẩm cho nhân dân Lào. Sông chính là sông Mê Kông, là con sông lớn nhưng chưa được phát huy, chưa được sử dụng hết giá trị kinh tế của nó vì còn đang ở trạng thái hoang sơ. Trong tương lai những con sông ở Lào là nguồn cung cấp năng lượng thủy điện mạnh.

Về phát triển kinh tế-xã hội, sau khi thực hiện đường lối đổi mới và tổ chức triển khai nghị quyết đại hội IX của Đảng nhân dân Cách mạng Lào. CHDCND Lào đã giành được thắng lợi trên nhiều mặt như chính trị, văn hóa, kinh tế, giáo dục… Về chính trị đã giữ vững độc lập dân tộc, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ; ổn định về hệ thống chính trị và trật tự xã hội.

Trong lĩnh vực phát triển kinh tế xã hội có nhiều thành công, nhất là tốc độ tăng trưởng kinh tế 7,9 %, mức thu nhập bình quân đầu người 1.970 đôla/ năm[88, tr 4]. Kinh tế có sự ổn định; công tác xóa đói giảm nghèo của nhân dân gắn liền với việc xây dựng bản và cụm bản phát triển đạt được nhiều thành công, các hộ nghèo giảm xuống từ 20,4% trong năm 2010, chỉ còn lại không đến 10 % trong năm 2015. Chương trình xây dựng bản phát triển và sáp nhập bản được tổ chức một cách chủ động và đạt nhiều thành tích. Một số bản đã trở thành trung tâm phát triển kinh tế – xã hội và trở thành đô thị nhỏ ở nông thôn; quan trọng hơn là xuất hiện yếu tố mới trong quá trình làm ăn của nhân dân các bộ tộc ở các địa phương.

Về việc tổ chức thực hiện chính sách văn hóa – xã hội đạt nhiều thành tích; cải cách hệ thống giáo dục quốc gia có bước thành công nhất là trong việc tạo điều kiện, mở rộng mạng lưới giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục; hệ thống tạo nghề được tổ chức triển khai khắp nơi và đến các tỉnh; sự nghiệp giáo dục đã trở thành của quần chúng; hệ thống các trường học đã được triển khai đến vùng sâu vùng xa và các huyện nghèo; tỷ lệ đến trường của trẻ em từ 3-4 tuổi đạt 14,6% vượt kế hoạch; tỷ lệ đến trường của học sinh từ 6-10 tuổi tăng lên từ 84,2% trong năm 2006 đến 93% trong năm 2010. Trình độ học vấn của giáo viên liên tục được nâng cao; cơ sở đào tạo có số lượng tăng lên, chất lượng đa dạng, đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế xã hội.

Về y tế, chăm sóc sức khỏe đã được cải thiện, số lượng của đội ngũ bác sĩ, y tá ngày càng tăng; tạo điều kiện tốt trong quá trình dịch vụ y tế có chất lượng, thực hiện tốt chính sách chăm sóc sức khỏe, góp phần bảo vệ sức khỏe và tăng tuổi thọ của nhân dân. Hiện nay, tuổi thọ bình quân của nhân dân Lào là 64,7 năm (đối với nữ 66,7 năm, đối với nam 62,7 năm).

Về lao động, phúc lợi xã hội, phát triển tay nghề đã được tiến hành liên tục. Hiện nay (2015) có 163 trung tâm dạy nghề và phát triển tay nghề và đã đào tạo tay nghề cho 248.765 lao động; đã tìm kiếm việc làm cho 277.439 lao động; bảo đảm quyền lợi của người lao động và người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật.

Từ đặc điểm tự nhiên và phát triển kinh tế xã hội nêu trên đã tạo điều kiện tốt cho quá trình phát triển đất nước cũng như việc hoàn thiện bộ máy hành chính nhà nước CHDCND Lào đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và phù hợp với điều kiện khách quan của đất nước.

Đặc điểm tự nhiên, kinh tế – xã hội của Lào

Ngọc Thi

Tôi luôn muốn góp một phần nhỏ những kinh nghiệm của mình giúp các anh chị hoàn thành tốt luận án tiến sĩ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *