Quản lý côngTin chuyên ngành

Nguyên tắc quản lý ngân sách bảo đảm ngành nhà trường

Nguyên tắc quản lý ngân sách bảo đảm ngành nhà trường

Nguyên tắc thống nhất và cân đối ngân sách nhà nước

Nguyên tắc thống nhất bảo đảm mọi khoản thu, chi ngân sách bảo đảm ngành nhà trường của mọi cấp phải được phản ánh vào trong kế hoạch thống nhất; được quản lý thống nhất từ BQP đến đơn vị cấp cơ sở, chi tiêu sử dụng NSNN và quyết toán NSNN thống nhất theo khoản, mục, của mục lục NSNN trong quân đội và chỉ tiêu NSNN được cấp. Kế toán NSNN thống nhất, lập báo cáo quyết toán NSNN theo mẫu biểu thống nhất do Cục Tài chính ban hành và hướng dẫn thực hiện của ngành tài chính – Cục Nhà trường.

Cân đối NSNN là một đòi hỏi có tính khách quan xuất phát từ khả năng thực tiễn nền kinh tế và hoạt động tài chính quân đội. NSQP được NSNN cấp trên cơ sở cân đối toàn bộ nền kinh tế và nhiệm vụ quân sự quốc phòng trong mỗi giai đoạn, mỗi năm nhất định.

Trên cơ sở chỉ tiêu NSNN được cấp, NSQP bảo đảm cân đối cho các nhu cầu tài chính của các nhiệm vụ, các ngành, các đơn vị.

 Cân đối NSNN ngoài sự cân bằng về thu chi, còn là sự hài hoà hợp lý trong cơ cấu thu, chi; giữa các khoản thu, chi; các lĩnh vực, các ngành, các cấp, các đơn vị.

Nguyên tắc đảm bảo cân đối NSNN phải được quán triệt chặt chẽ trong cả quá trình quản lý NSNN. Tính tuyệt đối của nguyên tắc yêu cầu các khoản chi chỉ được phép thực hiện khi đã có đủ nguồn thu bù đắp hoặc đáp ứng; trong lập và chấp hành NSNN phải đảm bảo qui trình khoa học khi xem xét thứ tự ưu tiên của khoản chi, cắt giảm những khoản chi chưa thật cần thiết, tập trung cho những nội dung, nhiệm vụ trọng tâm.

Nguyên tắc đầy đủ, trọn vẹn

Mọi nguồn thu và các khoản chi ngân sách bảo đảm ngành nhà trường đều phải ghi đầy đủ vào dự toán NSNN. Việc bảo đảm của NSNN cho các hoạt động của Quân đội nói chung, cho hoạt động nhà trường trong quân đội nói riêng cơ bản phải đầy đủ.

Nguyên tắc đầy đủ, trọn vẹn phản ánh đúng mục đích chi tiêu NSNN và minh bạch các khoản thu, chi được thực hiện ở các khâu lập dự toán NSNN, chấp hành NSNN, kế toán và quyết toán NSNN.

Nguyên tắc công khai, minh bạch, dân chủ và công bằng

Quản lý NSNN phải công khai, minh bạch, xuất phát từ đòi hỏi chính đáng của mọi người trong một tổ chức, một đơn vị với tư cách là người đóng góp hoặc được hưởng NSNN, đồng thời còn là một trong  những nội dung của đổi mới quản lý NSNN.

Công khai NSNN là một nội dung của công khai tài chính nhằm bảo đảm thực hiện quyền kiểm tra giám sát của các cơ quan đơn vị, của quân nhân, công nhân viên quốc phòng trong quá trình phân phối NSNN quản lý và sử dụng tiền vốn, tài sản của nhà nước, của quân đội và các khoản thu tại đơn vị, thực hiện có hiệu quả Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và Luật phòng chống tham nhũng.

Công khai NSQP trong đó có ngân sách bảo đảm ngành nhà trường được thực hiện hàng năm. Công khai cả dự toán NSNN và quyết toán NSNN. Thông tin cung cấp phải đảm bảo đầy đủ, chính xác kịp thời, rành mạch, có hệ thống và phù hợp với chế độ bảo mật tới từng đối tượng tiếp nhận thông tin theo những hình thức thích hợp.

Xem thêm: Yêu cầu quản lý ngân sách bảo đảm cho giáo dục đào tạo ở các trường quân đội

Các cơ quan, nhà trường được tiếp nhận thông tin về công khai ngân sách nhà nước bảo đảm ngành nhà trường, có quyền được chất vấn Thủ trưởng Cục và ngành tài chính Cục Nhà trường có trách nhiệm công khai phải trả lời về các nội dung công khai trong quản lý ngân sách nhà nước, không được che đậy, bào chữa đối với mọi khoản thu, chi ngân sách nhà nước.

Công khai, minh bạch ngân sách nhà nước là cơ sở thực hiện dân chủ và công bằng trong phân phối và sử dụng NSNN. Thực hiện được nguyên tắc này sẽ làm cho môi trường quản lý ngân sách nhà nước dần dần trở nên trong suốt, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị, cụ thể là các nhà trường chủ động và có trách nhiệm trong chi tiêu sử dụng NSNN, là cơ sở để đánh giá kết quả hoạt động và quản lý tài chính của các nhà trường.

Nguyên tắc đảm bảo trách nhiệm

Các đơn vị, nhà trường được giao một khối lượng lớn ngân sách nhà nước để thực hiện nhiệm vụ vừa là người có quyền chủ động chi tiêu theo dự toán ngân sách nhà nước đã được duyệt đồng thời có trách nhiệm quản lý toàn bộ số ngân sách nhà nước đã được giao.

Các cấp các ngành phải chịu trách nhiệm hữu hiệu về toàn bộ quá trình quản lý ngân sách nhà nước, về kết quả thu, chi ngân sách nhà nước. Quá trình sử dụng ngân sách nhà nước được cấp phải đúng nội dung, đúng mục đích, và đạt hiệu quả cao.

Theo cơ chế quản lý và điều hành NSNN, tuỳ chức trách của mình mà các cá nhân, tập thể chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý cấp trên về chất lượng công tác quản lý điều hành NSNN của cấp mình. Vì vậy muốn thực hiện được nguyên tắc này đòi hỏi phải thực hiện đúng cơ chế quản lý: Đảng uỷ lãnh đạo, người chỉ huy điều hành, cơ quan tài chính tham mưu và tổ chức thực hiện.

Nguyên tắc quản lý ngân sách bảo đảm ngành nhà trường

Ngọc Thi

Tôi luôn muốn góp một phần nhỏ những kinh nghiệm của mình giúp các anh chị hoàn thành tốt luận án tiến sĩ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *