Đặc điểm các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập
Đặc điểm các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập
Theo Điều 48, Luật Giáo dục (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, có hiệu lực từ ngày 1 tháng 7 năm 2010), trường ĐH, CĐ ở Việt Nam trong hệ thống giáo dục quốc dân được tổ chức gộp thành các loại hình sau: Trường đại học công lập, trường đại học dân lập, trường đại học tư thục, trường đại học 100% vốn nước ngoài. Như vậy, ngoài trường đại học công lập ra thì các trường đại học ngoài công lập gồm có các trường dân lập, bán công và tư thục, trường đại học 100% vốn nước ngoài hoạt động chủ yếu từ nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước, thu hút các nguồn lực xã hội để làm giáo dục, tuân thủ pháp luật hiện hành, phù hợp với Điều lệ Trường đại học Việt Nam [39].
Trường đại học, cao đẳng ngoài công lập là những cơ sở giáo dục ĐH và CĐ, do các nhà đầu tư bao gồm các tổ chức, cá nhân đứng ra thành lập. Tuân thủ theo quy định của Luật giáo dục. Kinh phí để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm sự hoạt động bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước. Tính chất hoạt động của các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập có nhiều nét tương đồng với một tổ chức hay một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xã hội về lĩnh vực giáo dục.
Về bản chất, các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập là một dạng doanh nghiệp đặc thù hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ GD&ĐT. NNL có vai trò rất quan trọng, quyết định sự phát triển hay thành bại của các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng ngoài công lập không chỉ trước mắt mà cả trong tương lai.
Trường đại học công lập và ngoài công lập có những đặc trưng cơ bản đồng nhất với nhau. Tính đồng nhất đó được thể hiện ở những nội dung sau:
Thứ nhất: đại học NCL và đại học công lập đều là tổ chức cơ sở trong hệ thống giáo dục đại học: điều kiện thủ tục thành lập trường như nhau do Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định, Thủ tướng ra quyết định dựa trên cơ sở bảo đảm những điều kiện về thành lập và họat động của trường. Địa vị pháp lý, sản phẩm đầu ra các hoạt động cơ bản, cán bộ, giảng viên và người học đều có quyền bình đẳng trước pháp luật. Hoạt động của trường đều dựa trên nguyên tắc không vụ lợi.
Thứ hai: Tổ chức, cơ chế, công cụ và mục tiêu quản lý Nhà nước với hai loại hình đại học NCL và công lập về cơ bản là như nhau, vì các hoạt động cơ bản của trường như: Đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ và các hoạt động dịch vụ khác đều phải tuân theo quy chế chung do Bộ GD&ĐT và các Bô, ngành khác quy định. Quản lý Nhà nước đều nhằm bảo đảm các hoạt động của trường vận hành phù hợp với các quy luật khách quan, tuân thủ đúng pháp luật, phải đáp ứng tốt nhất mục tiêu, yêu cầu quản lý Nhà nước, đảm bảo lợi ích hợp lý, chính đáng của người học.
Thứ ba: Nguồn tài chính đầu tư xây dựng cơ sở vật chất của nhà trường đều từ nguồn thu nhập quốc dân, của nhân dân.
Bên cạnh những điểm tương đồng trên, trường đại học, cao đẳng công lập và trường đại học, cao đẳng ngoài công lập có sự khác nhau cơ bản đó là:
– Về mặt sở hữu: Trường Đại học công lập do Nhà nước thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, bảo đảm kinh phí cho các nhiệm vụ chi thường xuyên. Chính vì vậy, chủ sở hữu ở các trường này là của nhà nước, của toàn dân. Còn trường đại học ngoài công lập là do các nhà đầu tư bao gồm các tổ chức, cá nhân đứng ra thành lập, chủ sỡ hữu là của các cổ đông, các nhà sáng lập.
– Về mặt tài chính: Nguồn ngân sách của các trường đại học công lập lấy trực tiếp từ nguồn ngân sách nhà nước, mà ngân sách có được chủ yếu từ thuế của công dân đóng góp. Còn các trường đại học ngoài công lập nguồn tài chính được lấy từ nguồn ngoài ngân sách, do các nhà đầu tư trực tiếp đóng góp. Đây là một đặc trưng khác nhau cơ bản giữa hai loại hình đại học công lập và đại học ngoài công lập. Tuy nhiên, ngay cả đặc trưng khác nhau này cũng dần dần được thu hẹp. Nhà nước tuy không trực tiếp lấy từ ngân sách để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các trường NCL nhưng nhà nước đã dùng chính sách kinh tế khác để gián tiếp đầu tư, như các chính sách: miễn giảm thuế, ưu đãi lãi suất tín dụng đầu tư; giảm thuế thu nhập; miễn thuế trước bạ và quyền thuê đất,… Nhờ đó mà các trường đại học ngoài công lập tăng kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất.
