Kinh tếTin chuyên ngành

Vai trò, chức năng của một số Kết cấu hạ tầng thương mại chủ yếu

Vai trò, chức năng của một số Kết cấu hạ tầng thương mại chủ yếu

Như trên đã phân tích, trong dài hạn và ở Việt Nam, Kết cấu hạ tầng thương mại sẽ ngày càng phát triển đa dạng về loại hình. Tuy nhiên, do đặc điểm phân bố dân cư, do tập quán tiêu dùng và thu nhập của người dân, trên thị trường nội địa, dự báo loại hình Kết cấu hạ tầng thương mại chủ yếu đến năm 2025 vẫn là KCHTTM phục vụ bán lẻ (chợ, siêu thị và TTTM) và Kết cấu hạ tầng thương mại bán buôn (chủ yếu là chợ bán buôn, chợ đầu mối nông sản). Bên cạnh đó, không kém phần quan trọng là sự phát triển của TT logistics, một loại hình phục vụ đa dạng các hoạt động của ngành thương mại. Do vậy, phần sau đây phân tích vai trò và chức năng cơ bản các loại hình chủ yếu nói trên.

Vai trò, chức năng của chợ

Chợ được hiểu một cách thống nhất trong nhiều tài liệu khác nhau. Theo Đại từ điển tiếng Việt, chợ là nơi công cộng để đông người đến mua bán vào những ngày hoặc những buổi nhất định [29]; theo Từ điển tiếng Việt, chợ là nơi tụ họp giữa người mua và người bán để trao đổi hàng hóa, thực phẩm hàng ngày theo từng buổi hoặc từng phiên nhất định [67]. Với vai trò là loại hình Kết cấu hạ tầng thương mại phổ biến ở nước ta, chợ được hiểu là một công trình được hình thành và phát triển mang tính truyền thống, được tổ chức tại một địa điểm công cộng, tập trung đông người mua bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ với nhau, được hình thành do yêu cầu của sản xuất, lưu thông và đời sống tiêu dùng xã hội và hoạt động theo các chu kỳ thời gian nhất định. Nguồn cung và nguồn cầu, nhu cầu giao lưu, trao đổi hàng hóa và dịch vụ bằng tiền hoặc hiện vật đều được hiện hữu tại chợ. Nói cách khác, chợ là nơi tập trung hoạt động mua bán hàng hóa giữa người sản xuất, người buôn bán và người tiêu dùng.

Với những đặc điểm như trên, vai trò của chợ được thể hiện trong những mặt cơ bản sau đây:

Thứ nhất, về mặt kinh tế, chợ là kênh phân phối hàng hóa quan trọng. Hoạt động của các chợ làm tăng ý thức về kinh tế hàng hóa cho người dân, rõ nét nhất là ở miền núi, vùng cao, từ đó thúc đẩy sản xuất phát triển, góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo ở nông thôn, miền núi.

Đối với vùng nông thôn, chợ vừa là nơi tiêu thụ nông sản hàng hóa, tập trung thu gom các sản phẩm, hàng hóa phân tán, nhỏ lẻ để cung ứng cho các thị trường tiêu thụ lớn trong và ngoài nước, vừa là nơi cung ứng hàng công nghiệp tiêu dùng cho nông dân và một số loại vật tư cho sản xuất nông nghiệp.

Ở thành thị, chợ cũng là nơi cung cấp hàng hóa tiêu dùng, lương thực thực phẩm chủ yếu cho các khu vực dân cư.

Bên cạnh đó, dù không lớn song chợ cũng là một nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Phân theo loại chợ, bên cạnh chợ bán lẻ, vai trò của chợ bán buôn, chợ đầu mối là nguồn cung cấp thay thế cho các nhà bán lẻ độc lập, bảo đảm minh bạch về giá cả, thúc đẩy vệ sinh an toàn thực phẩm. Chợ đầu mối là chợ có vai trò chủ yếu thu hút, tập trung lượng hàng hóa lớn từ các nguồn sản xuất, kinh doanh của khu vực kính tế hoặc của ngành hàng để tiếp tục phân phối tới các chợ và các kênh lưu thông khác.

