Tài Chính - Ngân HàngTin chuyên ngành

Những đặc trưng cơ bản của đại lý hải quan

Những đặc trưng cơ bản của đại lý hải quan

Với tư cách là trung gian thương mại, đại lý hải quan mang đầy đủ các đặc điểm của các đại lý thương mại thông thường. Bên cạnh đó, đại lý hải quan còn có những đặc trưng cơ bản sau:

Thứ nhất, đại lý hải quan là doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện.

Đại lý hải quan là một doanh nghiệp kinh doanh bởi đại lý hải quan thực hiện dịch vụ đại lý hải quan nhằm mục đích mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp. Nói đại lý hải quan là doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện là do có các quy định của pháp luật về điều kiện hành nghề của đại lý hải quan. Các điều kiện đó bao gồm: điều kiện về pháp lý (trình tự đăng ký kinh doanh, giấy phép hoạt động của đại lý hải quan, chứng chỉ hành nghề của nhân viên đại lý hải quan…), điều kiện về nhân lực (có nhân viên được cấp chứng chỉ hành nghề đại lý hải quan), điều kiện về vật lực (cơ sở hạ tầng), điều kiện về nguồn lực tài chính (vốn tối thiểu hoặc tiền đặt cọc, bảo lãnh), điều kiện về phương tiện, kỹ thuật quản lý, điều kiện về lưu giữ sổ sách, hệ thống chứng từ, kế toán… Cùng với các điều kiện của đại lý hải quan là những điều kiện mang tính nhà nghề của nhân viên đại lý hải quan – người trực tiếp thực hiện hành vi làm thủ tục hải quan cho từng lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu. Đó là các điều kiện về thể chất, tư chất; điều kiện về năng lực pháp luật và năng lực hành vi; điều kiện về bằng cấp, trình độ chuyên môn; điều kiện về kinh nghiệm công tác…

Với tư cách là một loại hình kinh doanh có điều kiện, trình tự và thủ tục đăng ký xin cấp phép đại lý hải quan cũng được quy định chặt chẽ hơn, thẩm định kỹ càng hơn. Chẳng hạn, theo Luật khai thuê hải quan của Nhật Bản, một tổ chức kinh doanh muốn thực hiện dịch vụ đại lý hải quan phải có giấy phép của Tổng cục Hải quan. Sau khi doanh nghiệp có đơn đề nghị, Tổng cục Hải quan Nhật Bản sẽ tiến hành kiểm tra một số điều kiện như thế mạnh, uy tín, khả năng thực hiện các hoạt động dịch vụ đại lý hải quan, tính cần thiết và khối lượng công việc liên quan để tiến hành cấp phép. Nhân viên của đại lý hải quan muốn được hành nghề dịch vụ đại lý hải quan phải trải qua kỳ thi tuyển quốc gia do Hải quan Nhật Bản tổ chức và cấp chứng chỉ [62], [80].

Theo pháp luật Hải quan của Hoa Kỳ, các hiệp hội, tổ chức muốn được cấp phép làm đại lý hải quan phải có ngành nghề kinh doanh liên quan đến lĩnh vực hải quan và có ít nhất một nhân viên thuộc tổ chức đó trực tiếp làm dịch vụ đại lý hải quan. Nhân viên đại lý hải quan phải là công dân Hoa Kỳ, tuổi từ 21 trở lên, phải trải qua một bài kiểm tra viết đạt từ 75% trở lên về các kiến thức luật, các quy định liên quan đến hải quan, kế toán, lưu giữ sổ sách và các vấn đề khác liên quan đến hoạt động XNK do cơ quan Hải quan Hoa Kỳ tổ chức [84].

Theo quy định của pháp luật Hải quan Việt Nam, doanh nghiệp muốn kinh doanh dịch vụ đại lý hải quan phải lập hồ sơ đề nghị công nhận đủ điều kiện làm đại lý hải quan gửi Tổng cục Hải quan. Những người làm việc tại đại lý hải quan có trình độ cao đẳng kinh tế, luật, kỹ thuật trở lên, sau khi tham gia kỳ thi cấp Chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan do Tổng cục Hải quan tổ chức, được cấp Chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan và được đại lý hải quan đề nghị sẽ được Tổng cục Hải quan cấp mã số nhân viên đại lý hải quan. Mã số nhân viên được ghi trên Thẻ nhân viên đại lý hải quan và được sử dụng trong thời gian hành nghề khai hải quan của nhân viên đại lý hải quan. [10], [53].

Thứ hai, đại lý hải quan là “người” cung ứng dịch vụ thương mại trong lĩnh vực XNK hàng hóa.