Mặt khác, nhà nước lại có những chính sách hạn chế bao cấp, nâng cao mức độ xã hội hóa đầu tư tài chính cho các trường công lập để đảm bảo sự bình đẳng giữa các công dân trong các trường đại học công lập và đại học ngoài công lập. Ngày 24 tháng 10 năm 2014 Thủ tướng chính phủ đã ra quyết định cho phép một số các trường đại học công lập tự chủ, tự chịu trách nhiệm về các hoạt động của mình. Trong đó, điểm quan trọng nhất là tự hạch toán cân đối về tài chính, không còn được nhà nước bao cấp như trước đây. Điều này đã một phần thể hiện sự bình đẳng giữa các trường công lập và ngoài công lập.
Các trường CĐ, đại học ngoài công lập trong hoạt động quản lý các quan hệ tài chính chỉ có khác nhau về sự luân chuyển nguồn vốn đầu tư vào cơ sở vật chất. Còn các quan hệ tài chính khác như: Thu học phí, đảm bảo chi phí thường xuyên; phân phối thu nhập để hình thành quỹ tiền lương, quỹ phúc lợi, quỹ khen thưởng, quỹ đầu tư phát triển,… không thể khác với các trường công lập. Về quản lý các hoạt động tài chính cũng phải đảm bảo quyền tự chủ đi đôi với tự chịu trách nhiệm. Tính minh bạch công khai, giải quyết hài hòa lợi ích giữa các chủ thể pháp nhân: người góp vốn; người góp tài sản trí tuệ và công sức.
– Về mặt tổ chức nhân sự: Cơ cấu tổ chức nhân sự của trường đại học công lập và đại học ngoài công lập khác nhau ở chỗ: Trường công lập có Hội đồng trường. Chủ tịch Hội đồng trường do đại diện của các phòng, các khoa và các đơn vị trong nhà trường bầu ra; Hiệu trưởng nhà trường do BGD&ĐT ra quyết định. Còn các trường NCL thì có HĐQT. Chủ tịch HĐQT do đại hội đồng cổ đông bầu ra; Hiệu trưởng do HĐQT đề xuất và được BGD&ĐT hoặc Chủ tịch UBND cấp tỉnh ra quyết định công nhận. Việc ra quyết định bổ nhiệm Hiệu trưởng (đối với trường công lập) hoặc ra quyết định công nhận Hiệu trưởng (đối với các trường NCL) các tiêu chí, quy định về học hàm, học vị giống nhau. Thời gian nghỉ hưu thôi không điều hành đối với Chủ tịch Hội đồng trường và Hiệu trưởng là tuổi không quá 60 (đối với nam) và không quá 55 (đối với nữ). Còn trường đại học ngoài công lập thì thời gian thôi không điều hành đối với Chủ tịch HĐQT và Hiệu trưởng là không quá 70 tuổi. Ngoài ra, các vị trí nhân sự khác các tiêu chí bổ nhiệm và đề bạt cũng giống nhau.
– Vai trò của HĐQT là người tổ chức, thành lập và đề ra các chiến lược để vận hành, phát triển trường đại học theo đúng hướng của nhà nước đề ra. Còn vai trò của BGH đứng đầu là Hiệu trưởng là người thực thi các nghị quyết của HĐQT, trực tiếp điều hành các lĩnh vực hoạt động của nhà trường nhằm đạt được mục tiêu đào tạo. Mối quan hệ giữa HĐQT và BGH là mối quan hệ hữu cơ không thể tách rời nhau, tuân thủ nguyên tắc hoạt động chung của một trường đại học theo quy định của Luật giáo dục đại học đã đước Quốc hội thông qua năm 2012. HĐQT và BGH trong các trường đại học ngoài công lập hầu hết cùng là những nhà đầu tư nên họ phấn đấu vì quyền lợi và mục đích chung nên thường ít xảy ra mâu thuẫn. Đây cũng là điểm khác biệt giữa các trường đại học công lập và đại học ngoài công lập.