Thứ hai, về mặt xã hội, chợ là nơi tạo công ăn, việc làm và thu nhập cho một bộ phận không nhỏ dân cư trên địa bàn. Sự hình thành chợ kéo theo sự hình thành và phát triển các ngành nghề sản xuất. Đây cũng là tiền đề để tạo nên sự hội tụ, tập trung về nhân lực để làm ăn, buôn bán, qua đó tạo cơ hội cho việc hình thành các khu phố thương mại quanh chợ và không ít nơi trở thành đô thị sầm uất.

Thứ ba, chợ đóng vai trò giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, tạo nên nét riêng biệt cho vùng miền, địa phương.

Chợ là nơi phản ánh trình độ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, phong tục tập quán của một vùng dân cư. Tính văn hóa ở chợ được thể hiện rõ nhất là ở miền núi, vùng cao, vùng sâu, vùng xa và ở một số loại chợ đặc thù như chợ nổi, chợ đêm, …

Đối với chính quyền địa phương, mỗi chợ có vị trí quan trọng trong công tác tuyên truyền, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào ở rải rác và chợ là điểm/phiên chợ là dịp tụ tập đông người dân. Tại chợ có đại diện của các lứa tuổi, các dân tộc từ các thôn bản. Do vậy, đây là nơi rất hiệu quả để phổ biến chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của nhà nước, phổ biến cách làm ăn, kỹ thuật chăm sóc cây trồng vật nuôi, kiến thức thường thức về sức khỏe, vệ sinh, ….

Tóm lại, chợ có vai trò là nơi để mua (tiêu thụ) sản phẩm đầu ra, thu hồi vốn, bán (cung ứng) vật tư đầu vào, phản ánh tín hiệu của thị trường và nhu cầu của người tiêu dùng, chợ đóng vai trò định hướng cho sản xuất, thúc đẩy sản xuất và tái sản xuất không ngừng phát triển.

Đồng thời, chợ có vai trò là nơi để bán (cung ứng) hàng tiêu dùng cho cộng đồng cư dân, định hướng cho tiêu dùng, thúc đẩy tiêu dùng ngày càng phát triển cả về lượng và chất, về qui mô và trình độ, về chiều rộng và chiều sâu.

Với khái niệm và vai trò như trên, công năng (hay chức năng) của chợ là để thực hiện (hay cung cấp) một cách tập trung và trực tiếp các dịch vụ như: Mua, bán hàng hóa; hình thành giá cả thị trường của hàng hóa; kiểm soát chất lượng hàng hóa; tạo giá trị gia tăng cho hàng hóa; xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm, tiếp cận thị trường; các dịch vụ bổ sung, dịch vụ hỗ trợ kinh doanh khác.

Xem thêm: Khái niệm kết cấu hạ tầng thương mại

Vai trò và chức năng của siêu thị

Theo Từ điển Kinh tế thị trường, siêu thị là cửa hàng tự phục vụ bày bán nhiều mặt hàng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hàng ngày của người tiêu dùng như thực phẩm, đồ uống, dụng cụ gia đình và các loại vật dụng cần thiết khác [68]. Còn theo Từ điển Britannica, siêu thị là cửa hàng bán lẻ lớn hoạt động trên cơ sở tự phục vụ, bán hàng tạp hóa, sản phẩm tươi sống, thịt, bánh mì và các sản phẩm từ sữa, và đôi khi là một số mặt hàng phi thực phẩm [69]. Từ điển Bách khoa Toàn thư Việt Nam thì định nghĩa siêu thị là một loại cửa hàng tổng hợp bán lẻ với diện tích bán hàng quy mô lớn và nhiều ngành hàng khác nhau, được trang bị các phương tiện hiện đại để chuyển tải hàng, tổ chức di chuyển hàng và người trong phạm vi cửa hàng, thoả mãn việc thanh toán nhanh cho hàng nghìn lượt khách mua trong một giờ [73]. Như vậy, cũng như chợ, siêu thị là một loại hình nằm trong hệ thống phân phối bán lẻ, phục vụ nhu cầu tiêu dùng hàng ngày và có vai trò cầu nối sản xuất và tiêu dùng.

