Tài Chính - Ngân HàngTin chuyên ngành

Hệ thống phân phối điện tử

Hệ thống phân phối điện tử

1. ATM (Automatic Teller Machine) – Máy rút tiền tự động.

Dạng thức phổ biến nhất của dịch vụ E- banking chính là ATM. Máy rút tiền tự động ATM đầu tiên do Shepherd- Barron chế tạo và được phát triển mạnh từ những năm 70-80 của thế kỷ trước. Đến nay, nó trở thành một hệ thống hoàn chỉnh và là kênh phân phối điện tử không thể thiếu trong hoạt động kinh doanh ngân hàng.

Máy ATM bao gồm một cổng kết nối máy tính, một hệ thống lưu giữ thông tin và tiền mặt, cho phép khách hàng truy cập vào tài khoản thanh toán của mình bằng một tấm thẻ nhựa trong đó chứa mã số nhận dạng cá nhân (PIN) hay bằng việc nhập mã số đặc biệt để vào máy tính thanh toán được nối mạng với hệ thống máy tính hoạt động 24/24 giờ của ngân hàng.

Mỗi lần truy cập vào hệ thống máy tính của ngân hàng, việc rút tiền có thể được thực hiện tới một giới hạn tối đa nhất định. Hạn mức này có thể thay đổi tùy theo mối quan hệ giữa khách hàng với ngân hàng. Ngoài ra, khách hàng còn có thể yêu cầu máy ATM đưa ra các thông tin khác như số dư tiền gửi, lịch sử giao dịch, cân đối tài khoản…Những máy ATM hiện đại còn có thêm nhiều chức năng giá trị gia tăng nữa, như gửi tiền, chuyển đổi ngoại tệ, và còn có thể coi như là một quầy giao dịch 24h/7.

Thông qua việc thực hiện giao dịch bằng máy ATM, ngân hàng sẽ giảm được chi phí in ấn các loại giấy tờ; tạo cở sở mở rộng hoạt động ngân hàng; đáp ứng nhu cầu thuận tiện cho khách hàng, tạo ưu thế cạnh tranh, tăng hình ảnh của ngân hàng; đồng thời giảm lưu lượng tiền mặt được sử dụng. Tuy nhiên, điều này cũng đi kèm với việc tăng chi phí cho việc lắp đặt, vận hành và bảo dưỡng; đe dọa sự an toàn trong kinh doanh, bởi loại hình này mang theo nó những rủi ro đặc trưng mà sẽ được để cập cụ thể hơn trong phần sau. Ngoài ra, mối quan hệ trực tiếp với giữa khách hàng và ngân hàng cũng có thể bị hạn chế, bởi khách hàng thay vì đến giao dịch, tiếp xúc tại ngân hàng, giờ đây sẽ đến các điểm rút tiền tự động.

2. EFTPOS (Electronic Funds Transfer at Point of Sale) – Máy thanh toán tại điểm bán hàng.

EFTPOS hay còn gọi là dịch vụ chuyển tiền điện tử tại điểm bán hàng. Số tiền phải trả cho hàng hoá sẽ được chuyển bằng công nghệ điện tử tại điểm bán hàng từ ngân hàng của người mua sang ngân hàng của người bán bằng cách đưa thẻ trượt qua máy đọc thẻ – thực chất là một thiết bị đọc có thể đọc được các thông tin được mã hoá trên dải từ nằm ở mặt sau thẻ.

Thiết bị đọc thẻ này cho phép các thông tin của chủ thẻ được chuyển qua đường điện thoại tới một Tổng đài Trung tâm. Các thông tin trên thẻ được mã hoá để đảm bảo an toàn. Tổng đài Trung tâm lựa chọn đúng ngân hàng và gửi các thông tin trên thẻ đến bộ xử lý tại ngân hàng của chủ thẻ để kiểm tra các thông tin sau:

  • Số thẻ
  • Thẻ đã được báo mất bao giờ chưa ?
  • Ngày hết hạn của thẻ
  • Tổng số tiền phải thanh toán
  • Có đủ tiền trên tài khoản của khách hàng không ?
  • Mã số nhận diện người bán
  • Số thiết bị thanh toán của người bán

Nếu kết quả kiểm tra các thông tin cho thấy thẻ có giá trị thanh toán, bộ xử lý của ngân hàng người mua sẽ gửi số cấp phép đã được mã hoá tới Tổng đài Trung tâm và từ đây sẽ gửi thông báo tới cửa hàng. Máy cà thẻ tại cửa hàng sẽ in ra một giấy biên nhận trên đó có số cấp phép. Khách hàng ký tên lên trên giấy biên nhận và sau đó có thể mang hàng đi. Đồng thời Tổng đài Trung tâm sẽ chuyển tổng số tiền hàng tới ngân hàng của người bán. Nếu không lấy được số cấp phép thì người mua sẽ phải thanh toán hàng hoá bằng một phương thức khác. Tài khoản tiền gửi của khách hàng sẽ được tự động ghi Nợ, và tài khoản của người bán sẽ được ghi Có tương ứng.

Lợi ích của hình thức này ngoài việc giảm tối thiếu tiền mặt lưu thống. hệ thống này còn giảm việc sử dụng các loại hóa đơn, chứng từ cho ngân hàng, qua đó giúp nhân hàng tiết kiệm chi phí giao dịch, chi phí sổ sách giấy tờ,…

3. Dịch vụ ngân hàng qua điện thoại (Telephone- banking).

Trong phương thức giao dịch ngân hàng truyền thống, khách hàng khi cần thông tin về tài khoản của mình cũng như các thông tin khác về dịch vụ ngân hàng đều phải trực tiếp tới ngân hàng vào giờ giao dịch. Điều này thực sự tốn rất nhiều thời gian của khách hàng, nhất là những khách hàng ở xa hoặc không có điều kiện đến giao dịch trực tiếp. Thậm chí chỉ vì thiếu thông tin cập nhật về tỷ giá hối đoái hay lãi suất vay, nhiều doanh nghiệp bị tuột mất những cơ hội kinh doanh tốt hay dẫn đến các quyết định kinh doanh sai lầm. Sự ra đời của dịch vụ Telephone banking đã thực sự giải thoát cho các khách hàng nói chung và các doanh nghiệp nói riêng khỏi các vướng mắc trên.

  1. Telephone baking là gì?

Telephone banking là một tiện ích ngân hàng mà khi sử dụng nó khách hàng chỉ cần dùng hệ thống điện thoại thông thường. Với dịch vụ này, khách hàng có thể mọi lúc mọi nơi, dùng điện thoại cố định hay di động đều có thể nghe được các thông tin về sản phẩm dịch vụ ngân hàng, thông tin tài khoản của mình và thậm chí có thể thực hiện được một số loại giao dịch. Đây là hệ thống trả lời tự động, hoạt động 24/24 giờ trong ngày, 7 ngày trong một tuần, 365 ngày trong một năm nên khách hàng hoàn toàn chủ động sử dụng khi cần thiết.

  1. Những tiện ích của Telephone banking.

Khi sử dụng Telephone banking, khách hàng có thể:

  • Truy vấn thông tin chung:
    • Lãi suất huy động tiền gửi.
    • Tỷ giá hối đoái (vàng và ngoại tệ).
    • Các điểm giao dịch của ngân hàng trên toàn quốc.
    • Thông tin địa chỉ các điểm ATM của ngân hàng.
    • Mở tài khoản mới.
    • Biểu phí dịch vụ.
    • Fax các thông tin tài khoản, lịch sử giao dịch.
    • Các chương trình khuyến mãi của ngân hàng.
    • Các sản phẩm mới của ngân hàng.
  • Truy vấn thông tin riêng.
    • Số dư tài khoản tiền gửi thanh toán.
    • Số dư khoản tiền vay.
    • Thông tin 05 giao dịch phát sinh gần nhất trên tài khoản tiền gửi thanh toán, tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn, tài khoản tiền vay mà khách hàng sở hữu.
    • Yêu cầu nhận bản kê giao dịch (sổ phụ) tài khoản tiền gửi không kỳ hạn qua mail, fax.
    • Thay đổi mật khẩu Phone banking.