Đại lý hải quan là một loại hình dịch vụ đặc thù gắn liền với hoạt động XNK hàng hóa, vì vậy, hoạt động đại lý hải quan cũng chỉ phát sinh trực tiếp hoặc liên quan đến hoạt động XNK, trong đó chủ thể của hoạt động này là chủ hàng hóa XNK và đại lý hải quan. Hoạt động đại lý hải quan cũng giống như các hoạt động cung ứng dịch vụ thương mại khác, theo đó quá trình phát sinh, thay đổi và chấm dứt hoạt động được tuân thủ và áp dụng theo luật Thương mại quốc gia. Bên cạnh đó, đại lý hải quan có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của người làm dịch vụ được quy định trong Luật Thương mại, cụ thể có quyền ký hợp đồng với chủ hàng, được hưởng thù lao do chủ hàng thanh toán cũng như phải chịu sự kiểm tra, giám sát của chủ hàng trong phạm vi trách nhiệm của mình.

Hoạt động đại lý hải quan phát sinh sau khi chủ hàng và đại lý hải quan thỏa thuận, ký kết hợp đồng đại lý. Thông qua hợp đồng này, các bên thỏa thuận, giao kết các quyền, nghĩa vụ và công việc phải làm của mỗi bên trên cơ sở tuân thủ pháp luật. Để thực hiện các công việc được ủy quyền đã thỏa thuận trong hợp đồng, đại lý hải quan có quyền yêu cầu chủ hàng cung cấp đầy đủ, chính xác các chứng từ và thông tin cần thiết cho việc làm thủ tục hải quan của từng lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu. Đại lý hải quan có nghĩa vụ thực hiện các công việc liên quan đến thủ tục hải quan như đã thỏa thuận trong hợp đồng đại lý; đồng thời phải chịu trách nhiệm trước pháp luật trong trường hợp thực hiện không đúng những công việc được ủy quyền, không khai đúng những thông tin và chứng từ liên quan đến lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu do chủ hàng cung cấp.

Điều này đã thể hiện rõ đặc trưng của đại lý hải quan là một đại lý cung ứng dịch vụ thương mại mang tính chuyên nghiệp, nhà nghề, hoạt động trên nguyên tắc đại diện, chịu trách nhiệm trước pháp luật trong phạm vi được ủy quyền.

Thứ ba, đại lý hải quan hoạt động với tư cách là người khai hải quan.

Đại lý hải quan thay mặt chủ hàng thực hiện việc khai hải quan và một số công việc liên quan đến thủ tục hải quan, khi đó đại lý hải quan được coi như hoạt động với tư cách là người khai hải quan. Người khai hải quan là người cung cấp thông tin, dữ liệu cho cơ quan hải quan về đối tượng đang làm thủ tục hải quan. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, người khai hải quan bao gồm: chủ hàng hóa; chủ phương tiện vận tải; người điều khiển phương tiện vận tải; đại lý hải quan, người khác được chủ hàng hóa, chủ phương tiện vận tải ủy quyền thực hiện thủ tục hải quan [53, Điều 4, Khoản 14]. Đại lý hải quan, với tư cách là người khai hải quan, thay mặt chủ hàng thực hiện một số công việc liên quan đến thủ tục hải quan như: khai hải quan; nộp hoặc xuất trình bộ hồ sơ hải quan có liên quan đến lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu; thực hiện toàn bộ hoặc một phần các công việc liên quan đến thủ tục hải quan theo thỏa thuận trong hoạt động ký với chủ hàng, gồm: xuất trình hàng hóa để cơ quan hải quan kiểm tra theo quy định của pháp luật; vận chuyển, làm thủ tục hải quan đưa vào, đưa ra khu vực giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; cung cấp dịch vụ tư vấn về thủ tục hải quan và quản lý thuế cho chủ hàng; nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật; thực hiện thủ tục miễn thuế, xét miễn thuế, hoàn thuế, xét hoàn thuế, giảm thuế, xét giảm thuế, không thu thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; thực hiện các quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan hải quan;…

