Nhân tố ảnh hưởng đến phát triển thị trường mua bán nợ
Nhân tố ảnh hưởng đến phát triển thị trường mua bán nợ
Phát triển thị trường mua bán nợ xấu là một trong các hoạt động kinh doanh quan trọng của các thành phần tham gia vào thị trường, hoạt động này chịu tác động cả nhân tố bên trong và các nhân tố bên ngoài, nhân tố trực tiếp và nhân tố gián tiếp. Để phát triển thị trường nợ xấu được hiệu quả tất yếu phải xem xét đánh giá các nhân tố ảnh hưởng (tích cực và tiêu cực), cụ thể như sau:
1. Nhóm các nhân tố gắn với yếu tố “cung” của loại hàng hóa nợ
Trước hết, về các nhân tố ảnh hưởng trực tiếp tới chủ nợ, có thể thấy hiện tại các doanh nghiệp thông thường có chủ nợ là các tổ chức tín dụng (đối với các khoản doanh nghiệp vay tổ chức tín dụng), là Nhà nước (thường là các khoản nợ thuế đối với ngân sách nhà nước (NSNN), chủ nợ của doanh nghiệp cũng có thể là các đối tác của doanh nghiệp (như nợ nhà cung cấp, nợ khách hàng, nợ cán bộ, nhân viên, nợ các đối tác khác). Các chủ nợ là tổ chức tín dụng dường như đã và đang quan tâm tới việc mua bán các khoản nợ xấu của họ tại doanh nghiệp hơn cả. Điều đáng chú ý là đối với ngân hàng thì các khoản nợ xấu nằm tại các DNNN thường cũng chiếm tỷ trọng đáng kể.
Cũng phải nói thêm rằng, các khoản nợ xấu ngân hàng có thể là hàng hóa cho thị trường mua bán nợ xấu nói tới trong nghiên cứu này chủ yếu là các khoản nợ xấu dài hạn, gắn liền với hoạt động đầu tư, các dự án kinh doanh của doanh nghiệp, không tập trung vào các khoản nợ xấu ngắn hạn thuộc về tính thanh khoản cho doanh nghiệp để bù đắp vốn lưu động tạm thời.
Nhìn tổng thể thì chủ nợ là tổ chức tín dụng vẫn là nhóm chủ nợ có nhiều ưu thế nhất trong việc bán nợ xấu vì thường các khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng cho doanh nghiệp vay đã có những đánh giá liên quan đến chất lượng nợ, khả năng trả nợ của doanh nghiệp khách nợ, như vậy sẽ thuận lợi hơn cho công tác định giá mua – bán khoản nợ xấu là hàng hóa của thị trường mua bán nợ xấu. Đối với chủ nợ là Nhà nước, nhà cung cấp, khách hàng, nhân viên doanh nghiệp,… thì gần như đây là các khoản nợ chủ yếu ngắn hạn, có tính thời vụ mà doanh nghiệp “tranh thủ”, có tính chu kỳ cứ trả nợ rồi quay vòng vay nợ cho chu kỳ mới rồi lặp lại. Do đó, chỉ khi nào doanh nghiệp không thể cân đối trả nợ được và nợ thành nợ khó đòi, quá hạn, các chủ nợ loại này mới tính tới việc mua bán nợ xấu. Tuy nhiên, trên thực tế đây không phải là đối tượng “cung” hàng hóa – nợ xấu lớn ra thị trường mua bán nợ xấu. Vì vậy, trong luận án này sẽ tập trung nghiên cứu vào chủ nợ là các TCTD. Khi số lượng các TCTD tham gia bán nợ xấu trên thị trường càng cao thì đây cũng là nhân tố tích cực thúc đẩy thị trường mua bán nợ xấu phát triển.
Xem thêm : Khái niệm phát triển thị trường mua bán nợ
Các nhân tố gắn với công ty khách nợ ảnh hưởng tới “cung” của thị trường mua bán nợ xấu với tư cách ảnh hưởng tới cả cung và cầu của loại hàng hóa này vì tác động tới chất lượng của nợ xấu tại doanh nghiệp. Các nhân tố gắn với công ty khách nợ gồm giá trị vô hình, hữu hình, năng lực tài chính của công ty, các nguồn lực của công ty, lợi thế kinh doanh, các lợi thế vô hình khác, ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp nợ. Nói về “cung” hàng hóa nợ xấu gắn với doanh nghiệp khách nợ thì đây đang là nhóm nhân tố tác động tiêu cực theo hướng “tăng cung” bởi khi nền kinh tế gặp khó khăn, các doanh nghiệp hoạt động thua lỗ kéo dài, dẫn đến khó có khả năng trả nợ đúng hạn và làm tăng các khoản nợ xấu. Vì vậy, cần có nhiều giải pháp đồng bộ mới xử lý được vấn đề này.
Trên thực tế, hoạt động mua bán nợ xấu chỉ có thể diễn ra nếu như bên mua và bên bán có thể đo lường ở mức độ nhất định về “giá” mua bán hàng hóa nợ xấu, nghĩa là phải đo lường được chất lượng nợ xấu. Điều này yêu cầu bên mua, bên bán có được cơ sở để đánh giá chất lượng cơ cấu tài chính của doanh nghiệp, có được thông tin minh bạch về doanh nghiệp, thông tin minh bạch về phương thức vay – cho vay, quy trình đánh giá rủi ro gắn với các khoản nợ xấu, các định chế trung gian như các công ty định mức tín dụng, tư vấn mua bán nợ, là các bên thứ ba có vai trò khách quan mà bên mua và bên bán nợ có thể tham vấn trong hoạt động mua bán nợ xấu.
2. Nhóm các nhân tố ảnh hưởng đến “cầu” của loại hàng hóa nợ
Đó là các nhân tố như số lượng, quy mô và khả năng tài chính của các tổ chức mua bán nợ chuyên nghiệp, nhà đầu tư (người mua nợ xấu) tiềm năng; tính đa dạng trong phương thức mua bán nợ xấu.
Một thị trường mua bán nợ xấu chỉ có thể phát triển khi có số lượng các nhà đầu tư, công ty có nhu cầu mua nợ xấu lớn và ngược lại. Trên thực tế, do đặc thù của hàng hóa là nợ xấu của doanh nghiệp thì số lượng các đơn vị tham gia thị trường với tư cách là bên mua thường không nhiều. Một yếu tố có ảnh hưởng tích cực đến nhu cầu mua bán nợ xấu là khả năng chứng khoán hóa các khoản nợ để bán lại trên thị trường tài chính. Ngoài ra, khả năng huy động các nguồn tài chính cho mua bán nợ xấu cũng là yếu tố có ảnh hưởng tích cực đến nhu cầu mua nợ xấu.
Do vậy, nếu thị trường tài chính phát triển, khả năng chứng khoán hóa nợ dễ dàng, khả năng huy động vốn thuận lợi với nhiều mô hình quỹ đầu tư sẽ tạo điều kiện tốt cho thị trường mua bán nợ xấu phát triển.
3. Nhóm nhân tố trung gian ảnh hưởng đến hoạt động mua bán nợ xấu
Nhóm nhân tố này bao gồm:
– Khuôn khổ pháp luật: Đây là nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến thị trường mua bán nợ xấu. Một khung pháp lý đầy đủ với những chính sách rõ ràng, minh bạch mang tính khuyến khích sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động của thị trường mua bán nợ xấu như chính sách thuế, chính sách liên quan đến xử lý tài sản bảo đảm (như chính sách về đất đai, định giá tài sản), các quy định pháp luật về phá sản doanh nghiệp, quy định về xử lý nợ xấu (như thủ tục pháp lý thu hồi nợ xấu, bán nợ xấu). Nếu các quy định này tạo điều kiện cho việc mua bán nợ, xử lý nợ xấu nhanh chóng, thuận tiện thì sẽ là nhân tố tích cực thúc đẩy thị trường mua bán nợ xấu phát triển.
Trong hàng loạt các quy định, thì các quy định hướng dẫn tiến hành các thương vụ M&A cả về cơ chế giao dịch, thông tin minh bạch, lẫn những quy định về kế toán, kiểm toán cũng cần rất cụ thể. Trong khi cơ chế hoạt động chưa rõ ràng, thông tin về nợ xấu chưa minh bạch, doanh nghiệp lại có nhiều loại báo cáo tài chính, cáo bạch khác nhau, vì vậy hoạt động mua bán nợ xấu sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro và nguy cơ.
– Sự phát triển của các tổ chức tư vấn định giá tài sản, định giá khoản nợ, công ty xếp hạng tín nhiệm: Để đảm bảo tính khách quan, minh bạch, việc định giá khoản nợ xấu thường được tiến hành bởi một tổ chức trung gian có chức năng định giá tài sản, định giá khoản nợ xấu. Việc định giá khoản nợ xấu được nhanh chóng, chính xác, phù hợp với thị trường sẽ thúc đẩy tiến trình mua bán nợ xấu.
Ngoài ra, khả năng tiếp cận thông tin về khoản nợ xấu là yếu tố quan trọng cho sự bắt đầu các hoạt động mua bán nợ xấu. Do vậy, sự tồn tại của các công ty xếp hạng tín nhiệm có uy tín hay các trung tâm độc lập cung cấp thông tin đánh giá về nợ xấu là nhân tố hết sức quan trọng và có ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển thị trường mua bán nợ xấu. Nếu thiếu vắng các đơn vị này thì hoạt động mua bán nợ xấu khó có thể diễn ra mạnh mẽ.