Những nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của NHTM
Những nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của NHTM
1. Nhân tố khách quan
1.1. Môi trường kinh tế, chính trị, xã hội
Kinh doanh ngân hàng là một lĩnh vực nhạy cảm, bởi nó liên quan trực tiếp đến nhiều chủ thể khác nhau trong nền kinh tế. Bất kỳ một sự biến động nào trong nền kinh tế đều có thể gây ảnh hưởng đến hoạt động ngân hàng. Nếu tình hình kinh tế, chính trị, xã hội ổn định thì tình hình sản xuất, kinh doanh của các cá nhân, doanh nghiệp sẽ diễn ra bình thường, hoạt động ngân hàng nhờ đó cũng diễn ra suôn sẻ. Khi nền kinh tế tăng trưởng nhanh, tình hình hoạt động kinh doanh thuận lợi, nhu cầu vay vốn tăng cao, khả năng hoàn trả cũng được đảm bảo nên các ngân hàng sẽ có điều kiện thuận lợi để mở rộng quy mô tín dụng, tăng khả năng sinh lời. Tuy nhiên trong giai đoạn này nếu ngân hàng chỉ chạy theo lợi nhuận mà không chú trọng đến chất lượng tín dụng thì hậu quả về sau rất khó lường. Ngược lại, khi nền kinh tế suy giảm, hoạt động sản xuất kinh doanh của các chủ thể gặp nhiều khó khăn thì họ có xu hướng thu hẹp sản xuất, khả năng trả nợ suy giảm, các khoản nợ xấu tăng khiến khả năng sinh lợi của các NHTM bị ảnh hưởng theo hướng tiêu cực.
Trong nền kinh tế mở và hội nhập hiện nay, các ngân hàng có điều kiện tiếp cận với nguồn vốn dồi dào từ nước ngoài rót vào cũng như có cơ hội tiếp cận công nghệ hiện đại, học hỏi kinh nghiệm quản lý từ nhiều nước khác, tuy nhiên áp lực cạnh tranh cũng vì vậy mà tăng lên. Đặc biệt, các ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam có lợi thế rất lớn về vốn, công nghệ, trình độ nguồn nhân lực và cách thức quản lý. Thêm vào đó, các rào cản dần dần bị gỡ bỏ khi Việt Nam gia nhập các tổ chức kinh tế quốc tế càng khiến sự cạnh tranh thêm gay gắt. Các ngân hàng Việt Nam – đặc biệt là các ngân hàng nhỏ – vốn yếu thế hơn, do đó chi phí bỏ ra cho cuộc đua cũng tốn kém hơn và vì vậy sẽ làm giảm hiệu quả hoạt động kinh doanh của ngân hàng.
1.2. Môi trường pháp lý
Môi trường pháp lý đóng một vai trò rất quan trọng trong việc điều hành hoạt động của nền kinh tế, do đó nó cũng có ảnh hưởng nhất định đến hiệu quả hoạt động của NHTM. Nếu một hệ thống luật pháp được xây dựng phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế và được chấp hành nghiêm chỉnh sẽ kích thích nền kinh tế vận hành ổn định, tác động tích cực lên quá trình sản xuất kinh doanh và qua đó làm gia tăng hiệu quả hoạt động của NHTM. Ngược lại, khi môi trường pháp lý chưa hoàn thiện, thường xuyên thay đổi thất thường sẽ khiến ngân hàng và các chủ thể khác không kịp thay đổi để thích nghi, do đó gây rủi ro, trở ngại cho các hoạt động của ngân hàng. Chính vì vậy, hệ thống pháp luật phải đảm bảo yêu cầu đầy đủ, nghiêm minh, cập nhật nhưng phải ổn định trong một khoảng thời gian nhất định thì mới kích thích nền kinh tế nói chung và hệ thống tài chính-ngân hàng nói riêng hoạt động hiệu quả và phát triển bền vững.
2. Nhân tố chủ quan
2.1. Năng lực tài chính
Khi nói về năng lực tài chính của một NHTM trước tiên phải nhắc đến quy mô vốn. Để đảm bảo hoạt động, ngân hàng sử dụng đồng thời nhiều nguồn vốn khác nhau như vốn huy động, vốn vay, vốn chủ sở hữu…Trong đó, vốn chủ sở hữu tuy chiếm tỷ trọng nhỏ nhưng lại đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong hoạt động ngân hàng. Đây là nguồn vốn ổn định nhất và có xu hướng tăng trong quá trình hoạt động, có thể sử dụng với kỳ hạn dài mà không phải hoàn trả, do đó nó chính là nền tảng cho sự tăng trưởng bền vững của ngân hàng. Hơn nữa, vốn chủ sở hữu còn quyết định quy mô hoạt động của ngân hàng, bởi đây là căn cứ để xác định các giới hạn hoạt động như giới hạn huy động vốn, giới hạn cho vay, giới hạn đầu tư vào tài sản cố định… Đồng thời, vốn chủ sở hữu sẽ tạo uy tín và duy trì niềm tin của công chúng đối với ngân hàng. Một ngân hàng có vốn chủ sở hữu lớn sẽ có khả năng cao hơn trong việc mở rộng quy mô hoạt động, đảm bảo bù đắp được những thiệt hại phát sinh khi xảy ra rủi ro, phát huy được lợi thế kinh tế nhờ quy mô, do đó ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả hoạt động của NHTM.
Năng lực tài chính còn được thể hiện qua quy mô và chất lượng tài sản có của ngân hàng. Để đảm bảo an toàn hoạt động, một ngân hàng thương mại phải cân đối giữa giá trị của tài sản có có thanh khoản cao với giá trị tài sản nợ để tránh mất khả năng thanh toán dẫn đến nguy cơ phá sản. Tuy nhiên những tài sản có thanh khoản cao thường mang lại lợi nhuận thấp, do đó nếu một ngân hàng quá chú trọng đến dự trữ thanh khoản sẽ làm giảm khả năng sinh lời, ngược lại nếu chấp nhận rủi ro cao, thanh khoản thấp để đầu tư vào các tài sản có tỷ suất sinh lợi cao sẽ dễ khiến ngân hàng mất khả năng thanh toán. Tất cả những điều này ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả hoạt động của ngân hàng.
Một khía cạnh khác của năng lực tài chính cần được nhắc đến là khả năng ngân hàng có thể chủ động ứng phó với các rủi ro xảy ra, được thể hiện qua các quỹ dự phòng của ngân hàng. Một ngân hàng trích lập dự phòng đầy đủ sẽ có khả năng ứng phó linh hoạt trước những rủi ro, có đủ khả năng bù đắp những tổn thất do rủi ro gây ra mà không làm tổn hại đến các hoạt động kinh doanh khác của ngân hàng.
2.2. Năng lực quản trị điều hành
Công tác quản trị, điều hành đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng hoạt động kinh doanh ngân hàng theo đúng chiến lược đã đặt ra. Năng lực quản trị điều hành thể hiện ở trình độ của ban quản trị và khả năng của họ trong việc chỉ đạo, thực hiện thành công những kế hoạch kinh doanh của ngân hàng , cũng như khả năng ứng phó tốt trước những diễn biến của thị trường. Bên cạnh đó, một bộ máy quản trị được đánh giá là có năng lực cao khi họ có thể sử dụng những yếu tố đầu vào một cách tiết kiệm nhất để tạo ra nhiều yếu tố đầu ra nhất. Một ngân hàng được điều hành bởi những nhà quản trị giỏi sẽ giảm thiểu được chi phí nhưng vẫn có thể mang lại lợi nhuận cao, tăng khả năng cạnh tranh và đảm bảo hoạt động an toàn.
2.3. Cơ sở hạ tầng
Cơ sở hạ tầng bao gồm các trụ sở, máy móc, trang thiết bị, hệ thống công nghệ thông tin. Cơ sở hạ tầng đầy đủ, hiện đại sẽ tạo điều kiện thuận lợi để ngân hàng phát triển ổn định. Việc ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ hiện đại sẽ giúp ngân hàng tiết kiệm được thời gian và chi phí, tạo cảm giác thoải mái, an tâm và tin tưởng cho khách hàng khi giao dịch tại ngân hàng, nhờ đó gia tăng hiệu quả hoạt động và khả năng cạnh tranh. Đặc biệt, hệ thống công nghệ thông tin là điều mà các ngân hàng trong thời gian gần đây chú trọng đầu tư.
2.4. Trình độ lao động
Nhân tố con người đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong việc quyết định hiệu quả hoạt động của ngân hàng thương mại. Nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp tốt sẽ giúp ngân hàng thu hút được những khách hàng trung thành, giảm thiểu rủi ro trong quá trình kinh doanh. Một ngân hàng có đội ngũ nhân viên giỏi sẽ giúp tăng khả năng thực hiện thành công các mục tiêu, chiến lược, kế hoạch kinh doanh cũng như có khả năng ứng phó tốt với biến động thị trường, nâng cao lợi thế cạnh tranh, đảm bảo an toàn, lành mạnh và hiệu quả trong hoạt động ngân hàng. Tuy nhiên, khi nguồn nhân lực chất lượng cao khan hiếm, các ngân hàng buộc phải tăng chi phí để tìm kiếm nguồn nhân lực phù hợp hoặc giữ lại những lao động có thâm niên kinh nghiệm, do đó làm chi phí hoạt động tăng lên nhưng chất lượng, năng suất hoạt động có thể không tăng tương ứng, chính vì vậy ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả hoạt động của ngân hàng.