Ngoài ra, các khách hàng chưa có tài khoản hoặc chưa sử dụng dịch vụ của ngân hàng cũng có thể sử dụng Telephone banking để nghe giới thiệu về các dịch vụ ngân hàng, thông tin về tỷ giá hối đoái, lãi suất tiết kiệm, lãi suất vay.

  1. Chi phí sử dụng.

Telephone banking banking là một trong những dịch vụ ngân hàng đem lại nhiều tiện ích cho người sử dụng với chi phí thấp nhất. Để sử dụng dịch vụ này, khách hàng không cần mua thêm một thiết bị đặc biệt nào mà chỉ cần dùng hệ thống điện thoại thông thường. Hầu hết các ngân hàng cung cấp dịch vụ này miễn phí, khách hàng chỉ phải trả cước phí điện thoại cho bưu điện. Tuy nhiên nếu khách hàng sử dụng dịch vụ fax của Telephone banking sẽ phải tính theo biểu phí cụ thể của ngân hàng.

Với hệ thống Telephone banking, khách hàng sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian, không cần đến ngân hàng vẫn giám sát được các giao dịch phát sinh trên tài khoản của mình bất kỳ lúc, mọi nơi trong phạm vi cả nước và quốc tế. Dù khách hàng đang ở nhà, ở cơ quan hay đang đi công tác nước ngoài cũng có thể kiểm soát được các giao dịch trên tài khoản của mình, cập nhật thông tin về sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng vào bất cứ thời điểm nào thích hợp nhất với họ.

  1. Cách thức sử dụng và tính an toàn.

Cách thức sử dụng dịch vụ này hoàn toàn đơn giản. Sau khi đăng ký sử dụng dịch vụ với ngân hàng, khách hàng sẽ được cấp mã số truy cập và mật khẩu. Mã số truy cập là cố định và thường có thể sử dụng cho cả Internet banking. Khách hàng có thể thay đổi mật khẩu bất cứ lúc nào để đảm bảo an toàn, bí mật cho các thông tin tài khoản.

Khi cần dùng Telephone banking khách hàng chỉ cần gọi tới ngân hàng theo một số điện thoại đã được ngân hàng định trước cho từng khu vực. Sau khi kết nối vào hệ thống, khách hàng có thể nghe máy hướng dẫn cách thức bấm mã dịch vụ hoặc bấm trực tiếp mã dịch vụ để yêu cầu hệ thống trả lời các thông tin cần thiết. Mã dịch vụ là các phím trên bàn phím điện thoại tương ứng với một dịch vụ do ngân hàng quy định.

Khách hàng cần chú ý, khi nhập mã số truy cập và mật khẩu khách hàng phải bấm liên tiếp, không bị ngắt quãng (giữa hai số liền nhau không được dừng quá 2 giây) và bấm phím (#) sau mỗi lựa chọn thực hiện. Ngoài ra để tiết kiệm thời gian cho khách hàng, ngân hàng còn có thể quy định thêm một số phím chức năng có tác dụng ngưng giải đáp giao dịch hiện thời và chuyển sang giao dịch khác, nghe lại một giao dịch hoặc dừng ngay câu thoại đang đọc khi khách hàng không muốn nghe tiếp.

Dù đơn giản, nhưng tính bảo mật cho các thông tin tài khoản vẫn được đảm bảo vì mỗi khách hàng sẽ được ngân hàng cấp mã số truy cập, mật khẩu riêng. Ngoài ra ngân hàng còn có hệ thống ngăn chặn các truy cập không hợp pháp.

4. Dịch vụ ngân hàng qua mạng điện thoại di động (Mobile- Banking và SMS- Banking).

  1. Mobile/ SMS banking là gì?

Cùng với sự phát triển của mạng thông tin di động, dịch vụ ngân hàng tại Việt Nam cũng đã nhanh chóng ứng dụng những công nghệ mới này.

  • Mobile – banking là một kênh phân phối sản phẩm dịch vụ ngân hàng qua hệ thống mạng điện thoại di động. Về nguyên tắc, đây chính là quy trình thông tin được mã hoá, bảo mật và trao đổi giữa trung tâm xử lý của ngân hàng và thiết bị di động của khách hàng (ĐTDĐ, Pocket PC, Palm…).
  • SMS Banking là kênh dịch vụ cung cấp cho quý khách hàng khả năng giao tiếp bằng tin nhắn từ điện thoại di động. Với kênh dịch vụ này, khách hàng có thể thực hiện các giao dịch liên quan đến tài khoản và quản lý tài khoản, thông tin tỷ giá, lãi suất…..thông qua tin nhắn điện thoại di động
  1. Những tiện ích của Mobile/ SMS banking.

Với Mobile/SMS Banking, khách hàng có thể:

  • Tra cứu thông tin tài khoản
    • Tra cứu thông tin tài khoản không kỳ hạn.
    • Tra cứu thông tin tài khoản có kỳ hạn.
    • Tra cứu thông tin tài khoản tín dụng.
    • Tra cứu 5 giao dịch gần nhất của tài khoản không kỳ hạn.
  • Tra cứu thông tin tỷ giá, lãi suất (tiền gửi, tiết kiệm), giá chứng khoán…
  • Tra cứu mạng lưới chi nhánh/ phòng giao dịch; mạng lưới ATM và hệ thống VNBS.
  • Nhận tin nhắn tự động khi số dư tài khoản thay đổi.
  • Nhận tin nhắn thông báo nhắc nhở nợ vay, thông báo dự nợ.
  • Nhận tin nhắn khuyến mãi, thông báo liên quan đến các dịch vụ của ngân hàng.
  • Chuyển khoản bằng tin nhắn SMS trong cùng hệ thống ngân hàng. Điều này cũng có thể thực hiện đối với dịch vụ Mobile Banking. Tuy nhiên hạn mức giao dịch của 2 dịch vụ này khác nhau, do tính bảo mật cao hơn hạn mức giao dịch của Mobile Banking bao giờ cũng cao hơn SMS banking. (Ví dụ: Hạn mức giao dịch của dịch vụ SMS Banking của Ngân hàng Đông Á là từ 50.000VND/ngày – 2.000.000VND/ngày, trong khi đó đối với Mobile Banking là từ 50.000VND/ngày – 500.000.000VND/ngày).
  • Thanh toán trực tiếp tiền mua sắm hàng hoá dịch vụ tại các siêu thị, nhà hàng, trang web bán hàng trên mạng…
  • Thanh toán hoá đơn dịch vụ, mua sắm hàng hoá, thanh toán hoá đơn điện, nước, điện thoại… hay thậm chí có thể giao dịch chứng khoán qua điện thoại di động chỉ bằng vài tin nhắn đơn giản.
  • Nạp tiền điện tử.
  • Khóa/ mở tài khoản.
  • Đổi mật khẩu
  • Chức năng Trợ giúp
  • Trợ giúp chung (giới thiệu tất cả các giao dịch mà hệ thống SMS Banking đang hỗ trợ).
  • Trợ giúp chi tiết từng giao dịch.
  1. Chi phí và cách thức sử dụng.

Mobile/ SMS Banking là một phương tiện phân phối sản phẩm dịch vụ ngân hàng của các ngân hàng, khách hàng dùng điện thoại di động nhắn tin theo mẫu gửi đến tổng đài riêng cho từng ngân hàng qui định hay sử dụng phần mềm ứng dụng của ngân hàng để sử dụng dịch vụ.

