Thương mại điện tử là gì? Đặc điểm của TMĐT
Luận Án Tiến sĩ – Thương mại điện tử là gì? Đặc điểm của thương mại điện tử
Thuật ngữ “thương mại điện tử” đã được Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) giải thích như sau: “Thương mại điện tử là việc bán hoặc mua hàng hóa, dịch vụ giữa thương nhân, hộ gia đình, cá nhân, chính phủ, các tổ chức công cộng hoặc tổ chức tư nhân, được thực hiện thông qua mạng máy tính. Hàng hóa, dịch vụ được đặt hàng trên mạng, nhưng việc thanh toán và giao hàng có thể được thực hiện trên mạng hoặc được thực hiện trực tiếp”. Như vậy, theo OECD, giao dịch thương mại điện tử trước hết là giao dịch mua bán và có thể diễn ra giữa thương nhân với thương nhân, thương nhân với người tiêu dùng hay thương nhân với chính phủ, nhưng quan trọng là nó phải được thực hiện thông qua mạng internet chứ không phải là dạng giao dịch truyền thống thông qua hợp đồng trên giấy. Khái niệm này đã giới hạn phạm vi của phương tiện được sử dụng trong thương mại điện tử chỉ bao gồm có mạng internet, không bao gồm các phương tiện khác như điện thoại, truyền hình, fax….
Về bản chất, thương mại điện tử vẫn có những nội dung cơ bản như thương mại truyền thống. Nhưng thương mại điện tử khác với thương mại truyền thống ở cách thức thực hiện, đó là thông qua phương tiện điện tử. Chính vì sự khác biệt này khiến cho thương mại điện tử có những đặc trưng riêng biệt, cụ thể là:
Thứ nhất, các bên trong thương mại điện tử không trực tiếp tiếp xúc với nhau mà thực hiện giao dịch qua phương tiện điện tử. Trong các giao dịch thương mại truyền thống các bên phải gặp gỡ nhau trực tiếp để tiến hành đàm phán và ký kết hợp đồng. Còn trong giao dịch thương mại điện tử, nhờ việc sử dụng các phương tiện điện tử có kết nối với mạng toàn cầu, chủ yếu là sử dụng mạng internet, nên các bên tham gia vào giao dịch không phải gặp gỡ nhau trực tiếp mà vẫn có thể đàm phán, giao dịch được với nhau dù cho các bên tham gia giao dịch đang ở bất cứ quốc gia nào8. Quá trình giao kết hợp đồng có thể bao gồm nhiều bước từ tìm kiếm bạn hàng, giới thiệu sản phẩm, chào hàng, đàm phán hợp đồng, ký kết hợp đồng… Nếu như được thực hiện theo cách thức truyền thống, trực tiếp gặp mặt thì sẽ tốn rất nhiều thời gian và chi phí, tuy nhiên, chỉ cần sử dụng phương tiện điện tử là các bên đã có thể thực hiện tất cả quá trình trên trong thời gian ngắn và không cần thiết phải tiếp xúc với nhau, tiết kiệm được chi phí và nhân lực rất nhiều. Do đó, càng ngày càng có nhiều doanh nghiệp áp dụng phương tiện điện tử vào trong công việc kinh doanh của mình.
Thứ hai, thương mại điện tử cho phép các bên thực hiện giao dịch 24/24 giờ, tất cả các ngày trong năm và không bị giới hạn bởi phạm vi địa lý. Thương mại điện tử được thực hiện trong một thị trường không có biên giới, hay thị trường toàn cầu. Các bên trong giao dịch có thể đang ở những quốc gia khác nhau nhưng chỉ cần một cú nhấp chuột khi vào website bán hàng, một bản fax là các bên đã có thể tiến hành giao dịch. Chính vì lẽ đó mà các doanh nghiệp dễ dàng và nhanh chóng tiếp cận được với khách hàng, lựa chọn được nhà cung ứng tốt nhất và những đối tác kinh doanh phù hợp nhất.
Thứ ba, trong thương mại điện tử phải có tổi thiểu ba chủ thể tham gia, bao gồm các bên tham gia giao dịch và sự tham gia của bên thứ ba đó là các cơ quan cung cấp dịch vụ mạng và cơ quan chứng thực. Sự xuất hiện của bên thứ ba này đã làm cho Thương mại điện tử khác biệt với thương mại truyền thống. Trong thương mại truyền thống cũng có thể có sự tham gia của ba, thậm chí là bốn hoặc năm bên, nhưng các chủ thể này tham gia với vai trò là các bên của hợp đồng thương mại và cùng hướng tới một bản hợp đồng. Còn bên thứ ba tham gia vào hoạt động Thương mại điện tử tham gia với vai trò tạo môi trường cho các giao dịch Thương mại điện tử. Với đặc trưng là được thực hiện thông qua phương tiện điện tử, các nhà cung cấp dịch vụ mạng cần phải bảo đảm duy trì hệ thống mạng luôn ở trong trạng thái tốt để phục vụ cho các nhu cầu giao dịch ở khắp mọi nơi trên thế giới, nếu hệ thống mạng gặp vấn đề trục trặc, ngay lập tức sẽ ảnh hưởng đến việc giao dịch của các bên liên quan. Ngoài ra, các cơ quan chứng thực sẽ đảm bảo các hợp đồng được ký kết không thể bị giả mạo và bị phủ nhận nếu có tranh chấp phát sinh. Nhà cung cấp dịch vụ mạng và cơ quan chứng thực tuy không tham gia vào việc đàm phán, giao kết hợp đồng điện tử nhưng đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo tính hiệu quả và giá trị pháp lý cho giao dịch điện tử.
Thứ tư, thương mại điện tử đòi hỏi các bên tham gia phải có một trình độ công nghệ thông tin nhất định. Thương mại điện tử được thực hiện dựa trên việc sử dụng các phương tiện kỹ thuật hiện đại, đó là những công nghệ như công nghệ điện tử, kỹ thuật số, từ tính, quang học, các công nghệ truyền dẫn không dây… Do đó, để thực hiện một hoạt động thương mại điện tử, đòi hỏi các bên phải có một trình độ nhất định trong việc sử dụng các phương tiện kỹ thuật này, nhằm tránh các sai sót có thể xảy ra. Đồng thời, cần phải xây dựng và không ngừng nâng cao trình độ công nghệ thông qua việc phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ cho thương mại điện tử như mạng máy tính băng thông rộng hay mạng không dây….
Nguồn: Luận án Luật kinh tế “Pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử ở Việt Nam“