Tuy nhiên, siêu thị có những đặc trưng riêng là dạng cửa hàng, tự phục vụ và do một chủ sở hữu. Do vậy, siêu thị được nhìn nhận là một loại hình Kết cấu hạ tầng thương mại bán lẻ hiện đại, kết nối sản xuất và tiêu dùng một cách sâu sắc hơn ở nhiều khía cạnh so với loại hình chợ, thể hiện ở những điểm cơ bản trong vai trò của siêu thị như sau:

Thứ nhất, siêu thị có vai trò giải quyết sự khác biệt, không trùng khớp giữa sản xuất và tiêu dùng.

Với đặc thù của siêu thị là mua hàng hóa của nhiều nhà sản xuất và bán lại cho nhiều người tiêu dùng tại một địa điểm đã giúp giải quyết những khác biệt giữa yêu cầu sản xuất quy mô lớn (của doanh nghiệp) và nhu cầu tiêu dùng đa dạng, khối lượng nhỏ (của người tiêu dùng).

Siêu thị có hệ thống kho để dự trữ hàng hóa. Do vậy, siêu thị giải quyết được sự không trùng khớp về không gian và thời gian giữa sản xuất và tiêu dùng.

Thứ hai, siêu thị có vai trò định hướng nhu cầu của người tiêu dùng, tạo nhu cầu mới và dẫn dắt người sản xuất phù hợp với nhu cầu thực tế của thị trường.

Siêu thị cung cấp cho người tiêu dùng đúng chủng loại hàng hóa mà họ cần, đúng thời gian, tại một địa điểm và ở mức giá mà người tiêu dùng chấp nhận. Đồng thời, siêu thị có thể tác động tới việc tạo nhu cầu mới cho người tiêu dùng thông qua việc bổ sung những sản phẩm mới, tạo ra nhiều sự lựa chọn khác nhau …

Mặt khác, siêu thị có thể dẫn dắt người sản xuất định hướng vào nhu cầu thị trường. Qua quá trình phân phối hàng hóa, các siêu thị nắm bắt được nhu cầu thực tế của thị trường đối với sản phẩm hàng hóa về chất lượng, giá cả, thời gian và không gian … nên có thể truyền tải những thông tin cần thiết này cho những người sản xuất và cung ứng hàng hóa để có sự điều chỉnh phù hợp. Hơn thế nữa, khi nhu cầu của người tiêu dùng biến đổi, siêu thị có những thông tin phản hồi từ người tiêu dùng và truyền tải đến nhà sản xuất để đáp ứng những thay đổi đó.

Thứ ba, siêu thị đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu các tầng, nấc trung gian trong hệ thống phân phối, hình thành nên một hệ thống phân phối liên kết dọc vững chắc, giúp giảm thiểu thời gian, chi phí giao dịch và hạ giá thành, từ đó đảm bảo kinh doanh hiệu quả.

Thứ tư, vai trò bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của siêu thị ngày càng được khẳng định thông qua việc kiểm soát chất lượng hàng hóa và bình ổn giá cả trên thị trường. Theo đó, muốn hàng hóa được bày bán trong siêu thị, doanh nghiệp phải tuân thủ một số nguyên tắc chung mà hệ thống siêu thị đề ra.

Từ khái niệm và vai trò như trên, có thể thấy, siêu thị cũng có những chức năng chính tương tự như loại hình chợ. Tuy nhiên, siêu thị có mức phát triển cao hơn, với phương thức tự phục vụ, thanh toán tại quầy thu ngân, ở những cửa hàng có quy mô, trang thiết bị hiện đại, do thương nhân đầu tư và quản lý, được nhà nước cấp phép hoạt động. Do vậy, siêu thị cung ứng cho người tiêu dùng dịch vụ tốt hơn, giá cả niêm yết, hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

Xem thêm: Khái niệm kết cấu hạ tầng

Vai trò, chức năng của trung tâm thương mại

TTTM là một cụm từ để chỉ chung cho một số loại hình Kết cấu hạ tầng thương mại hiện đại. Trong đó, loại hình Department stores được định nghĩa là một toà nhà dành cho mục đích thương mại thuần tuý, được chia ra cho thuê với nhiều gian hàng và được quản lý bởi một đối tượng cụ thể. Trên thế giới, loại hình này phát triển vào đầu thế kỷ 20 phục vụ mục đích trưng bày những mặt hàng xa xỉ ở nơi công cộng nhưng vẫn đảm bảo sự kín đáo và sang trọng trong một toà nhà có không gian mở. Với mục đích này, department store thường hình thành tại khu trung tâm sầm uất, phục vụ nhu cầu mua sắm hàng hóa xa xỉ, đắt tiền của cư dân thành thị.

Bên cạnh đó, trên thế giới, thuật ngữ Shopping center/mall được sử dụng phổ biến để chỉ một loại hình Kết cấu hạ tầng thương mại bán lẻ tập trung, do chủ đầu tư xây dựng theo quy hoạch, trong đó bố trí nhiều loại hình bán kẻ, dịch vụ với cửa hàng chính/ cửa hàng hạt nhân là tâm điểm thu hút khách hàng. Loại hình này không chỉ đơn thuần là nơi mua hàng mà còn là nơi đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, thể thao, … của người tiêu dùng. Ngày nay, do loại hình này cần một diện tích rộng nên thường được phát triển ở khu vực xa trung tâm thành phố.

Từ những khái niệm như trên, có thể nhận thấy đây là loại hình KCHTTM bán lẻ hiện đại, quy mô lớn hơn so với siêu thị, gồm phức hợp các gian hàng, cửa hàng cho thuê bán lẻ độc lập. Hàng hóa thuộc sở hữu của công ty hoặc thương nhân thuê cửa hàng. Ngoài ra còn có các hạng mục công trình phục vụ các hoạt động thương mại, giải trí,…

Với đặc điểm như vậy, TTTM là loại hình Kết cấu hạ tầng thương mại đa chức năng, đó là chức năng cung cấp dịch vụ gồm cả bán lẻ hàng hóa và ăn uống, sức khỏe, thể thao, cho thuê văn phòng, chức năng kết nối kinh doanh, xúc tiến thương mại …

Vai trò, chức năng của Trung tâm logistics:

Hiện nay trên thế giới có nhiều định nghĩa về TT logistics, trong đó định nghĩa được thừa nhận rộng rãi nhất và tương đối hoàn chỉnh là của Hiệp hội Trung tâm Logistics châu Âu Europlatforms (European Association of Freight Villages), theo đó, “trung tâm logistics là một khu vực bao gồm mọi hoạt động liên quan đến vận tải, logistics và phân phối hàng hóa nội địa cũng như quốc tế, thực hiện bởi nhiều chủ thể khác nhau”. Các chủ thể này có thể là người chủ sở hữu hoặc là người thuê sử dụng các cơ sở vật chất và trang thiết bị của TT logistics [41]. Tại Việt Nam, Trung tâm logistics được hiểu là nơi trực tiếp cung cấp các dịch vụ logistics, được tổ chức thực hiện bởi các thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics. [70]

Các chức năng cơ bản của một TT logistics bao gồm [41]:

* Lưu kho bãi: Đây là chức năng truyền thống. Hàng hóa cần phải lưu kho theo các hình thức khác nhau. Tuy nhiên thực tế các TT logistics thường được thiết kế để tối thiểu hóa và thậm chí loại trừ dự trữ lưu kho.

* Xếp dỡ hàng: TT logistics được trang bị các thiết bị làm hàng hiện đại phục vụ cho hoạt động xếp dỡ hàng hóa.

* Gom hàng: Các lô hàng nhỏ được gom thành các lô hàng lớn phục vụ cho việc vận chuyển.Việc gom hàng có thể được nhà cung cấp dịch vụ TT logistics hoặc bên thứ ba thực hiện. Ưu điểm nổi bật của gom hàng là tiết kiệm chi phí vận tải.

