Tiêu chí đánh giá kết quả đa dạng hóa hoạt động tín dụng của các NHTMCP
Tiêu chí đánh giá kết quả đa dạng hóa hoạt động tín dụng của các NHTMCP
Dựa vào phương hướng và loại đa dạng hóa cho thấy yêu cầu phát triển về số lượng, quy mô, tốc độ tăng trưởng các hình thức, các loại và phương thức cấp tín dụng và vận dụng một số chỉ tiêu theo tiêu chí CAMELS [32, tr.136], [117, tr.1-6], tác giả đưa ra các tiêu chí đánh giá kết quả đa dạng hóa hoạt động tín dụng bao gồm:
Một là, tiêu chí về số lượng: Số lượng các hình thức cấp tín dụng, số lượng loại và phương thức cấp tín dụng của các NHTMCP. Số lượng càng lớn, cho thấy sự đa dạng về mặt số lượng các hình thức cấp tín dụng, đa dạng về mặt số lượng các loại và phương thức cấp tín dụng.
Hai là, tiêu chí về quy mô: Tỷ trọng dư nợ của từng hình thức cấp tín dụng, dư nợ của mỗi loại và phương thức cấp tín dụng cho thấy mức độ tập trung của các NHTMCP. Tỷ trọng dư nợ càng cao, chứng tỏ mức độ tập trung càng cao của các NHTMCP đối với phát triển từng hình thức cấp tín dụng, đối với các loại và phương thức cấp tín dụng.
Ba là, tiêu chí về tốc độ tăng trưởng: Tốc độ tăng trưởng dư nợ từng hình thức cấp tín dụng, độ tăng trưởng dư nợ mỗi loại và phương thức cấp tín dụng. Tốc độ tăng trường càng cao, chứng tỏ sự thúc đẩy càng nhanh của các NHTMCP trong quá trình đa dạng hóa hoạt động tín dụng.
Bốn là, tiêu chí về an toàn: Đa dạng hóa các hình thức cấp tín dụng, các loại và phương thức cấp tín dụng đảm bảo không vượt ngưỡng an toàn đối với các chỉ tiêu theo tiêu chí CAMELS (xem Bảng 1.2), chứng tỏ quá trình đa dạng hóa hoạt động tín dụng của các NHTMCP đảm bảo hiệu quả và an toàn.
Tiêu chí CAMELS (CAMELS được viết tắt từ C: Capital: vốn, A: Asset: Tài sản, M: Management: Quản lý, E: Earnings: Lợi nhuận, L: Liquidity: Khả năng thanh khoản, S: Sensitivity: Độ nhạy cảm với rủi ro thị trường) bao gồm nhiều chỉ tiêu định lượng và định tính. Trong đó, có các chỉ tiêu tác động gián tiếp (Hệ số tạo vốn nội bộ, hệ số tài sản có thanh khoản/Tổng tài sản nợ,…) và các chỉ tiêu tác động trực tiếp đến quá trỉnh đa dạng hóa hoạt động tín dụng. Tác giả vận dụng một số chỉ tiêu tác động trực tiếp để đánh giá kết quả đa dạng hóa hoạt động tín dụng theo tiêu chí an toàn như sau:
Bảng 1.2. Một số chỉ tiêu theo tiêu chí CAMELS
Các yếu tố | Chỉ số |
Capital Adequacy (C)-An toàn vốn: Đây là phần vốn chủ sở hữu của TCTD và khả năng của TCTD đáp ứng các khoản cấp tín dụng ngày càng mở rộng cũng như các định hướng phát triển tài sản tiềm năng mà TCTD cần đạt được. Hệ thống phân tích CAMEL xem xét khả năng trong việc huy động thêm vốn chủ sở hữu và khả năng ứng phó đối với những cú sốc đến bản cân đối của TCTD. | Tỷ lệ an toàn vốn: Vốn ngân hàng/ Tài sản có điều chỉnh rủi ro (rủi ro tín dụng + rủi ro thị trường + rủi ro hoạt động) |
Asset Quality (A)-Chất lượng tài sản: Theo dõi chất lượng tài sản nói chung và các khoản cấp tín dụng nói riêng của các TCTD trong tiếp xúc với nhiều rủi ro. Vì vậy, phải theo dõi các chỉ số về chất lượng tài sản xem xét các khoản nợ xấu, sự phù hợp với hệ thống phân loại các khoản cấp tín dụng. | Tỷ lệ nợ xấu/Tổng dư nợ cho vay |
Tỷ lệ nợ xấu trừ dự phòng/Tổng dư nợ cho vay | |
Management (M)– Quản lý : Một yếu tố quyết định hiệu quả kinh doanh và sự an toàn của ngân hàng là năng lực và chất lượng quản lý. Nhưng rất khó đo lường, chủ yếu là yếu tố thuộc về chất lượng về quản lý con người, các chính sách quản lý chung của tổ chức, các hệ thống thông tin, các chế độ kiểm soát và kiểm toán nội bộ. Tuy vậy, một số chỉ tiêu có thể hiện về hiệu quả quản lý, tính hợp lý về quản lý. | Thu nhập từ các khoản cấp tín dụng/mỗi nhân viên |
Earnings (E)-Lợi nhuận: Đây là nhân tố quan trọng của việc phân tích mức độ hiệu quả các khoản cấp tín dụng. Phân tích khả năng tạo thu nhập từ các khoản cấp tín dụng, góp phần gia tăng vốn bền vững và chỉ ra triển vọng phát triển trong tương lai của TCTD | Tỷ lệ thu nhập từ cho vay/Tổng thu nhập |
Tỷ lệ thu nhập khác từ HĐTD /Tổng thu nhập | |
Liquidity (L)-Thanh khoản: Đây là nhân tố được sử dụng khi phân tích khả năng của TCTD trong việc xác định nhu cầu vốn cho vay nói riêng. Đánh giá khả năng thanh toán của các tài sản ngắn hạn cũng là một nhân tố rất quan trọng trong việc đánh giá tổng quan khả năng quản lý thanh khoản. | Tỷ lệ cho vay/vốn huy động |
Tỷ lệ vốn huy động ngắn hạn dùng cho vay trung dài hạn. | |
Sensitivity to market risk (S)-Độ nhạy cảm với các rủi ro thị trường: Hầu hết, các tài sản của các TCTD đều có liên quan đến rủi ro thị trường ở các mức độ khác nhau. Trong HĐTD có sự nhạy cảm trước biến động về lãi suất, tỷ giá hoặc những thay đổi giá cả trên thị trường tài chính. |
Nguồn: [32, tr.136] và [117, tr.1-6]