Sự ra đời và phát triển hoạt động bán lẻ của ngân hàng thương mại
Cùng với sự tiến bộ xã hội và sự phát triển của nền KT thế giới, hoạt động NH đã không ngừng phát triển và trải qua nhiều thay đổi về quy mô, cơ cấu tổ chức và mục tiêu hoạt động. Song hành với nó, hoạt động bán lẻ thực hiện việc cung cấp sản phẩm dịch vụ NH cho KH cá nhân đã khẳng định vai trò quan trọng và phát triển không ngừng để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng, phức tạp của người dân.
Lịch sử ngành ngân hàng cho thấy, hoạt động bán lẻ đã hình thành và phát triển cùng với sự phát triển của các NHTM, là sự khởi đầu cho hoạt động của các NH. Từ buổi sơ khai, khoảng thời gian năm 1.800 trước Công nguyên trở về trước, chiến tranh xảy ra liên miên giữa các quần cư , các gia đình giàu có trở thành mục tiêu của những vụ tranh cướp. Từ đó họ có nhu cầu gửi tài sản cho những người có thế lực, có đủ lực lượng bảo vệ và nơi cất giữ như các nhà thờ, các thợ vàng, các gia đình quyền quý…. Những người này với vai trò là người cầm đồ thông thường, chỉ cất tiền vào kho cho đến khi người gửi đến nhận lại. Đây là khởi đầu cho hoạt động nhận tiền gửi của các ngân hàng sau này.
Trải qua thời gian, những người cầm đồ đó đã nhận ra rằng, trong kho của họ luôn duy trì một lượng tiền bởi không bao giờ tất cả những người gửi tiền cùng một lúc lấy ra số tiền mà họ gửi và cũng nhờ tính vô danh của đồng tiền mà họ đã dùng một phần trong số tiền giữ hộ cho những nhà buôn, những chủ tàu vay với tư cách các cá nhân vay. Hoạt động cho vay của NH – có thể gọi là cho vay cá nhân – đã hình thành từ đây.
Thêm vào đó, chính những người gửi tiền (chủ yếu là tiền vàng và kim lọai quý) có nhu cầu trả tiền mua hàng và nhận thấy họ có thể dùng chứng thư xác nhận việc gửi tài sản của những người cầm đồ để trả cho người bán hàng thay vì phải đến nơi gửi đồ nhận lại số tiền đó rồi mang trả cho người bán. Phát kiến này của những người gửi tiền đã làm phát sinh chức năng trung gian thanh toán của NH, dịch vụ thanh toán cho khách hàng cá nhân ra đời.
Xem thêm: Dịch vụ Ngân hàng bán lẻ
Như vậy, nhu cầu rất giản đơn của các cá nhân trong xã hội đã tạo tiền đề cho sự ra đời của ngành NH nói chung và hoạt động NH phục vụ khách hàng cá nhân nói riêng.
Cho đến giữa thế kỷ thứ 19, nhằm đáp ứng nhu cầu rất lớn về vốn cho công nghiệp hóa, các NH tư nhân được thay thế bằng một loạt các NH cổ phần để tăng vốn hoạt động. Xu hướng hoạt động chuyên môn hóa của các NH lúc này được thay thế bởi xu hướng kinh doanh tổng hợp đa năng với quy mô lớn. Các NH cổ phần lớn mạnh như tập đoàn NH General Societe thành lập tại Paris năm 1852, Deutsch Bank tại Frankfurt và các tập đoàn NH khác tại New York, London đã mở rộng hoạt động, đa dạng hóa các dịch vụ NH. Đối tượng phục vụ chính của các NH lúc đó là các chủ doanh nghiệp, các gia đình giàu có và nhà nước.
Vào khoảng vài thập niên đầu của thế kỷ 20 cho đến thời kỳ trước chiến tranh thế giới thứ hai, dịch vụ NH phát triển mạnh mẽ và đạt đến mức cao nhưng vẫn chưa thâm nhập vào đời sống của đại đa số dân chúng. Lúc này, nhu cầu về vốn cũng ngày càng tăng để tài trợ cho các khoản vay thương mại lớn. Cạnh tranh giữa các NH diễn ra gay gắt, các NH ráo riết tìm cách huy động thêm nguồn vốn từ các KH mới tiềm năng hơn. Đặc biệt từ thập kỷ 50 trở đi, thu nhập của người lao động và người làm công ăn lương ở nhiều nước ngày càng gia tăng khiến các NH nhận thấy đây là nguồn vốn dồi dào có thể khai thác cho đầu tư. Họ cũng nhận ra rằng người tiêu dùng chính là những KH trung thành và tiềm năng không những chỉ trong lĩnh vực huy động tiền gửi mà còn ở lĩnh vực sử dụng vốn. Với nhận thức đó các NH đã tăng cường hơn nữa vào việc đầu tư cơ sở vật chất, giới thiệu các sản phẩm dịch vụ NH đến với tầng lớp những người lao động, buôn bán, trí thức… Đối tượng KH này đã mang lại doanh thu tăng trưởng nhanh nhất và chiếm vị trí đáng kể trong lợi nhuận của NH.
Từ đó, các NH kinh doanh đa năng không chỉ tập trung vào những KH giàu có truyền thống mà bắt đầu có một chiến lược tổng hợp nhắm vào mọi đối tượng KH bằng cách đáp ứng đúng nhu cầu của từng nhóm KH. Với các KH giàu có, các NH này thành lập những trung tâm để phục vụ, các trung tâm này được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất tiện ích nhằm đáp ứng các nhu cầu cao hơn về các dịch vụ nhận ủy thác đầu tư, quản lý tài sản, tư vấn tài chính, thuế. Với tầng lớp trung lưu, các trung tâm chăm sóc khách hàng và tư vấn các dịch vụ NH, lập kế hoạch tài chính, quỹ hưu trí hoạt động tích cực thỏa mãn nhu cầu đặc trưng của nhóm KH này. Đối với tầng lớp bình dân, những người có nhu cầu tài chính rất đơn giản với yêu cầu nhanh chóng, tiện lợi, các NH đã chú trọng đầu tư, mở thêm các điểm giao dịch, lắp đặt các hệ thống giao dịch tự phục vụ như KIOS, ATM, đồng thời phát triển các dịch vụ NH qua các kênh hiện đại như qua điện thoại, Internet, SMS… Sự hỗ trợ của CNTT giúp các NH có điều kiện tập trung đầu tư công nghệ, đặc biệt các NH tại Mỹ, ở Tây Âu, Nhật Bản và ở những nước thị trường mới nổi như Hongkong, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan… đã tạo nên khả năng thực hiện lượng giao dịch rất lớn và phục vụ số lượng đông KH của các NH.
Cho đến nay, ngày càng nhiều các ngân hàng chú trọng đầu tư phát triển hoạt động bán lẻ vì nó có thể mang lại lợi nhuận cho NH ngay cả khi tình hình kinh tế khó khăn. Có thể nói rằng phát triển hoạt động NH bán lẻ như hòn đá tảng trong chiến lược phát triển của nhiều ngân hàng. Hoạt động bán lẻ đã tiến một bước rất xa so với hoạt động NH trước đây, sự gia tăng nhu cầu của các KH cá nhân thúc đẩy các NH tiếp tục phát triển các dịch vụ truyền thống (tiền gửi, cho vay, bảo quản vật có giá, cung ứng các phương tiện thanh toán) và mở rộng các dịch vụ mới đa dạng hơn như tư vấn, quản lý tài sản, bảo hiểm. Các phương tiện thanh toán ban đầu như séc, ủy nhiệm chi, chuyển khoản… được bổ sung bằng các phương tiện thanh toán đa năng và thuận tiện hơn như thẻ ATM, thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng… Các chi nhánh NH truyền thống không còn là kênh phân phối duy nhất đưa dịch vụ NH đến với dân cư, mà các kênh phân phối điện tử như ATM, POS, Internet banking, Phone banking…đã ra đời và phát triển một cách bùng nổ trong những năm gần đây.
Như vậy, cùng với sự phát triển của phân công lao động xã hội và tiến bộ của CNTT, hoạt động bán lẻ của các NHTM có mặt từ rất lâu, tồn tại như một yếu tố khách quan và không ngừng phát triển gắn liền với sự phát triển văn minh xã hội loài người.
Pingback: Kênh phân phối trong hoạt động ngân hàng bán lẻ - Hỗ trợ, tư vấn, chắp bút luận án tiến sĩ