Tùy vào từng ngân hàng mà dịch vụ sẽ chỉ mất phí cho bưu điện hay cả phí cho ngân hàng. Hiện nay, hầu hết các ngân hàng đã qua giai đoạn thử nghiệm 2 dịch vụ này nên cũng đã bắt đầu tính phí dịch vụ.

5. Dịch vụ ngân hàng tại nhà (Home Banking/ PC Banking).

  1. Giới thiệu chung về dịch vụ Home Banking.

Home-banking là kênh phân phối dịch vụ của ngân hàng điện tử, cho phép khách hàng thực hiện hầu hết các giao dịch chuyển khoản với ngân hàng (nơi khách hàng mở tài khoản) tại nhà, tại văn phòng công ty mà không cần đến ngân hàng.
Ứng dụng và phát triển Home-banking là một bước tiến mau mắn của các ngân hàng thương mại Việt Nam trước sức ép rất lớn của tiến trình hội nhập toàn cầu về dịch vụ ngân hàng. Đứng về phía khách hàng, Home-banking đã mang lại những lợi ích thiết thực: nhanh chóng- an toàn- thuận tiện. Và khẩu hiệu “Dịch vụ ngân hàng 24 giờ mỗi ngày, bảy ngày mỗi tuần” chính là ưu thế lớn nhất mà mô hình ngân hàng “hành chính” truyền thống không thể nào sánh được. Hiện nay, dịch vụ Home-banking tại Việt Nam đã đều được nhiều ngân hàng ứng dụng và triển khai rộng rãi.

  1. Các chức năng chính của dịch vụ Home Banking.
  • Chức năng chuyển tiền:

Chức năng chuyển tiền cho phép khách hàng có thể làm lệnh chuyển tiền thanh toán cho bên thứ ba, chuyển tiền giữa các tài khoản nội bộ hoặc yêu cầu phát hành hối phiếu.

Khi sử dụng chức năng này của phần mềm dịch vụ Home Banking chắc chắn khách hàng sẽ thấy việc làm lệnh yêu cầu chuyển tiền là một công việc rất dễ dàng. Phần mềm này tự động hoá rất nhiều công đoạn mà khách hàng sẽ phải làm lặp lại nhiều lần trong phương thức chuyển tiền truyền thống. Chi tiết của các khoản thanh toán xảy ra thường xuyên có thể được lưu lại trong hệ thống để tái sử dụng với nhiều cấp độ khác nhau.

Chức năng chuyển tiền trong dịch vụ Home Banking có các đặc điểm sau:

  • Khách hàng có thể linh hoạt lập và sửa đổi các lệnh chuyển tiền trên máy tính của mình.
  • Rất nhiều dữ liệu như người thụ hưởng, số tài khoản thụ hưởng, ngân hàng thụ hưởng, nội dung thanh toán… có thể được lưu lại để dễ dàng nhập vào lệnh chuyển tiền.
  • Có thể linh hoạt định ra quyền hạn sử dụng các chức năng của dịch vụ Home Banking và hạn mức duyệt các lệnh chuyển tiền cho từng nhân viên.
  • Có thể gửi và nhận các thông báo đến và từ ngân hàng.
  • Các thông tin được truyền đến và từ ngân hàng một các an toàn và bí mật vì có hệ thống bảo vệ đặc biệt.
  • Chức năng xem số dư và các giao dịch trên tài khoản:

Chức năng này cho phép khách hàng được nhanh chóng cập nhật các thông tin về các tài khoản của mình tại ngân hàng, không cần phải đợi bản sao kê tài khoản hoặc các giấy báo có, báo nợ…Không chỉ xem các thông tin, khách hàng còn có thể in ra hoặc chuyển các thông tin đó sang các phần mềm ứng dụng khác như Excel, Word… để lập các báo cáo cho các mục đích riêng của mình. Ngoài ra chức năng này còn cung cấp cho khách hàng các thông tin bổ ích khác như tỷ giá chuyển đổi ngoại tệ …

  • Chức năng lập Thư Tín dụng (Letters of Credit)

Chức năng này cho phép khách hàng lập thư tín dụng một cách dễ dàng và hiệu quả. Nó tự động hoá nhiều công đoạn lặp lại khi phải lập một thư tín dụng. Tương tự như lệnh chuyển tiền, các thư tín dụng này có thể được lưu lại để sử dụng về sau, chỉ phải sửa một số chi tiết.

Chức năng này của dịch vụ ngân hàng tại nhà cung cấp cho khách hàng các khả năng sau:

  • Lập Thư tín dụng một cách đơn giản
  • Lưu trữ các mẫu thư thường dùng.
  • Lưu trữ hệ thống dữ liệu để lập thư tín dụng như: danh sách các ngân hàng, danh sách người thụ hưởng, các loại tiền tệ, danh sách các nước trên thế giới…
  • Khi cần các thông tin này chỉ cần lựa chọn từ danh sách có sẵn nên tiết kiệm được rất nhiều thời gian và độ chính xác cao.
  • Các dữ liệu được lưu trữ và chuyển đến và từ ngân hàng một cách an toàn, bí mật tuyệt đối.
  1. Cách thức sử dụng dịch vụ Home Banking.

Dịch vụ ngân hàng tại nhà được xây dựng trên một trong hai nền tảng: hệ thống các phần mềm ứng dụng (Software Base) và nền tảng công nghệ web (Web Base), thông qua hệ thống máy chủ, mạng Internet và máy tính con của khách hàng, thông tin tài chính sẽ được thiết lập, mã hoá, trao đổi và xác nhận giữa ngân hàng và khách hàng. Mặc dù có một số điểm khác biệt, nhưng nhìn chung, chu trình sử dụng dịch vụ ngân hàng tại nhà bao gồm các bước cơ bản sau đây:

  • Bước 1: Thiết lập kết nối.
    Khách hàng kết nối máy tính của mình với hệ thống máy tính của ngân hàng qua mạng Internet, sau đó truy cập vào trang web của ngân hàng phục vụ mình (hoặc giao diện người sử dụng của phần mềm). Sau khi kiểm tra và xác nhận khách hàng (User ID, Password…), khách hàng sẽ được thiết lập một đường truyền bảo mật (https) và đăng nhập (login) vào mạng máy tính của ngân hàng.
  • Bước 2: Thực hiện yêu cầu dịch vụ.
    Dịch vụ NHĐT rất phong phú và đa dạng, có thể là truy vấn thông tin tài khoản, thiết lập nghiệp vụ chuyển tiền, hủy bỏ việc chi trả séc, thanh toán điện tử … và rất nhiều các dịch vụ trực tuyến khác.
    Trên website (hoặc giao diện người sử dụng) có sẵn hệ thống Menu chọn lựa và hướng dẫn cụ thể các bước để thực hiện quá trình giao dịch. Tất cả mọi việc khách hàng phải làm chỉ là chọn dịch vụ, cung cấp thông tin theo yêu cầu của dịch vụ và của ngân hàng.
  • Bước 3: Xác nhận giao dịch, kiểm tra thông tin và thoát khỏi mạng (thông qua chữ ký điện tử, xác nhận điện tử, chứng từ điện tử …)
    Khi giao dịch được thực hiện hoàn tất, khách hàng kiểm tra lại giao dịch và thoát khỏi mạng, những thông tin chứng từ cần thiết sẽ được quản lí, lưu trữ và gửi tới khách hàng khi có yêu cầu.

