Kinh tếTin chuyên ngành

Kinh nghiệm phòng, chống rửa tiền của một số quốc gia trên thế giới

Kinh nghiệm phòng, chống rửa tiền của một số quốc gia trên thế giới

3.1. Kinh nghiệm phòng, chống rửa tiền của Mỹ

Mỹ là một quốc gia có nền kinh tế phát triển nhất trên thế giới, bên cạnh đó nước Mỹ cũng là một nước có hệ thống luật pháp hoàn chỉnh, mọi cá nhân, tổ chức đều phải tuân thủ các quy định của pháp luật, hệ thống pháp luật về phòng, chống rửa tiền là một trong những ví dụ ấy. Ở Mỹ, luật pháp về phòng, chống rửa tiền được xây dựng rất chặt chẽ, theo đó các định chế tài chính và nhân viên của họ đều phải tuân thủ nghiêm ngặt. Ngay từ những năm 1970, nước Mỹ đã ban hành Luật Bí mật ngân hàng (BSA) và các quy tắc. Đây là một đạo luật được các chuyên gia về luật đánh giá rất cao, mục đích của bộ luật này được xây dựng nhằm tạo hành lang pháp lý để điều tra tội phạm rửa tiền, trốn thuế, buôn lậu… Về cơ bản, luật phòng, chống rửa tiền ở Mỹ quy định một số nội dung cơ bản sau:

Thứ nhất, các tổ chức tài chính phải báo cáo cho cơ quan có thẩm quyền và phải lưu giữ tất cả các chứng từ liên quan đến giao dịch trên 10.000 USD. Sau này luật được sửa đổi, cho phép các cơ quan chức năng có thể hạ thấp mức chuẩn 10.000 USD trong các cuộc điều tra nếu thấy cần thiết [2].

Thứ hai, luật phòng, chống rửa tiền tại Mỹ quy định cụ thể nghĩa vụ của các cá nhân và tổ chức, trường hợp cá nhân hoặc tổ chức khi phát hiện các đối tượng tham gia vào bất kỳ hoạt động rửa tiền nào phải báo cáo cho cơ quan có thẩm quyền. Đây là một trong những căn cứ để tịch thu, sung quỹ tiền và tài sản có liên quan đến hoạt động rửa tiền của các đối tượng phạm tội.

Thứ ba, trường hợp các cá nhân không tuân thủ những quy tắc và luật lệ liên quan đến hoạt động phòng, chống rửa tiền thì có thể xử lý về mặt dân sự, hoặc hình sự, tùy vào mức độ vi phạm nặng hay nhẹ làm căn cứ xử lý. Về mặt dân sự, người vi phạm sẽ bị phạt nặng, số tiền phạt có thể lên đến 250.000 USD. Về mặt hình sự có thể phạt tù đến 5 năm tù giam. Hoặc cả hai hình thức [2].

Thứ tư, các nhân viên ngân hàng phải tuân thủ Luật Bí mật ngân hàng. Trong trường hợp cố tình vi phạm những quy định về báo cáo và lưu giữ chứng từ của BSA, nhân viên ngân hàng có thể bị phạt tới 100.000 USD.

Thứ năm, căn cứ tình hình thực tế trong từng thời kỳ, các quy định về phòng, chống rửa tiền tại Mỹ được chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp với những thay đổi của tội phạm rửa tiền.

3.2. Kinh nghiệm phòng, chống rửa tiền của Anh

Thấy được tầm quan trọng của việc phòng, chống rửa tiền, ngay vào cuối những năm 1990, nước Anh đã ban hành nhiền văn bản hướng dẫn cho hệ thống ngân hàng về phòng, chống rửa tiền. Ngoài ra, nước Anh còn ban hành khá nhiều các quy định cũng như luật lệ khác liên quan đến phòng, chống rửa tiền. Chẳng hạn Luật Chống buôn bán ma túy năm 1986 cho phép cảnh sát có quyền điều tra những tài sản đáng ngờ có liên quan đến ma túy, phong tỏa và khi có chứng cứ sẽ tịch thu những tài sản này. Luật Phòng, chống khủng bố năm 1987 quy định sẽ kết tội những người sử dụng hoặc sở hữu quỹ khủng bố. Luật Hình sự (Hợp tác quốc tế) năm 1990 cho phép kết tội những người che giấu, biển thủ, chuyển nhượng hoặc vận chuyển những tài sản hoặc giúp đỡ người khác làm việc đó khi biết hoặc nghi ngờ những tài sản do phạm tội buôn bán ma túy mà có. Luật Hình sự năm 1993 mở rộng quyền lực của tòa án trong việc kết tội rửa tiền như một tội phạm hình sự. Các quy định phòng, chống rửa tiền tại Anh có một số điểm chính sau:

Thứ nhất, hướng dẫn cách thức xác nhận thông tin cá nhân, trong đó hộ chiếu là một trong những hình thức được ưu tiên, ngoài ra các hình thức khác cũng được chấp nhận như thẻ nhân viên, bằng lái xe.

Thứ hai, ngân hàng phải đích thân nhận dạng tất cả các khách hàng bằng mọi cách có thể, kể cả gặp mặt trực tiếp. Các ngân hàng đều phải lưu giữ tất cả chứng từ giao dịch, thời gian lưu giữ tối thiểu là 6 năm, đây là một trong những căn cứ để phục vụ công tác điều tra khi các đối tượng bị phát hiện có dấu hiệu rửa tiền.

Thứ ba, trường hợp các tổ chức và cá nhân không tuân theo những hướng dẫn của luật và quy định về phòng, chống rửa tiền sẽ dẫn tới những trách nhiệm pháp lý. Trường hợp nhân viên vi phạm những quy định về sự bảo mật của khách hàng thì phải chịu trách nhiệm pháp lý dân sự theo quy định của luật pháp.

Thứ tư, các nhân viên của các định chế tài chính phải có nghĩa vụ hợp tác toàn diện với các cơ quan pháp luật và phải có nghĩa vụ thông báo trước cho các cơ quan có thẩm quyền tất cả các giao dịch đáng ngờ. Bên cạnh đó, các ngân hàng là chủ thể chính, các tổ chức tài chính khác như các công ty bảo hiểm, tổ chức môi giới cũng phải tuân thủ theo hướng dẫn này.

Thứ năm, luật pháp nước Anh cho phép cảnh sát có quyền điều tra những tài sản nghi ngờ có liên quan đến hoạt động mua bán ma túy và có quyền phong tỏa, nếu có chứng cứ sẽ tịch thu những tài sản bất hợp pháp này.

Thứ sáu, có quyền kết tội những người cố tình che giấu, biển thủ, chuyển nhượng hoặc vận chuyển tài sản, hoặc giúp đỡ người khác làm việc đó khi biết hoặc nghi ngờ những tài sản do phạm tội buôn bán ma túy mà có, coi tội rửa tiền như tội phạm hình sự.

Thứ bảy, hệ thống lưu trữ chứng từ luôn được nghiên cứu để cải thiện một cách tốt nhất, có những giải pháp để ngăn chặn kịp thời những hành động đáng ngờ. Các ngân hàng xây dựng kế hoạch và thực hiện tập huấn để nhân viên tuân thủ các luật lệ một cách chủ động và có thể nhận biết, báo cáo các hành động rửa tiền cho các cơ quan chức năng [2-3].

3.3. Kinh nghiệm phòng, chống rửa tiền của Úc

Thứ nhất, luật pháp Úc quy định cụ thể bất kỳ giao dịch tiền tệ nào tương đương hoặc lớn hơn 10.000 USD đều phải báo cáo các cơ quan có thẩm quyền.

Thứ hai, các giao dịch không phải báo cáo bằng cách thủ công mà được truyền tự động đến cơ quan giao dịch tiền tệ của quốc gia.

Thứ ba, tại Úc, luật chống rửa tiền quy định cụ thể nghĩa vụ của mỗi tổ chức, cá nhân. Trường hợp phát hiện có sự tham gia vào bất kỳ hoạt động rửa tiền nào các tổ chức, cá nhân phải báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trường hợp xác định là giao dịch rửa tiền thì coi đây là căn cứ để tịch thu, sung công quỹ tiền và tài sản liên quan đến hoạt động rửa tiền.

Thứ tư, trường hợp các cá nhân của các tổ chức tín dụng không tuân thủ những quy định về luật liên quan đến hoạt động phòng, chống rửa tiền sẽ bị xử lý theo quy định và có thể phải xử lý hình sự.

3.4. Kinh nghiệm phòng, chống rửa tiền của Singapore

Singapore là quốc gia có hệ thống luật pháp hoàn chỉnh và nghiêm ngặt bậc nhất khu vực Đông Nam Á. Do đó tỷ lệ tội phạm, trong đó tội phạm liên quan đến hoạt động rửa tiền, được xếp vào những nước thấp nhất trên thế giới. Ở Singapore, hành vi rửa tiền xuất hiện chủ yếu từ các yếu tố nước ngoài. Dưới đây là kinh nghiệm phòng, chống rửa tiền của quốc gia Đông Nam Á này [3-4].

Thứ nhất, xây dựng khung pháp lý khá đầy đủ và toàn diện để chống lại hoạt động rửa tiền và tài trợ cho khủng bố. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng bắt buộc các tổ chức và cá nhân phải tuân thủ.

Thứ hai, tăng cường giám sát các tổ chức tài chính nhằm phòng, chống hành vi rửa tiền và các hoạt động tài chính bất hợp pháp khác. Các ngân hàng thương mại phải bố trí quản lý cấp cao, có trình độ chuyên môn, có kinh nghiệm vào vị trí giám sát rủi ro nhằm đảm bảo thực thi đầy đủ và nghiêm ngặt các quy định về phòng, chống rửa tiền.

Thứ ba, xây dựng cơ chế ràng buộc từ cung cấp xử lý các thông tin, xử lý các tình huống, từ đó giúp các cơ quan của chính phủ có thể chế phối hợp chặt chẽ với nhau để phòng, chống rửa tiền từ các loại tội phạm; phân bố các nguồn lực trên cơ sở nhạy cảm với rủi ro.

Thứ tư, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao sự hiểu biết của khu vực tư nhân về các rủi ro về rửa tiền và tài trợ khủng bố, thúc đẩy một nền văn hóa tuân thủ.

Thứ năm, hành động quyết liệt để ngăn cản hành vi rửa tiền và ngăn chặn khủng bố bao gồm cả hành vi tội phạm nước ngoài. Làm gián đoạn việc buôn bán ma túy và các hành vi phạm tội nghiêm trọng khác để ngăn chặn sớm quá trình rửa tiền.

Thứ sáu, cung cấp hỗ trợ pháp lý các thông tin về rửa tiền qua các kênh chính thức và phi chính thức, kể cả chia sẻ thông tin tình báo.

Thứ bảy, thực hiện nghiêm chỉnh các tiêu chuẩn quốc tế về các quy định về phòng, chống rửa tiền, đặc biệt là khuyến nghị của Lực lượng Đặc nhiệm Tài chính quốc tế FATF (Financial Action Task Force).

Kinh nghiệm phòng, chống rửa tiền của một số quốc gia trên thế giới

Ngọc Thi

Tôi luôn muốn góp một phần nhỏ những kinh nghiệm của mình giúp các anh chị hoàn thành tốt luận án tiến sĩ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *