Tổng quan về Basel II
Tổng quan về Basel II
Vào năm 1988, Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng đã công bố khung rủi ro tín dụng (Basel I), qua đó xác định các tiêu chuẩn về vốn nhằm hạn chế rủi ro kinh doanh của các ngân hàng, góp phần tăng cường sự hoạt động ổn định của hệ thống tài chính. Cùng với sự phát triển của hệ thống tài chính toàn cầu và quá trình hội nhập và phát triển của ngành ngân hàng, các quy định của Basel I đã được xem xét, sửa đổi, bổ sung thêm các quy định mới. Tháng 6/2004, Basel II đã chính thức được ban hành.
Mục tiêu của Basel II là: (1) Nâng cao chất lượng và sự ổn định của hệ thống ngân hàng quốc tế; (2) Tạo lập và duy trì một sân chơi bình đẳng cho các ngân hàng hoạt động trên thị trường tài chính quốc tế; (3) Đẩy nhanh việc chấp nhận các thông lệ nghiêm ngặt hơn trong lĩnh vực quản lý rủi ro… Và để thực hiện được những mục tiêu này, Uỷ ban Basel đã đề xuất khung đo lường với 3 trụ cột chính trong Basel II:
Trụ cột thứ I: liên quan tới việc duy trì vốn bắt buộc; tỷ lệ vốn bắt buộc tối thiểu (CAR) vẫn là 8% của tổng tài sản có rủi ro như Basel I. Tuy nhiên, rủi ro được tính toán theo 3 yếu tố chính mà ngân hàng phải đối mặt như rủi ro tín dụng, rủi ro vận hành (hay rủi ro hoạt động) và rủi ro thị trường.
Trụ cột thứ II: liên quan tới việc hoạch định chính sách ngân hàng, Basel II cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách những “công cụ” tốt hơn so với Basel I. Trụ cột này cũng cung cấp một khung giải pháp cho các rủi ro mà ngân hàng đối mặt như rủi ro hệ thống, rủi ro chiến lược, rủi ro danh tiếng, rủi ro thanh khoản và rủi ro pháp lý, mà hiệp ước tổng hợp lại dưới cái tên rủi ro còn lại.
Basel II đưa ra những nguyên tắc rà soát, giám sát như sau:
(1) Các ngân hàng cần có một quy trình đánh giá được mức độ đầy đủ vốn nội bộ theo danh mục rủi ro và cần có một chiến lược đúng đắn nhằm duy trì mức vốn đó.
(2) Các giám sát viên nên rà soát và đánh giá việc xác định mức độ vốn nội bộ và chiến lược của ngân hàng, cũng như khả năng giám sát và đảm bảo tuân thủ tỷ lệ vốn tối thiểu. Giám sát viên nên thực hiện một số hành động giám sát phù hợp nếu họ không hài lòng với kết quả của quy trình này.
(3) Giám sát viên khuyến nghị các ngân hàng duy trì mức vốn cao hơn mức tối thiểu theo quy định.
(4) Giám sát viên nên can thiệp ở giai đoạn đầu để đảm bảo mức vốn của ngân hàng không giảm dưới mức tối thiểu theo quy định và có thể yêu cầu sửa đổi ngay lập tức nếu mức vốn không được duy trì trên mức tối thiểu. Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), khi tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu tăng từ 7% lên 8% thì xác suất xảy ra khủng hoảng ngân hàng giảm đi khoảng 25-30%.
Trụ cột thứ III: Các ngân hàng cần công khai thông tin một cách thích đáng theo nguyên tắc thị trường. Việc với áp dụng và thực thi theo Basel II, khung quản trị rủi ro của các ngân hàng tại các quốc gia sẽ tiến dần và phù hợp với các tiêu chuẩn của ngân hàng quốc tế, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh và khả năng chống đỡ trước những biến động của thị trường tài chính.