            * Chia nhỏ hàng: Là hoạt động chia lô hàng lớn thành các lô hàng nhỏ hơn.

            * Phối hợp phân chia hàng: Hàng hóa được vận chuyển đến TT logistics từ nhiều nhà cung cấp khác nhau, sau đó được kết hợp lại để vận chuyển cho các khách hàng khác nhau. Phối hợp phân chia hàng gắn liền với hoạt động phân loại, phân chia hay trộn lẫn. Trong trường hợp này TT logistics không chỉ đóng vai trò là điểm lưu kho hàng mà còn là điểm chuyển giao hàng.

* Tạo ra giá trị logistics gia tăng: TT logistics còn là nơi tạo ra giá trị gia tăng logistics. Giá trị này thông thường được cung cấp bởi các công ty logistics tạo ra cho sản phẩm cuối cùng.

*Lưu trữ hàng tối ưu: là một trong những chức năng hiện đại của TT logistics. Đây là chức năng lưu trữ hàng hóa đến thời điểm muộn nhất có thể thời điểm hàng hóa phải giao ra thị trường hay phải giao cho khách hàng. Lưu trữ hàng hóa trong một khoảng thời gian nhất định dưới dạng nhất định, tại một nơi nào đó, tới một thời điểm nào đó có lợi nhất cho khách hàng, cho hoạt động sản xuất kinh doanh, cho toàn bộ chu chuyển dòng logistics.

Logistics ngược: Đây là một trong nhiều chức năng giá trị logistics gia tăng (VAL-Value Added Logistics) khi nhà sản xuất yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ logistics (LSP-Logistics Services Provider) thực hiện thu hồi các sản phẩm lỗi, các linh kiện phụ tùng lỗi. Các sản phẩm và linh kiện phụ tùng này sẽ được thu gom hay sửa chữa phục hồi theo yêu cầu của nhà sản xuất tại các trung tâm logistics.

* Chuyển tải: TT logistics cung cấp dịch vụ chuyển giao hàng hóa từ phương thức vận tải này sang phương thức vận tải khác. Dịch vụ này mang lại hiệu quả cao cho nhà vận tải, nhà phân phối, nâng cao hiệu quả hoạt động lưu kho phân phối hàng tồn kho, hàng dự trữ với mức chi phí tối thiểu cho đến thời điểm mang lại hiệu quả cao nhất cho khách hàng.

* Một số chức năng khác như: TT logistics là nơi thực hiện các thủ tục hải quan, thông quan, kiểm tra kiểm soát hàng hóa,… cũng như các chức năng quản lý nhà nước khác theo quy định đối với hoạt động logistics nội địa và hoạt động logistics quốc tế. TT logistics có thể đóng vai trò là depot cho các phương tiện vận tải, người điều khiển và quản lý phương tiện vận tải, duy tu, bảo dưỡng sửa chữa phương tiện vận tải, điều chỉnh lịch trình khai thác phương tiện và sử dụng thay thế hoán đổi nhân lực trong hoạt động vận tải, phân phối cho phù hợp. TT logistics cũng cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho khách hàng như ăn, nghỉ, dịch vụ tư vấn, dịch vụ tài chính–tín dụng, cho thuê văn phòng,… TT  logistics còn có thể cung cấp dịch vụ cho hoạt động bán lẻ các sản phẩm cuối cũng như các linh phụ kiện cho khách hàng cuối, mang lại lợi ích và hiệu quả sản xuất kinh doanh cho cả khách hàng cuối cũng như nhà sản xuất phân phối.

Với khái niệm và chức năng như trên, vai trò cơ bản của TT logistics là giảm thời gian luân chuyển của hàng hóa trong chuỗi cung ứng, giảm chi phí logistics, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics cũng như hoàn thiện chất lượng dịch vụ logistics.

Vai trò, chức năng của một số Kết cấu hạ tầng thương mại chủ yếu

Ngọc Thi

Tôi luôn muốn góp một phần nhỏ những kinh nghiệm của mình giúp các anh chị hoàn thành tốt luận án tiến sĩ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *