Công cụ của chính sách tiền tệ
Công cụ của chính sách tiền tệ
Thông qua sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ, NHTW có thể tác động trực tiếp hoặc gián tiếp tới mục tiêu hoạt động, qua đó tác động tới các mục tiêu trung gian và sau đó là các mục tiêu cuối cùng của hính sách tiền tệ. Về cơ bản, NHTW sử dụng ba loại công cụ, đó là nghiệp vụ thị trường mở, chính sách chiết khấu, và dự trữ bắt buộc. Những công cụ này có nhiều biến đổi qua thời gian và trong những bối cảnh kinh tế khác nhau được sử dụng, phối hợp với nhau theo một định hướng, chủ đích nhất định của người làm chính sách. Trong thực tế, các công cụ này được vận dụng linh hoạt thành các công cụ như lãi suất NHTW trả cho các khoản dự trữ bắt buộc và vượt mức, lãi suất tái chiết khấu, tín phiếu NHTW và lãi suất tín phiếu Kho bạc…
1. Nghiệp vụ thị trường mở
Nghiệp vụ thị trường mở là việc NHTW thực hiện mua, bán ngắn hạn các loại giấy tờ có giá trên thị trường tiền tệ. Nghiệp vụ này tác động đến khối lượng dự trữ của các NHTM, khả năng cung ứng tín dụng và qua đó làm thay đổi khối lượng tiền tệ. Ngoài ra, nghiệp vụ thị trường mở còn ảnh hưởng tới lãi suất trên thị trường liên ngân hàng và lan truyền tới các lãi suất khác trên thị trường, và tác động tới tổng cầu của nền kinh tế thông qua tác động tới nhu cầu tiêu dùng và đầu tư.
Các giấy tờ có giá được sử dụng trên thị trường mở là: tín phiếu kho bạc, trái phiếu chính phủ, thương phiếu…. Các thành viên tham gia thị trường mở là các NHTM, các tổ chức tài chính phi ngân hàng, và các doanh nghiệp đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn để được cấp giấy phép tham gia thị trường mở.
2. Chính sách chiết khấu
Công cụ chiết khấu là công cụ chính sách tiền tệ nhằm cung ứng vốn ngắn hạn và phương tiện thanh toán cho các NHTM. Thông qua cho các NHTM vay, NHTW hướng đến mục tiêu làm tăng thêm tiền dự trữ cho hệ thống, từ đó làm tăng thêm lượng tiền cung ứng và ngược lại. NHTW kiểm soát công cụ này chủ yếu bằng cách tác động đến giá cả khoản vay (lãi suất cho vay tái chiết khấu) và các điều kiện cần đạt được để được vay từ NHTW. Những thay đổi trong quy định về hạn mức chiết khấu, lãi suất chiết khấu, các điều kiện chiết khấu ảnh hưởng đến mong muốn và khả năng đi vay chiết khấu của các NHTM.
3. Dự trữ bắt buộc
Dự trữ bắt buộc là một phần số dư tiền gửi các loại mà các NHTM phải dự trữ dưới dạng tiền mặt hoặc tiền gửi tại NHTW. Tỷ lệ dự trữ bắt buộc được xác định bằng một tỷ lệ phần trăm nhất định trên tổng số dư tiền gửi tại một khoảng thời gian nào đó. Mức dự trữ bắt buộc được quy định khác nhau căn cứ vào thời hạn tiền gửi, vào quy mô và tính chất hoạt động của TCTD. Điều chỉnh dự trữ bắt buộc có tác động trực tiếp vào lượng tiền cơ sở, từ đó tác động đến lượng cung tiền trong nền kinh tế.
Bên cạnh ba công cụ cơ bản này, các NHTW còn sử dụng một số công cụ khác như điều chỉnh tỷ giá, lãi suất đối với dự trữ bắt buộc và dự trữ vượt mức, đặc biệt là một số công cụ chính sách phi truyền thống (unconventional) được các NHTW các nước sử dụng trong bối cảnh các công cụ truyền thống kể trên không còn phát huy được nhiều tác dụng. Các công cụ chính sách phi truyền thống có thể được chia thành ba nhóm chính, bao gồm: (i) việc bảo đảm với các nhà đầu tư rằng lãi suất ngắn hạn trong tương lai sẽ được giữ ở mức thấp hơn so với kỳ vọng hiện tại của họ (hiệu ứng cam kết – commitment effect); (ii) gia tăng quy mô bảng tổng kết tài sản của NHTW vượt mức thông thường để giữ lãi suất chính sách ngắn hạn bằng không, các biện pháp này nhằm gia tăng dự trữ của hệ thống ngân hàng thông qua nghiệp vụ thị trường mở hoặc can thiệp trên thị trường ngoại hối (quantitative easing); và (iii) thay đổi lượng cung các loại giấy tờ có giá trên thị trường thông qua việc thay đổi thành phần bảng tổng kết tài sản của NHTW (qualitative easing/credit easing).