Đối với khách hàng là doanh nghiệp, quy trình thanh toán qua Home-banking được thực hiện tương đối phức tạp hơn với quy trình bảo mật, xác nhận an toàn hơn. Mỗi doanh nghiệp sẽ được hệ thống Home-banking cung cấp hai loại User có mã số truy cập, mật khẩu khác nhau được phân quyền. Lệnh thanh toán của khách hàng chuyển đến Ngân hàng thông qua hệ thống Home-banking được ký 2 chữ ký điện tử theo đúng quy định chứng từ của Ngân hàng Nhà nước và hầu hết được thực hiện ngay trong ngày làm việc.

6. Dịch vụ ngân hàng qua mạng máy tính toàn cầu (Internet Banking)

  1. Internet Banking là gì?

Internet banking cũng là một trong những kênh phân phối các sản phẩm dịch vụ của ngân hàng, mang ngân hàng đến nhà, văn phòng, trường học, đến bất kỳ nơi đâu và bất cứ lúc nào. Với máy tính kết nối Internet, khách hàng sẽ được cung cấp và được hướng dẫn các sản phẩm, các dịch vụ của ngân hàng và có thể gửi đến ngân hàng những thắc mắc, góp ý với ngân hàng và được trả lời sau một thời gian nhất định.

Đây là một loại dịch vụ ngân hàng hiện đại và còn khá mới mẻ. Nó cho phép khách hàng có thể giao dịch ngân hàng thông qua mạng Internet vào bất cứ lúc nào, ở bất cứ đâu mà khách hàng cho là phù hợp nhất. Do đó, khách hàng có thể giao dịch 24 giờ trong ngày, 7 ngày trong tuần tại nhà riêng hoặc ở văn phòng, khi đang trong nước hay đi nước ngoài. Sự ra đời của Internet Banking thực sự là một cuộc cách mạng, nó thúc đẩy các giao dịch xảy ra nhanh hơn, tiết kiệm được rất nhiều thời gian và tiền của cho cả khách hàng lẫn ngân hàng và cho xã hội chung. Tuy nhiên, với tính chất bảo mật không cao bằng dịch vụ Home Banking, dịch vụ Internet-banking vẫn còn được cung cấp hạn chế và đòi hỏi quá trình xác nhận giao dịch phức tạp hơn.

Hiện nay, một số người vẫn thường đồng nhất dịch vụ Internet Banking với E- banking. Trên thực tế, E- banking có nội hàm rộng hơn hơn Internet Banking rất nhiều.

  1. Các tiện ích của dịch vụ Internet Banking.
  • Tra cứu số dư tài khoản tiền gửi thanh toán và tài khoản thẻ.

Dịch vụ này cho phép khách hàng xem chi tiết số dư các tài khoản có kết nối vào Internet banking. Khách hàng chỉ cần đơn giản nhắp đúp chuột vào số tài khoản cần xem. Khách hàng không chỉ biết số dư hiện thời trên tài khoản mà còn cả số dư được phép sử dụng nữa. Số dư được phép sử dụng là số tiền thực có trong tài khoản và không bao gồm bất kỳ khoản tiền gửi nào chưa được bù trừ hoặc giá trị nào chưa được hạch toán so với số dư.

  • Tra cứu thông tin chi tiết các giao dịch liên quan.

Số lượng các giao dịch có thể xem được tuỳ thuộc vào hệ thống của từng ngân hàng, có thể từ 10 giao dịch gần nhất đến các giao dịch trong vòng vài tháng trở lại. Các thông tin này được cập nhật tới từng phút nên các khách hàng, đặc biệt là khách hàng là doanh nghiệp có thể theo dõi tình hình tài chính của mình một cách hiệu quả.

Không những thế, khách hàng còn có thể chuyển các thông tin này xuống phần mềm kế toán của mình để tự thiết kế ra báo cáo riêng.

  • Chuyển khoản thanh toán.

Với dịch vụ này khách hàng có thể chuyển tiền giữa các tài khoản trong cùng hoặc khác hệ thống của ngân hàng hay chuyển tiền từ tài khoản cho người nhận bằng chứng minh thư.