Bên cạnh đó, đại lý hải quan cũng có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của người khai hải quan theo quy định của pháp luật. Chẳng hạn, theo quy định của pháp luật Hải quan Việt Nam, đại lý hải quan có quyền yêu cầu cơ quan hải quan
hướng dẫn về thủ tục hải quan, thủ tục thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, kỹ thuật trong việc kết nối mạng với cơ quan hải quan, cung cấp các quy định mới của pháp luật về hải quan và tham dự các lớp tập huấn, bồi dưỡng pháp luật về hải quan; yêu cầu cơ quan hải quan kiểm tra lại thực tế hàng hóa đã kiểm tra, nếu không đồng ý với quyết định của cơ quan hải quan trong trường hợp hàng hóa chưa được thông quan; sử dụng hồ sơ hải quan để thông quan hàng hóa, vận chuyển hàng hóa, thực hiện các thủ tục có liên quan với các cơ quan khác theo quy định của pháp luật; khiếu nại, tố cáo hành vi trái pháp luật của cơ quan hải quan, công chức hải quan; yêu cầu bồi thường thiệt hại do cơ quan hải quan, công chức hải quan gây ra… Đại lý hải quan cũng có các nghĩa vụ như: khai hải quan và làm thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật hải quan; cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin, tài liệu liên quan đến chủ hàng hoặc các lô hàng do đại lý hải quan đứng tên trên tờ khai hải quan theo yêu cầu của cơ quan
hải quan; chịu trách nhiệm trước pháp luật về sự xác thực của nội dung đã kha  và các chứng từ đã nộp, xuất trình; thực hiện quyết định và yêu cầu của cơ quan hải quan trong việc làm thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan; nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm thực hiện các quyết định kiểm tra, thanh tra thuế của cơ quan hải quan.

Thứ tư, đại lý hải quan thay mặt cơ quan Hải quan thực hiện một số hành vi quản lý nhà nước về hải quan đối với chủ hàng.

Thực tiễn hoạt động đại lý hải quan ở các nước trên thế giới cho thấy, hầu hết hàng hóa XNK đều làm thủ tục hải quan thông qua đại lý hải quan. Đại lý hải quan được coi là đối tác của cơ quan hải quan nhằm giúp cơ quan hải quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tránh gian lận thương mại. Cụ thể, đại lý hải quan được cơ quan hải quan ủy quyền thay mặt cơ quan hải quan thực hiện một số hành vi quản lý nhà nước về hải quan đối với chủ hàng, như yêu cầu chủ hàng cung cấp đầy đủ, chính xác các chứng từ, thông tin cần thiết cho việc làm thủ tục hải quan của lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu; kiểm tra bộ hồ sơ hải quan; lưu giữ một số chứng từ thuộc hồsơ hải quan đối với trường hợp hàng hóa được thông quan trước; nộp hồ sơ hải quan sau; lưu giữ hồ sơ phục vụ cho công tác kiểm tra sau thông quan… Với tư cách này, đại lý hải quan giúp cơ quan hải quan quản lý doanh nghiệp, hướng dẫn, kiểm tra doanh nghiệp tuân thủ pháp luật hải quan, làm cho môi trường hải quan trong sạch, minh bạch hơn. Do đó, đại lý hải quan được ví như “cánh tay nối dài” của cơ quan hải quan.

Thứ năm, đại lý hải quan chịu sự giám sát và quản lý của cơ quan hải quan.

Pháp luật và thực tiễn hoạt động quản lý đại lý hải quan ở các nước trên thế giới cho thấy, cơ quan hải quan là đơn vị giám sát, quản lý hoạt động của các đại lý hải quan. Cơ quan hải quan quản lý hoạt động của các đại lý hải quan thông qua quản lý việc đăng ký, công nhận đại lý hải quan, quản lý việc cấp hoặc trực tiếp cấp thẻ nhân viên đại lý, tổ chức thi chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan.

Trong quá trình giám sát hoạt động của các đại lý hải quan, cơ quan hải quan có thể tổ chức khen thưởng đối với các đại lý hải quan chấp hành tốt, có thành tích tốt trong việc thực hiện pháp luật hải quan cũng như có quyền quyết định việc tạm dừng hoặc chấm dứt hoạt động của đại lý hải quan khi đại lý hải quan đó có hành vi vi phạm các quy định của pháp luật hải quan.

Như vậy, với những đặc trưng cơ bản trên có thể thấy, đại lý hải quan là doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện, hoạt động trong lĩnh vực XNK hàng hóa với tư cách là người khai hải quan. Hoạt động của đại lý hải quan chịu sự điều chỉnh của pháp luật với những quy định cụ thể mang tính chuyên nghiệp, nhà nghề. Hoạt động đại lý hải quan là một hoạt động kinh tế, vì vậy nhất thiết phải có sự quản lý của cơ quan quản lý nhà nước. Cơ quan hải quan thay mặt Nhà nước thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hải quan đối với đại lý hải quan. Quản lý đại lý hải quan bao gồm quản lý đại lý hải quan và quản lý hoạt động của đại lý hải quan.

Những đặc trưng cơ bản của đại lý hải quan

Ngọc Thi

Tôi luôn muốn góp một phần nhỏ những kinh nghiệm của mình giúp các anh chị hoàn thành tốt luận án tiến sĩ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *