Các nhân tố ảnh hưởng đến truyền tải chính sách tiền tệ qua kênh khả năng cấp tín dụng của các ngân hàng thương mại
Các nhân tố ảnh hưởng đến truyền tải chính sách tiền tệ qua kênh khả năng cấp tín dụng của các ngân hàng thương mại
Các nhân tố ảnh hưởng tới truyền tải CSTT qua kênh khả năng cấp tín dụng nằm hai bên bảng cân đối tài sản và báo cáo kết quả kinh doanh của ngân hàng. Chất lượng tài sản thấp, tỷ trọng thấp các tài sản có tính thanh khoản cao sẽ làm giảm mạnh khả năng cấp tín dụng của hệ thống ngân. Tương ứng, các khoản tiền gửi thiếu ổn định, ngắn hạn và thiếu các giấy tờ có giá để giao dịch trên thị trường thứ cấp là các nhân tố cản trở các ngân hàng mở rộng tín dụng. Ngoài ra, nguồn thu nhập quá tập trung vào lãi vay (thiếu đa dạng hóa hoạt động kinh doanh) sẽ khiến khả năng chấp nhận rủi ro gia tăng, khả năng chịu đựng thua lỗ từ hoạt động tín dụng của các ngân hàng giảm trong bối cảnh nợ quá hạn, nợ xấu phát sinh (DPRR tăng làm lợi nhuận giảm), khiến các ngân hàng ngần ngại hơn trong việc mở rộng tín dụng.
a/ Tỷ trọng tín dụng trong tổng tài sản
Nếu tỷ trọng tín dụng trong TTS của NHTM là thấp, các NHTM sẽ còn dư địa mở rộng tín dụng khi NHTW thực hiện CSTT nới lỏng (hoặc tiếp tục cấp tín dụng trong trường hợp CSTT thắt chặt) thông qua việc chuyển các tài sản có tính lỏng cao thành tiền mặt để cấp tín dụng cho nền kinh tế. Ngược lại, một NHTM có tỷ trọng tín dụng cao sẽ gặp phải trở ngại khi phải huy động thêm vốn trên thị trường (với mức lãi suất cao hơn), vay NHTW (đáp ứng các điều kiện tài chính chặt chẽ hơn), và đáp ứng các quy định về an toàn vốn trong trường hợp tổng tài sản có rủi ro của NHTM đã ở mức cao… Nghiên cứu của Eid (2011) cho thấy với ngân hàng có tỷ trọng tín dụng trong TTS lớn hơn 75% không thể hiện hành vi chấp nhận rủi ro trong thời kỳ lãi suất thấp; nhưng các ngân hàng có tỷ trọng này thấp hơn 30% cho thấy ảnh hưởng của CSTT nới lỏng tới việc chấp nhận rủi ro của ngân hàng là rất đáng kể, các ngân hàng này sẽ có xu hướng mở rộng hoặc thu hẹp tín dụng rất nhanh và mạnh trong thời gian ngắn (tuy nhiên, tỷ lệ này còn phụ thuộc vào đặc điểm của từng hệ thống ngân hàng) [61].
b/ Tỷ lệ nợ xấu (dự phòng rủi ro) trên dư nợ tín dụng
Tỷ lệ nợ xấu cao làm giảm nguồn lực tài chính dành để cấp tín dụng của các NHTM (do phải tập trung vào trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý nợ xấu) đồng thời cũng khiến cho các NHTM thận trọng hơn trong việc cấp tín dụng do lo ngại nợ xấu có thể tiếp tục phát sinh (ảnh hưởng tới an toàn hoạt động ngân hàng hoặc phải chịu sự giám sát chặt chẽ của NHTW). Ngược lại, NHTM với tỷ lệ DPRR cao sẽ có thể sử dụng dự phòng để xử lý nhanh nợ xấu, qua đó dễ dàng đẩy mạnh tín dụng ra nền kinh tế hơn (đặc biệt là trong điều kiện lãi suất thấp khi NHTW thực hiện CSTT nới lỏng). Delis và các cộng sự (2011) đã chỉ ra tỷ lệ dự phòng rủi ro tín dụng trên tổng dư nợ tăng khiến ngân hàng gia tăng chấp nhận rủi ro [55].
c/ Tính thanh khoản của ngân hàng
Tính thanh khoản của ngân hàng thường được thể hiện bởi việc nắm giữ các tài sản có tính thanh khoản cao như tiền mặt, tiền gửi tại NHTW và các TCTD, và giấy tờ có giá (trái phiếu Chính phủ). Trong điều kiện CSTT nới lỏng, các NHTM với tài sản có tính thanh khoản cao sẽ dễ dàng chuyển đổi (về mặt thời gian và chi phí) các tài sản này thành tiền để cấp tín dụng cho khách hàng. Tuy nhiên, nếu thị trường tài chính xảy ra bất ổn, các giấy tờ có giá có tính thanh khoản cao thường giảm tính thanh khoản nhanh chóng cũng như khả năng xảy ra hiện tượng rút tiền ồ ạt từ người gửi tiền sẽ khiến cho các NHTM thận trọng hơn với việc mở rộng tín dụng (thay vào đó, ngân hàng duy trì tỷ lệ thanh khoản cao). Westerlund (2003), Havro và Vale (2011) đã kêt luận thanh khoản có ảnh hưởng tới quá trình cấp tín dụng khi tìm ra bằng chứng các ngân hàng với danh mục tài sản có tính thanh khoản cao có xu hướng cấp tín dụng dễ dàng hơn [125, 72].
Tính thanh khoản của NHTM có thể được xem xét trên khía cạnh khả năng huy động các nguồn vốn nhanh chóng và với chi phí thấp trong bối cảnh ngân hàng cần vốn để cấp tín dụng cho khách hàng. Một cơ cấu vốn ổn định, với tỷ trọng nguồn vốn trung dài hạn ở mức cao sẽ tạo điều kiện cho các NHTM mở rộng tín dụng thuận lợi.
d/ Tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng tài sản của ngân hàng
Ngân hàng có tỷ lệ vốn chủ sở hữu cao có thể gia tăng mức độ chấp nhận rủi ro (đủ khả năng hấp thụ các khoản thua lỗ phát sinh do rủi ro tín dụng), từ đó bảo đảm một mức tín dụng cấp cho nền kinh tế cao và ổn định hơn so với các ngân hàng còn lại. Quy định về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu có thể ảnh hưởng tới khả năng mở rộng tín dụng của ngân hàng thông qua việc kiểm soát sự biến động của tài sản có rủi ro. Foglia và các cộng sự (2010) sử dụng dữ liệu ngân hàng và doanh nghiệp để tách biệt kênh khả năng cấp tín dụng khỏi kênh bảng cân đối tài sản của người đi vay nhằm đánh giá tác động của việc siết chặt cung tín dụng ảnh hưởng tới nhu cầu đầu tư thực sau khi ngân hàng Lehman Brothers bị sụp đổ. Các tác giả nhận định ngân hàng với năng lực tài chính tốt, có kỳ hạn cân bằng ít có xu hướng hạn chế tín dụng hơn trong khi các doanh nghiệp gặp khó khăn hạn chế các khoản đầu tư lớn hơn các doanh nghiệp có tình hình tài chính và hoạt động kinh doanh mạnh [65].
Vi phạm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu còn khiến ngân hàng phải chịu sự giám sát chặt chẽ hơn từ các cơ quan quản lý, ảnh hưởng tới uy tín của ngân hàng và gây ra những phản ứng tiêu cực từ phía thị trường. Những điều này gây ra những chi phí rất lớn cho ngân hàng nên các ngân hàng vừa cố gắng duy trì một tỷ lệ an toàn vốn phù hợp, vừa tránh không vi phạm mức tối thiểu này. Nhìn chung, một NHTM có tỷ lệ an toàn vốn thấp sẽ thận trọng trong việc mở rộng tín dụng hơn các NHTM khác.
e/ Mức độ đa dạng hóa hoạt động kinh doanh của ngân hàng
Mức độ đa dạng hóa hoạt động kinh doanh của ngân hàng thể hiện thông qua phạm vi hoạt động tín dụng với hoạt động phi tín dụng của ngân hàng, có thể được đại diện một cách tương đối bằng cấu trúc thu nhập của ngân hàng. Tỷ lệ thu nhập ngoài lãi so với tổng thu nhập ở mức cao sẽ khiến NHTM dễ dàng chấp nhận mức độ rủi ro từ hoạt động tín dụng nhiều hơn, từ đó làm gia tăng mong muốn và khả năng cấp tín dụng cho khách hàng. Bên cạnh đó, thu nhập ngoài lãi lại bắt nguồn từ các hoạt động phi tín dụng về bản chất là ít biến động (hệ số tương quan với hoạt động tín dụng thấp và ít chịu ảnh hưởng từ thay đổi CSTT hơn), và chịu ít hơn các quy định hơn so với hoạt động tín dụng và đầu tư [56] là lý do khiến các ngân hàng có nguồn thu đa dạng hơn sẽ sẵn sàng chấp nhận rủi ro cao hơn trong bối cảnh NHTW thực hiện nới lỏng lại CSTT sau giai đoạn thắt chặt trước đó.
f/ Mức độ đa dạng hóa danh mục tín dụng của ngân hàng
Tương tự với danh mục đầu tư, danh mục tín dụng của NHTM được đa dạng hóa sẽ giúp làm giảm rủi ro cho ngân hàng. Vì thế, ngân hàng với mức độ đa dạng hóa danh mục tín dụng cao sẽ có nhiều khả năng để chấp nhận rủi ro cao hơn (khả năng mở rộng tín dụng cao hơn). Tuy nhiên, khi mức độ liên kết giữa các ngành được cấp tín dụng ngày càng tăng (đặc biệt là trong giai đoạn suy thoái kinh tế), các cú sốc tác động tới nền kinh tế sẽ không chỉ tác động tới một vài ngành hay tác động ngược chiều giữa các ngành để loại trừ rủi ro mà có thể ảnh hưởng tiêu cực tới tất cả các ngành, làm gia tăng rủi ro của toàn bộ danh mục tín dụng, khiến khả năng mở rộng tín dụng của NHTM giảm xuống.
g/ Khả năng sinh lời của ngân hàng
Ngân hàng có khả năng sinh lời cao có thể sẵn sàng chấp nhận các khoản tín dụng có dòng tiền biến động lớn hơn, tức là giảm bớt các tiêu chuẩn cho vay của mình, tạo điều kiện mở rộng tín dụng khi NHTW điều chỉnh CSTT. Nghiên cứu thực nghiệm của Delis và cộng sự (2011) cũng đã xác nhận mối quan hệ này [55].
Ngoài các nhân tố kể trên, kênh khả năng cấp tín dụng của hệ thống ngân hàng còn chịu ảnh hưởng của một số nhân tố khác như nhiều kênh truyền tải CSTT khác như quy mô của thị trường tài chính chính thức (so với thị trường tài chính phi chính thức), mức độ hiệu quả của TTLNH…
a/ Quy mô và sự phát triển của thị trường tài chính chính thức
Ở bất kỳ quốc gia nào, giao dịch tín dụng nói riêng và các giao dịch tài chính nói chung có thể được thực hiện trong khu vực chính thức hoặc phi chính thức. Tại những quốc gia mà môi trường nền tảng cho sự phát triển chính thức kém phát triển, hầu hết những người tham gia vào các giao dịch phi chính thức phải dựa vào những thông tin kém chất lượng để giải quyết tình trạng thông tin bất cân xứng và sử dụng các biện pháp không chính thức để bảo đảm hợp đồng tín dụng được thực hiện. Trong trường hợp này, hệ thống tài chính chính thức (bao gồm hệ thống NHTM) có quy mô nhỏ và chỉ thực hiện được một phần nhỏ vai trò trung gian tài chính trong nền kinh tế.
Khi quy mô của thị trường tài chính chính thức là nhỏ thì trước hết, NHTW sẽ khó kiểm soát cũng như nhận biết kịp thời những bất ổn trong nền kinh tế để đưa ra các chính sách phù hợp. Sau đó, ngay cả khi NHTW đã đưa ra được chính sách thì phần lớn hoạt động của nền kinh tế sẽ không phản ứng với sự thay đổi của các biến số trung gian cũng như hoạt động của các trung gian tài chính chính thức. Kết quả là ảnh hưởng của điều hành CSTT tới các biến số của các trung gian tài chính sẽ chỉ gây ra tác động nhỏ tới tổng cầu của nền kinh tế, không đạt được những kỳ vọng mà NHTW mong muốn.
Tương tự, Havro và Vale (2011), Ciccarelli và các cộng sự (2010), de Haas và van Horen (2010) và Boissay (2011) đưa ra nhận định quá trình truyền tải CSTT phụ thuộc nhiều vào điều kiện của thị trường tài chính. Ví dụ, sự giảm xuống trong mức độ thanh khoản của thị trường sẽ làm giảm đi đáng kể vai trò của kênh truyền tải qua kênh tín dụng [72, 52, 54, 40].
b/ Mức độ hiệu quả của thị trường liên ngân hàng
Thị trường liên ngân hàng đóng vai trò cầu nối, khi vừa là nơi cung cấp thông tin cho công tác điều hành của NHTW, vừa là điểm khởi đầu của quá trình truyền tải những thay đổi của công cụ CSTT tới hệ thống trung gian là các NHTM. Nếu TTLNH kém phát triển với các đặc điểm như tính thanh khoản thấp, thiếu các chủ thể tham gia hoặc tồn tại sự không đồng đều giữa các chủ thể tham gia, hoặc hoạt động thiếu ổn định do thiếu sự quản lý của NHTW… thì xác suất xảy ra những biến tướng trên thị trường này sẽ tăng lên. Khi TTLNH không phản ánh được được lượng vốn dư thừa hay thiếu hụt từ phía các NHTM (đồng thời không xác định được chi phí vốn), NHTW khó nắm được tình hình tiền tệ trên thị trường một cũng như mức độ rủi ro thanh khoản của hệ thống. Điều này trước tiên làm ảnh hưởng tới khả năng đưa ra những quyết định kịp thời và phù hợp để tác động tới lượng vốn khả dụng và chi phí vốn của hệ thống NHTM. Kế đến, khả năng truyền tải những tác động từ CSTT tới thị trường của NHTW và NHTM bị hạn chế phần nào. Đơn cử, khi NHTW thực hiện CSTT thắt chặt, một số NHTM yếu kém không đủ điều kiện vay trên TTLNH và đối mặt với rủi ro thanh khoản lớn, buộc phải quay sang vay NHTW (thay vì vay trên thị trường liên ngân hàng). Đặc điểm này khiến cho NHTW cùng một lúc phải thắt chặt CSSTT nhưng cũng phải nỗ lực bảo đảm an toàn hoạt động cho hệ thống ngân hàng, khiến cho mức độ hiệu lực của CSTT bị giảm đi phần nào.
c/ Mức độ phát triển của thị trường chứng khoán và bất động sản
Tình trạng thiếu phát triển tại thị trường thứ cấp các trái phiếu Chính phủ sẽ khiến cho NHTW gặp khó khăn trong việc điều hành CSTT thông qua các nghiệp vụ thị trường mở do thiếu đi các hàng hóa là giấy tờ có giá. Điều này sẽ làm giảm đi mức độ linh hoạt trong điều hành CSTT và từ đó ảnh hưởng tới hiệu quả truyền tải CSTT khi NHTW buộc phải sử dụng những công cụ có tác động mạnh vào dự trữ của hệ thống NHTM như điều chỉnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc, vốn dĩ sẽ gây ra sự xáo động mạnh trong lượng vốn khả dụng của các ngân hàng. Ngoài ra, việc thiếu hụt một thị trường trái phiếu Chính phủ phát triển còn dẫn tới hai vấn đề cho điều hành CSTT. Đơn cử, do quy mô các nhà đầu tư không phải là TCTD (như các quỹ đầu tư, công ty bảo hiểm, quỹ hưu trí…) là tương đối thấp, các NHTM buộc phải mua trái phiếu Chính phủ và điều này dẫn tới khả năng cấp tín dụng đối với nền kinh tế bị ảnh hưởng đáng kể. Việc không xây dựng được một đường cong lãi suất chuẩn dựa trên lãi suất trái phiếu Chính phủ làm ảnh hưởng không tốt tới hiệu quả truyền tải CSTT qua kênh lãi suất.
Ngoài ra, thị trường bất động sản, trái phiếu công ty, cổ phiếu, thị trường các công cụ nợ ngắn hạn của doanh nghiệp… kém phát triển sẽ khiến cho hiệu quả truyền tải CSTT thông qua kênh giá tài sản (qua đó có tác động tiêu cực nhất định tới kênh tín dụng) bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Khi NHTW thực hiện các giải pháp CSTT nhằm tác động tới nền kinh tế thông qua kênh giá tài sản nhưng các thị trường này phản ứng chậm chạp do sự thiếu nhạy cảm của thị trường với thay đổi trong lãi suất.
d/ Mức độ cạnh tranh trong hệ thống ngân hàng
Tại các quốc gia mà thị trường tài chính kém phát triển thì đi kèm với nó thường là thực trạng mức độ cạnh tranh kém và thiếu lành mạnh giữa các NHTM. Đặc điểm này diễn ra phổ biến tại các quốc gia mà quy mô của từng NHTM là nhỏ và thị phần tín dụng chủ yếu thuộc về các NHTM do Chính phủ nắm quyền sở hữu. Ngoài ra, việc thiếu đi sự cạnh tranh của các trung gian phi tài chính thì việc truyền tải tác động từ lãi suất chính sách đến lãi suất thị trường và dư nợ tín dụng bị giảm thiểu và chủ yếu chỉ tác động đến độ lớn chênh lệch lãi suất (spread) hơn là lãi suất thị trường. Đặc điểm này sẽ ảnh hưởng tới quá trình truyền tải CSTT từ mức lãi suất điều hành của NHTW tới mặt bằng lãi suất trên thị trường, tín dụng với nền kinh tế do các NHTM thiếu cạnh tranh hiệu quả sẽ phản ứng khá chậm chạp và không mang lại hiệu quả trong việc truyền tải CSTT như kỳ vọng.