Chuyển tiền cho các đơn vị có hợp tác với ngân hàng (công ty tài chính, bảo hiểm, chứng khoán, viễn thông…) để thanh toán tiền lãi, gốc vay, tiền đầu tư chứng khoán, đóng phí bảo hiểm, phí sử dụng dịch vụ hoặc các nội dung thanh toán khác.

Tùy vào từng Ngân hàng mà sẽ có những hạn mức chuyển tiền và mức phí khác nhau đối với khách hàng là doanh nghiệp hay cá nhân.

Ngoài ra còn có các tiện ích khác như: nạp tiền vào thẻ (nạp tiền điện tử), chuyển đổi ngoại tệ, in sao kê các khoản tài khoản theo thời gian…

  1. Cách thức sử dụng và tính an toàn:

Khách hàng chỉ cần đến bất kỳ chi nhánh hay phòng giao dịch nào của ngân hàng để đăng ký sử dụng dịch vụ. Trong đơn đăng ký sử dụng Internet banking, khách hàng cần cung cấp các thông tin cá nhân, các số tài khoản mà khách hàng muốn sử dụng Internet banking. Ngân hàng sẽ cấp cho khách hàng một mã số truy cập và mật khẩu. Khách sẽ dùng mã số truy cập và mật khẩu của mình để đăng nhập vào trang Internet Banking của ngân hàng lập lệnh giao dịch (thanh toán, chuyển tiền, chuyển khoản, chuyển đổi ngoại tệ…) theo mẫu có sẵn. Tùy vào từng ngân hàng mà khách hàng sẽ có các phương thức xác thực khác nhau để xác nhận lệnh giao dịch của mình. Đây cũng chính là điểm an toàn của dịch vụ này.

Hiện nay các ngân hàng áp dụng các thiết bị xác thực lệnh rất đa dạng, như:

  • Phương thức xác thực giao dịch bằng mã số truy cập và mật khẩu tĩnh.
  • Phương thức xác thực giao dịch bằng mã số truy cập và mật khẩu tĩnh, chứng thư điện tử.
  • Phương thức xác thực giao dịch bằng mã số truy cập và mật khẩu tĩnh, OTP SMS, chứng thư diện tử.
  • Phương thức xác thực giao dịch bằng mã số truy cập và mật khẩu tĩnh, OTP Token.
  • Phương thức xác thực giao dịch bằng bằng mã số truy cập và mật khẩu tĩnh, smart card có tích hợp chứng thư diện tử.

Và ứng với mỗi phương thức xác thực, khách hàng lại có một hạn mức giao dịch khác nhau. Phương thức xác nhận càng bảo mật thì hạn mức giao dịch cũng như chi phí sử dụng dịch vụ càng cao.

E – Banking ngoài những loại hình chính nêu trên, còn có các loại hình khác như:

  • Kiosk ngân hàng: Là sự phát triển của dịch vụ ngân hàng hướng tới việc phục vụ khách hàng với chất lượng cao nhất và thuận tiện nhất. Trên đường phố sẽ đặt các trạm làm việc với đường kết nối Internet tốc độ cao. Khi khách hàng cần thực hiện giao dịch hoặc yêu cầu dịch vụ, họ chỉ cần truy cập, cung cấp số chứng nhận cá nhân và mật khẩu để sử dụng dịch vụ của hệ thống ngân hàng phục vụ mình. Đây cũng là một hướng phát triển đáng lưu tâm cho các nhà lãnh đạo các ngân hàng thương mại Việt Nam.
  • Call Center / Contact center: giải đáp thắc mắc, cung cấp thông tin và giao dịch ngân hàng qua tổng đài điện thoại.
  • Mail Banking, Fax Banking, Video Banking: giao dịch ngân hàng qua thư điện tử, Fax, Video.

Hệ thống phân phối điện tử

Ngọc Thi

Tôi luôn muốn góp một phần nhỏ những kinh nghiệm của mình giúp các anh chị hoàn thành tốt luận án tiến sĩ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *