Giải pháp xây dựng thị trường mua bán nợ tại Việt Nam
Giải pháp xây dựng thị trường mua bán nợ tại Việt Nam
3.1. Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý
– Cần nghiên cứu và ban hành Nghị định quy định về điều kiện mua bán nợ, trong đó nội dung cần bao trùm theo hướng quy định về kinh doanh dịch vụ mua bán nợ xấu để đảm bảo khuôn khổ pháp lý điều chỉnh hoạt động mua bán nợ xấu. Đồng thời, Nghị định cũng cần quy định theo hướng giảm thiểu các thủ tục, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh dịch vụ mua bán nợ xấu thằm thúc đẩy thị trường mua bán nợ xấu phát triển.
– Cần nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện các quy định về tổ chức hoạt động của AMC để các AMC có thể tham gia thị trường mua bán nợ xấu một cách đúng nghĩa thay cho thực trạng hiện nay chỉ là nơi để ngân hàng mẹ ủy thác xử lý các khoản nợ xấu thông qua khai thác tài sản đảm bảo, thu hồi nợ trực tiếp.
– Tạo môi trường thuận lợi để khuyến khích thành lập các công ty mua bán nợ tư nhân bằng cách hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đầy đủ và đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty mua bán nợ tham gia vào thị trường mua bán nợ xấu; thông qua các quyền hạn đặc thù – các quyền hạn cho phép bỏ qua các quy trình tố tụng phức tạp – nhằm rút ngắn khâu thủ tục pháp lý, rút ngắn thời gian trong quá trình xử lý nợ xấu. Điều này sẽ giúp làm giảm chi phí hoạt động vì quá trình tái cấu trúc tài chính và cơ cấu lại hoạt động doanh nghiệp (khách nợ) nhanh hơn. Đặc biệt trong các trường hợp mà việc xử lý nhanh giúp giảm thiểu khả năng hư hỏng hoặc bảo toàn giá trị tài sản.
– Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý và cơ chế thực thi liên quan đến phá sản doanh nghiệp nhằm tạo cơ sở pháp lý cần thiết cho việc xử lý nợ xấu và thực hiện các giải pháp nhằm thu hồi nợ. Đây cũng là mong muốn của thị trường, của các nhà đầu tư, các cơ quan đánh giá tín nhiệm. Điều này sẽ khuyến khích hoạt động mua bán nợ xấu.
– Cần nghiên cứu, sửa đổi quy định về đăng ký giao dịch bảo đảm theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho bên mua nợ xấu khi thực hiện các thủ tục đăng ký thay đổi đối với tài sản bảo đảm đi kèm khoản nợ.
3.2. Tăng cường hợp tác quốc tế
Thị trường mua bán nợ xấu tại Việt Nam mới bắt đầu hình thành, do đó vẫn là một lĩnh vực còn mới mẻ đối với Việt Nam. Để vận hành và phát triển thị trường mua bán nợ xấu tại Việt Nam, cần quan tâm giải quyết các vấn đề sau:
– Thành lập các đoàn đi khảo sát và học tập kinh nghiệm ở các nước có thị trường mua bán nợ xấu phát triển và có xuất phát điểm gần giống Việt Nam. Qua đó, học tập kinh nghiệm và đề ra những bước đi phù hợp với sự phát triển của thị trường tài chính, trong đó có thị trường mua bán nợ xấu.
– Mời hoặc thuê các chuyên gia có bề dầy kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển thị trường mua bán nợ xấu trên thế giới làm cố vấn về vấn đề phát triển thị trường mua bán nợ xấu.
– Thường xuyên trao đổi giữa các đoàn đi khảo sát với các quốc gia có thị trường mua bán nợ xấu phát triển.
– Gửi cán bộ đi học tập kiến thức về lĩnh vực mua bán nợ xấu dưới hình thức các lớp học ngắn và trung hạn tại các nước phát triển.
3.3. Xây dựng hệ thống cơ sở xác định giá bán nợ xấu
Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các cơ quan liên quan cần thống nhất trong việc xây dựng hệ thống cơ sở xác định giá trị khoản nợ xấu để làm cơ sở đàm phán giữa bên mua và bên bán. Bởi hiện tại, trong giao dịch mua bán nợ xấu, sự chênh lệch lớn giữa giá chào mua và giá chấp nhận bán làm kéo dài thời gian đàm phán và dẫn đến thất bại trong giao dịch.
Xem thêm : Khái niệm phát triển thị trường mua bán nợ
Bên cạnh đó, nên nghiên cứu việc cho ra đời hoạt động của các công ty định giá có chức năng định giá độc lập các khoản nợ xấu như mô hình các công ty định giá hiện tại. Việc ra đời các công ty dạng này sẽ giúp cả bên mua nợ và bên bán nợ xấu có cơ sở để xem xét, quyết định việc mua bán và đảm bảo việc mua bán nợ xấu được thực hiện khách quan. Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với các TCTD nhà nước, khi trách nhiệm về sử dụng và mất vốn luôn rất nặng nề.
3.4. Đa dạng hàng hóa trên thị trường mua bán nợ xấu
Một trong những giải pháp thúc đẩy tiến trình đa dạng hóa các khoản nợ xấu nhưng chưa được vận dụng, đó là kỹ thuật chứng khoán hóa. Chứng khoán hóa là quá trình tập hợp và tái cấu trúc các tài sản thiếu tính thanh khoản nhưng có thể có thu nhập bằng tiền trong tương lai, như các khoản phải thu, các khoản nợ, rồi chuyển đổi chúng thành giấy tờ có giá và đưa ra giao dịch trên thị trường tài chính. Thông thường, kỹ thuật chứng khoán hóa được thực hiện trên hai nhóm tài sản: Các khoản vay được thế chấp bằng bất động sản và các tài sản tài chính không được thế chấp bằng bất động sản. Tương ứng với hai loại tài sản trên thì sau khi được chứng khoán hóa sẽ hình thành hai loại chứng khoán là: Các chứng khoán dựa trên thế chấp bất động sản (Mortage backed securities) và các chứng khoán tài sản tài chính (Asset backed securities – ABS). Như vậy, ABS đơn giản là các trái phiếu hoặc giấy tờ có giá (gọi chung là chứng khoán) được hình thành từ các tài sản tài chính như các khoản phải thu khác với các khoản vay có tài sản thế chấp, ví dụ như các khoản phải thu từ thẻ tín dụng, khoản vay mua ô tô, vay để xây nhà, vay để tiêu dùng cho gia đình. Từ đó rút ra được điểm khác biệt lớn nhất giữa ABS và các loại trái phiếu khác là mức độ tín nhiệm của các nguồn thu, khả năng thanh toán của các tài sản tài chính.
Thị trường mua bán nợ xấu phát triển đến một giai đoạn cao tất yếu sẽ dẫn đến việc hình thành và phát triển các sản phẩm phái sinh có liên quan đến chứng khoán nợ như hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng quyền chọn hay các sản phẩm chứng khoán hóa tài sản (asset securitization)… nhằm đa dạng hóa và đáp ứng đầy đủ mọi yêu cầu của nhà đầu tư từ khả năng sinh lợi đến mục tiêu giảm thiểu, hoán đổi rủi ro hay chỉ đơn thuần là đánh cược với rủi ro. Đây là một giai đoạn phát triển cao của thị trường tài chính mà đòi hỏi hệ thống pháp lý phải rõ ràng, hệ thống công nghệ và trình độ các nhà đầu tư tham gia cũng phải được nâng lên tương ứng. Điển hình, các doanh nghiệp phát hành cần phát triển nghiệp vụ giao dịch kỳ hạn (repo) các khoản chứng khoán nợ (có nguồn gốc từ nợ xấu). Repo không những cho phép bên bán bán cho bên mua, mà còn phải ký hợp đồng với điều khoản đến một thời hạn nhất định thì người bán sẽ mua lại số chứng khoán đã bán với một mức giá xác định ghi trong hợp đồng. Giao dịch repo chứng khoán sẽ được cụ thể hóa, công khai và minh bạch, giúp thị trường sôi động hơn. Một khi các sản phẩm phái sinh liên quan đến chứng khoán nợ phát triển sẽ giúp nâng cao tính thanh khoản cho nó, tăng tính hấp dẫn và giảm thiểu rủi ro của nhà đầu tư. Có thể nói, để đưa thị trường mua bán nợ xấu chính thức của Việt Nam ngày càng phát triển thì đây là một hướng đi tất yếu.
3.5. Thay đổi quy định về thanh toán khi mua bán nợ xấu
Mục tiêu của các TCTD khi bán hoặc chuyển giao nợ xấu là để thu hồi một phần nợ và không phải chịu trách nhiệm đối với các doanh nghiệp (khách nợ) này. Vì thế, để ngân hàng tham gia sâu hơn vào quá trình xử lý nợ xấu gắn với tái cơ cấu doanh nghiệp thì cần có quy định buộc ngân hàng chuyển giao nợ xấu cho công ty mua bán nợ. Khi đó, công ty mua bán nợ sẽ hoạt động như là một nhà cung cấp dịch vụ.
Cụ thể, sau khi có quyết định của Chính phủ về giải quyết nợ xấu, ngân hàng nào có nợ xấu vượt quá mức độ cho phép sẽ phải chuyển giao cho các công ty mua bán nợ để đơn vị này xử lý và tiến hành tái cơ cấu doanh nghiệp. Trong giai đoạn xử lý nợ xấu, doanh nghiệp là khách nợ sẽ vẫn trả lãi cho ngân hàng như bình thường và ngân hàng không thay đổi lãi suất. Đặc biệt, thay vì công ty mua bán nợ phải trả một tỷ lệ phần trăm (%) đã quy định nào đó tính trên khoản nợ cho ngân hàng, công ty mua bán nợ này sẽ dùng khoản tiền đó để hỗ trợ cho vay đối với các doanh nghiệp khách nợ tái cơ cấu nhằm gia tăng giá trị, giúp các doanh nghiệp này có vốn sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, việc cung cấp vốn “mồi” của công ty mua bán nợ chỉ nên tiến hành trong một thời gian nhất định, sau khi ổn định sản xuất, công ty mua bán nợ phải tiến hành thoái vốn để hỗ trợ các doanh nghiệp khác. Điều đó cũng có nghĩa là, khi tiến hành mua nợ xấu, công ty mua bán nợ phải xây dựng luôn các phương án và lộ trình thoái vốn.
Với phương cách này, lợi nhuận tối đa không phải là mục tiêu hàng đầu của ngân hàng và công ty mua bán nợ nhưng mang lại lợi ích đồng thuận cho cả 3 bên. Về phía ngân hàng, họ sẽ không phải ghi nhận lỗ và không bị thiệt trong trường hợp các công ty mua bán nợ xử lý thành công. Các công ty mua bán nợ thì không phải mua nợ bằng tiền mặt nên tăng khả năng tái cấu trúc doanh nghiệp, hoạt động gia tăng giá trị cho các doanh nghiệp không ngừng được nâng lên thông qua cung cấp vốn “mồi”, góp phần hiệu quả trong việc xử lý nợ xấu của nền kinh tế. Đối với các doanh nghiệp, sự tham gia sâu hơn của ngân hàng trong quá trình tái cơ cấu là điều kiện quan trọng để doanh nghiệp có cơ hội phát triển sản xuất, có lãi trả nợ.
3.6. Quy định về thời gian xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng
Nhà nước cần có quy định cụ thể về xử lý các khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng theo hướng tập trung bán nợ, khống chế thời hạn xử lý nợ, nếu quá thời hạn thì phải bán theo giá của tổ chức thẩm định trung gian. Trong đó, một trong các vướng mắc ảnh hưởng đến thời gian xử lý nợ xấu là nguồn vốn hạn chế của công ty mua bán nợ. Mặc dù vốn điều lệ DATC đã được tăng lên 6.000 tỷ đồng nhưng trong trường hợp nguồn vốn của DATC không đủ để thực hiện mua nợ xấu gắn với tái cấu trúc doanh nghiệp thì có thể đề nghị Nhà nước hỗ trợ vốn (có hoàn trả) cho DATC, hoặc phát hành trái phiếu của công ty (được định kỳ định giá lại) để thực hiện xử lý nợ. Ðồng thời, cần sớm sửa đổi quy định về xử lý nợ xấu của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) theo hướng tạo quyền chủ động cho VDB như các NHTM. Chỉ khi thời gian xử lý nợ xấu nhanh, thu hồi vốn sớm, các TCTD thấy lợi ích của việc mua bán nợ xấu thì chắc chắc nhu cầu bán nợ xấu sẽ trở thành nhu cầu thực sự của các TCTD mà không cần có bất kỳ sức ép nào từ phía các cơ quan quản lý của Nhà nước.
3.7. Xã hội hóa các hoạt động mua bán nợ xấu
Toàn hệ thống NHTM hiện có khoảng 20 công ty mua bán nợ nhưng xét về cung cầu, các công ty mua bán nợ của NHTM không đủ lực cả về tài chính, cơ chế hoạt động và kỹ năng xử lý. Cần thiết phải khuyến khích việc thành lập thêm các công ty mua bán nợ khác theo hướng xã hội hóa. Theo đó, không chỉ có DNNN mới được tham gia vào thị trường này mà sẽ mở rộng hơn, tư nhân cũng có thể được tham gia. Theo các chuyên gia kinh tế, các công ty mua bán nợ xấu do Ngân hàng Nhà nước thành lập sẽ góp phần giúp tăng trưởng tín dụng thông qua việc làm sạch bảng tổng kết tài sản của ngân hàng và của doanh nghiệp, tạo điều kiện để hoạt động vay và cho vay dễ hơn. Tuy nhiên, hoạt động này chỉ có tác dụng là đòn bẩy, không thể giải quyết nợ xấu của toàn bộ hệ thống ngân hàng.
Trong ngắn hạn cần có biện pháp thúc đẩy phạm vi hoạt động của các công ty mua bán nợ, khuyến khích các công ty mua bán nợ tham gia vào quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp. Các công ty Quản lý nợ và khai thác tài sản (AMC) của các ngân hàng thường chỉ co hẹp hoạt động trong việc xử lý nợ xấu của ngân hàng mẹ. Nếu các công ty này không tham gia mua bán các khoản nợ xấu của các ngân hàng khác, thì không thể hình thành thị trường mua bán nợ xấu tập trung. NHNN nên có quy định, các TCTD có nợ xấu trên 3% phải thành lập AMC riêng, phạm vi hoạt động là toàn bộ tài sản và các khoản nợ xấu trên thị trường.
Đối với các công ty mua bán nợ trực thuộc Nhà nước, để đạt được sự độc lập trong hoạt động cần luôn phải thể hiện sự minh bạch. Các công ty mua bán nợ phải thường xuyên công bố tình hình hoạt động và kết quả hoạt động kinh doanh thông qua các báo cáo định kỳ, trong đó nêu rõ các quy trình và phương pháp xử lý nợ xấu. Để giảm thiểu tối đa tham nhũng có thể xẩy ra, cần có công ty kiểm toán độc lập thực hiện với nhiệm vụ báo cáo trực tiếp cho Chính phủ. Đồng thời, Chính phủ cũng cần thành lập các cơ quan chuyên trách theo dõi và đánh giá hiệu quả hoạt động của các công ty mua bán nợ trực thuộc Nhà nước và các công ty mua bán nợ thuộc các NHTM thông qua các tiêu chí như: mức độ phục hồi của nợ xấu, số lượng và chất lượng các khoản vay được tái cấu trúc,… Chỉ khi hình thành được một thị trường mua bán nợ xấu chuyên nghiệp, dần xã hội hóa hoạt động này, thì bài toán xoá bỏ nợ nần cho khối doanh nghiệp nói chung và DNNN nói riêng mới có lời giải trên diện rộng.